Đầu mùa khô, tỉnh Hậu Giang đã triển khai đồng bộ các giải phải cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trên địa bàn. Thực hiện rà soát, vận hành hợp lý các công trình ngăn mặn, trữ ngọt, góp phần điều hòa, phân bổ hợp lý nguồn nước được tích trữ trong khu vực nội đồng, đáp ứng cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây trồng trong suốt mùa khô 2024.
Dù trong cao điểm đợt khô hạn đầu tháng 4/2024, nhưng ông Phạm Văn Diện, ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh vẫn tích trữ đủ nước ngọt trong mương để tưới cho rẫy khóm (dứa). Cùng với hệ thống đê bao và cống ngăn mặn bảo vệ vòng ngoài, đầu mùa khô.
Ông Phạm Văn Diện, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh cho biết: Nguồn nước tưới cho cây khóm hiện nay vẫn đảm bảo vì từ đầu mùa khô, ông đã chủ động nạo vét mương tích trữ nước ngọt. Nông dân canh tác trong mùa khô năm nay cũng an tâm hơn bởi có sự bảo vệ của hệ thống cống ngăn mặn Cái Lớn - Cái Bé và đê bao Long Mỹ - Vị Thanh, nỗi lo xâm nhập mặn vơi đi. Tuy nhiên, để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng tốt trong những tháng cao điểm khô hạn, ông và nhiều hộ dân nơi đây chủ động nạo vét hệ thống mương bên trong rẫy để trữ nước ngọt, gia cố lại cống, bọng để đảm bảo cho việc lấy nước được nhanh chóng.
Huyện Long Mỹ có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 23.000 ha. Hằng năm, huyện được dự báo chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là xâm nhập mặn từ hai hướng chính (Hướng triều biển Tây, mặn xâm nhập theo sông Cái Lớn, các xã thị trấn có nguy cơ bị ảnh hưởng gồm Lương Nghĩa, Lương Tâm, Vĩnh Viễn A và thị trấn Vĩnh Viễn.
Riêng hướng triều biển Đông, mặn xâm nhập từ hướng tỉnh Bạc Liêu vào địa bàn huyện Long Mỹ, ảnh hưởng một phần phía Đông của xã Lương Nghĩa, Lương Tâm, Xà Phiên và Thuận Hòa). Vì vậy, từ đầu mùa khô 2024, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động nạo vét ao mương trữ nước ngọt, áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm cho cây trồng vào những tháng khô hạn diễn ra gay gắt.
Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ cho hay, do dự báo sớm, nên huyện triển khai sớm công tác chuẩn bị với tinh “thần chủ động ứng phó, sản xuất thích ứng với hạn mặn”. Cụ thể, việc xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 được triển khai sớm hơn; đồng thời, ngành chức năng tổ chức làm việc với các tổ chức bơm, tưới trên địa bàn về biện pháp đảm bảo nguồn nước, tránh đợt hạn mặn, nhất là đợt hạn mặn cao điểm đầu tháng 4/2024.
Tính đến nay, các trà lúa Đông Xuân đã thu hoạch xong, cây lúa được đảm bảo đủ nước, đạt năng suất cao. Đối với các khu vực trồng cây ăn trái, nông dân đã chủ động trữ nước kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm. Qua rà soát, đến thời điểm này, nguồn nước phục vụ tưới tiêu trên cây ăn trái và cây lúa vẫn đảm bảo.
Tỉnh Hậu Giang đang bước vào một trong những đợt cao điểm khô hạn và thiếu nước mặt gay gắt nhất mùa khô năm nay. Cơ quan chức năng dự báo từ nay đến 15/4 nguồn nước trên sông Hậu chảy vào các sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh thiếu hụt từ 10 - 20% so với trung bình nhiều năm. Chính quyền địa phương đã tăng cường vận động người dân dùng mọi biện pháp, dụng cụ tích trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong đợt cao điểm khô hạn. Đồng thời, khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật thông tin về nồng độ mặn tại địa bàn để chủ động trữ nước trong ao, mương vườn.
Theo ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, trước tình hình hạn mặn đang diễn ra gay gắt, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên cập nhật thông tin trên báo, đài, nhất là thông tin trên hệ thống của ngành nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đã đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân dùng mọi biện pháp, dụng cụ tích trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn năm 2024. Khuyến cáo người dân trữ nước trong các ao, mương vườn và sử dụng nước tiết kiệm; tuân thủ lịch thời vụ xuống giống né hạn, mặn. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền vận động người dân ra sức phòng, chống hạn mặn có hiệu quả.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, nước mặn xâm nhập theo hướng triều cường biển Tây và biển Đông đã xuất hiện ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát thống kê diện tích các loại cây trồng có khả năng bị tác động bởi hạn mặn và dự báo, cảnh báo diễn biến tình hình xâm nhập mặn kịp thời, qua đó, triển khai các giải pháp phù hợp để ứng phó. Đối với vùng nguy cơ hạn, ảnh hưởng mặn; tổng diện tích ước tính là khoảng 90.000 ha đến 110.000 ha, bao gồm vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, Hè Thu 2024 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, một phần huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy; đối với vùng nguy cơ xâm nhập mặn, ảnh hưởng hạn hán; tổng diện tích ước tính là khoảng 50.000 ha đến 60.000 ha, bao gồm vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, Hè Thu 2024 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Long Mỹ, Vị Thủy, một phần huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.
Trên tinh thần phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trong việc triển khai các giải pháp phòng chống hạn, mặn và sự chủ động của người dân trong canh tác, đến nay, Hậu Giang chưa có diện tích cây trồng, thủy sản bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.