Theo đó, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa trái mùa ở một vài nơi, tuy nhiên qua theo dõi tại các khu rừng trên địa bàn tỉnh đã nhiều ngày không mưa, tình trạng nắng nóng kéo dài, khô hạn xảy ra trên diện rộng.
Đồng thời, kiểm tra tình hình thực tế tại các vùng trọng điểm ở Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Công ty cổ phần Đầu tư du lịch miền Nam, Khoa Phát triển nông thôn của Khu Hòa An (Đại học Cần Thơ) và một số diện tích rừng trồng phân tán của người dân trên địa bàn tỉnh, độ ẩm dưới chân rừng đã xuống thấp, các thảm thực vật, dây leo đã có hiện tượng chết dần và người dân thường đốt đồng sau thu hoạch lúa Đông - Xuân nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang nâng cấp dự báo cháy rừng từ cấp III (cấp cao) lên cấp IV (cấp nguy hiểm) kể từ ngày 5/4/2024 trên tất cả các khu rừng trong tỉnh.
Ban Chỉ đạo tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng các huyện và các đơn vị chủ rừng tổ chức ứng trực 12/24 giờ (từ 9 giờ đến 21 giờ) để phát hiện kịp thời điểm cháy, báo động và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay. Ban chỉ đạo tiếp tục tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức hướng dẫn thao tác chữa cháy rừng, thực tập chữa cháy rừng theo phương án đã được phê duyệt; chủ động tích trữ nguồn nước ngọt trong các tuyến kênh, mương trong rừng luôn đảm bảo khi có sự cố cháy xảy ra.
Đối với các khu rừng trọng điểm và các khu rừng có nguy cơ cháy cao phải lập chốt kiểm soát người ra vào rừng, bố trí lực lượng chốt chặn và tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, kiểm soát, ngăn chặn người ra vào rừng trái phép, đặc biệt là phối hợp tuần tra liên ngành. Các lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng luôn trong tư thế sẵn sàng chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ. Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh (Chi cục Kiểm lâm) theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn để dự báo và thông báo kịp thời cho các địa phương có rừng và các đơn vị chủ rừng.
Tỉnh Hậu Giang có diện tích đất rừng trên 5.883 ha; trong đó, có trên 3.776 ha có rừng. Qua kiểm tra phương án phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2023 - 2025 của các đơn vị chủ rừng, xác định các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng là 1.656 ha. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp, năm 2023, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.
Theo ông Đoàn Ngọc Thân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, Chi cục tiếp tục chủ động thực hiện tốt dự báo, cảnh báo cháy rừng; kiểm tra việc ứng trực tại các địa phương và đến các chủ rừng. Đồng thời, tổ chức thực tập chữa cháy và đánh giá khả năng, thời gian huy động phương tiện, lực lượng chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”.
Chi cục cũng tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, thực tập chữa cháy rừng cho lực lượng chữa cháy của các chủ rừng; tổ chức lực lượng tuần tra liên ngành tại các khu rừng do Nhà nước quản lý nhằm kịp thời ngăn ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Để chuẩn bị tốt các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cho các lực lượng, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh dự kiến tổ chức thực tập chữa cháy rừng cấp tỉnh vào ngày 12/4/2024 tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.