Theo Cục Đường bộ Việt Nam, đến ngày 15/9/2023, các cơ quan, đơn vị cơ bản đã thực hiện giải ngân trên 60% dự toán chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ được giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số Sở Giao thông Vận tải có tỷ lệ giải ngân thấp, không đảm bảo hoàn thành giải ngân vốn được giao.
Điển hình như Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình mới đạt tỷ lệ giải ngân hơn 39%, Sở Giao thông Vận tải Thái Nguyên đạt hơn 46%, Sở Giao thông Vận tải Hà Giang đạt hơn 47%, Sở Giao thông Vận tải Vĩnh Phúc đạt hơn 47%, Sở Giao thông Vận tải Bắc Ninh đạt hơn 48%, Sở Giao thông Vận tải Nam Định đạt hơn 47%, Sở Giao thông Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 49%.
Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục và báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý trước ngày 30/9/2023.
Đối với các công trình được bổ sung kế hoạch bảo trì và giao dự toán chi năm 2023, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án căn cứ điều kiện triển khai thực tế để quyết định việc cho tạm ứng hợp đồng (không quá 10% tổng mức đầu tư công trình). Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành đúng tiến độ, giải ngân kinh phí quản lý, bảo trì đã được giao dự toán.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, năm 2023, Cục Đường bộ Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải giao gần 12.000 tỷ đồng vốn bảo trì đường bộ. Dự kiến đến ngày 15/10 sẽ giải ngân đạt 85% dự toán được giao và đến 31/12 sẽ hoàn thành 100% kế hoạch.
"Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tăng cường quản lý chất lượng, khối lượng, tiến độ và các thủ tục nghiệm thu, thanh toán đúng quy định của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng các tuyến đường quốc lộ, hiệu quả các dự án sửa chữa và công tác bảo dưỡng thường xuyên", lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho hay.