Gần 300.000 tỷ đồng bảo trì hệ thống quốc lộ huy động từ đâu?

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải đề án xác định nhu cầu vốn bảo trì quốc lộ giai đoạn 2019 – 2030, với nhu cầu huy động kinh phí gần 300.000 tỷ đồng.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, nguồn vốn cho bảo trì đường bộ hệ thống quốc lộ cả nước hiện nay mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu.

Năm 2018, nguồn thu cho Quỹ thu trên 10.000 tỷ đồng, và cũng chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của năm này. Tính đến năm 2018, còn tới hơn 16 nghìn km, bằng 66% tổng chiều dài mạng lưới quốc lộ đã quá thời gian sửa chữa định kỳ. Trong đó có trên 10.500 km đã quá thời hạn trung tu và trên 5.500 km quá thời kỳ đại tu do thiếu nguồn vốn.

Chú thích ảnh
Tuyến đường cần bảo trì cần phải xác định xuống cấp như thế nào?

“Liên quan đến việc xác định nhu cầu vốn quản lý, bảo trì quốc lộ đến năm 2030, chỉ tính riêng năm 2019, nhu cầu cần đến trên 49.000 tỷ đồng. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, để đảm bảo tính khả thi trong bố trí vốn, cần xem xét phương án điều hoà nhu cầu vốn, đảm bảo vừa đáp ứng việc bảo trì quốc lộ theo chu kỳ, vừa khả thi trong bố trí ngân sách hàng năm”, ông Huyện cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT), ngân sách sẽ không thể đáp ứng được con số này vì ngân sách năm 2019 đã trình Quốc hội và được phê duyệt. Vì vậy, đề án cần điều chỉnh lại thời gian thực hiện đề án theo nhiệm kỳ Quốc hội là 2021 - 2030 để thuận tiện trong bố trí vốn và chỉ kiến nghị Nhà nước cấp thêm tiền.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, đề án cần phải đánh giá chất lượng mặt đường theo khu vực và phải đưa quy trình bảo trì đường bộ vào đề án để thấy rõ nhu cầu nguồn vốn. Bên cạnh đó, phải nêu rõ hành lang pháp lý để xác định rõ nguồn vốn dành cho bảo trì. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ như ứng dụng phần mềm quản lý đường bộ để lập kế hoạch chính xác, giảm thành lập các đoàn đi lập kế hoạch bảo trì hàng năm.

Bên cạnh đó, trên tổng số 24.000 km quốc lộ cần phải chia nhỏ các khu vực như: vùng núi Tây Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ… trong đó, thống kê rõ diện tích, dân số, có bao nhiêu km quốc lộ và tình trạng hư hỏng của quốc lộ tại từng khu vực để có số liệu chính xác đối chiếu.

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải đánh giá đúng thực trạng bảo trì đường bộ để báo cáo Chính phủ, Quốc hội, trong đó đánh giá tổng số hơn 24.000 km quốc lộ hiện nay giá trị bao nhiêu triệu tỷ đồng. Tài sản hàng triệu tỷ đó đang xuống cấp thế nào, trong khi mỗi năm số tiền dành cho bảo trì nó rất ít ỏi, chỉ chiếm 1% tổng giá trị tài sản đường bộ, để thấy được số tiền bỏ ra duy trì quá thấp so với giá trị tài sản đang quản lý.

“Ngoài việc đề án phải nhấn mạnh tầm quan trọng, đánh giá sát thực tiễn, phải đưa ra nhiều giải pháp để cải tiến công tác bảo trì đường bộ từ hiện đại hóa máy móc thiết bị, tổ chức đấu thầu, thi công và có giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật để huy động thêm nguồn vốn cho bảo trì đường bộ", Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết.

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: Quỹ Bảo trì đường bộ hoạt động hiệu quả, ổn định
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: Quỹ Bảo trì đường bộ hoạt động hiệu quả, ổn định

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết và đánh giá 5 năm hoạt động của Quỹ bảo trì đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức sáng 26/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định: “Sau 5 năm đi vào hoạt động, Quỹ bảo trì đường bộ đã hoạt động hiệu quả, ổn định và tạo được đồng thuận cao trong xã hội”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN