Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, trong giai đoạn 2013-2017, các hoạt động của Quỹ đã được triển khai hiệu quả, cả ở cấp Trung ương và địa phương. Với nguồn vốn có được và sự điều hành quyết liệt, kịp thời, công tác bảo trì đường bộ đã có nhiều tiến bộ, so với thời điểm trước khi có Quỹ bảo trì đường bộ đến nay, hàng nghìn km đường bộ được sửa chữa; hàng trăm cây cầu được rà soát và sửa chữa tăng cường; các công trình thoát nước, hộ lan, biển báo được bổ sung, đầu tư… Điều này góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, tăng tuổi thọ công trình, qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội trên phạm phí cả nước.
“Mặc dù vậy, chúng ta cũng nhìn ra những hạn chế trong hoạt động của Quỹ bảo trì đường bộ trong thời gian qua như nguồn vốn tuy đã tăng lên và ổn định qua từng năm, nhưng vẫn còn thiếu so với nhu cầu (chỉ đáp ứng gần 50%) nên công tác bảo trì đường bộ vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Các đơn vị thi công thảm bê tông nhựa trên các tuyến đường nội thị của thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Quang Đán/TTXVN |
Bộ trưởng cũng cho rằng, cơ chế chính sách thay đổi liên tục, không nhất quán, thậm chí không thành công (như đối với thu phí xe máy) đã làm giảm hiệu quả của Quỹ Bảo trì đường bộ.
Với những khó khăn trên, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ đề nghị các các cơ quan Trung ương cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Đồng thời, nghiên cứu kỹ đề án xây dựng Quỹ bảo trì đường bộ để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ cơ chế hoạt động ổn định cho Quỹ bảo trì đường bộ theo đúng mục đích, tôn chỉ khi xây dựng và hình thành Quỹ.
Là đơn vị trực tiếp giải ngân nguồn vốn của Quỹ bảo trì đường bộ, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ đánh giá, kể từ năm 2013 khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động đã được những kết quả khả quan. Có thể kể đến một số kết quả cụ thể trong quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ giai đoạn 2013-2017.
Cụ thể, trong duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hiện có 20.582 km quốc lộ và 5.450 cầu được bảo dưỡng thường xuyên bằng nguồn vốn của Quỹ bảo trì đường bộ. Đó là chưa kể đến các tuyến đang thực hiện BOT và các dự án xây dựng công trình chưa hoàn thành.
Về sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, ông Huyện cho biết, từ năm 2013 đến nay, rất nhiều tuyến quốc lộ và các công trình đường bộ đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông Vận tải thực hiện; trong đó, về đường đã sửa chữa trên 76,8 triệu m2 mặt đường (tương đương với 10.971 km đường bề rộng 7m). Ngoài ra, còn sửa chữa hàng nghìn điểm hư hỏng cục bộ dạng sình lún, ổ gà.... Các đơn vị cũng đã sửa chữa 1.031 cầu yếu, cầu xuống cấp....; sửa chữa, cải tạo, xây mới 1.372 km rãnh và 137 km cống...
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn cho hay, Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh Lạng Sơn là một trong những quỹ được thành lập và đi vào hoạt động sớm trên cả nước. Ban đầu còn có những ý kiến trái chiều, nhưng từ khi quỹ đi vào hoạt động, tỉnh Lạng Sơn nhận thấy hoạt động của quỹ rất hiệu quả được xã hội và cộng đồng ủng hộ. Tuy nguồn vốn còn khiêm tốn nhưng đều đặn, đã làm thay đổi bộ mặt hệ thống hạ tầng giao thông của địa phương một cách rõ rệt.
“Ngoài ra, bằng nguồn vốn này, nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường nội thị, các công trình cầu cũ cũng đang dần được khắc phục, hoàn thiện, nhiều điểm đen mất an toàn giao thông đang được xóa bỏ…”, ông Hải chia sẻ.
Để cho nguồn vốn của Quỹ bảo trì đường bộ phát huy hiệu quả, ông Hải kiến nghị cần tăng cường kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ. Thanh tra giao thông và lực lượng quản lý đường bộ cần duy trì các hoạt động kiểm soát tải trọng xe tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, nhất là các tuyến đường thường xuyên có lưu lượng phương tiện có hàng hóa quá khổ, quá tải…