Tỉnh đang phấn đấu năm nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp 4.000 ha, tăng 800 ha và sản lượng 35.000 tấn, tăng 7.000 tấn so với năm 2020.
Đối với mô hình nuôi tôm thẻ hai giai đoạn, tỉnh đã thực hiện 44 điểm trình diễn trên địa bàn các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, An Minh và thành phố Hà Tiên, với quy mô 1.200 m²/điểm, năng suất trung bình 24,25 tấn/ha, lợi nhuận bình quân hơn 34 triệu đồng/mô hình, tương đương 280 triệu đồng/ha.
Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, tạo ra sản phẩm phù hợp với xu hướng nông nghiệp chất lượng cao hiện nay đang được tỉnh đầu tư phát triển để tăng giá trị sản xuất, cung ứng nguyên liệu chất lượng cho chế biến xuất khẩu.
Cùng với đó, ngành Thủy sản tỉnh Kiên Giang còn thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trong ao lót bạt đáy thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
Mô hình này thực hiện tại hai Trại thực nghiệm - sản xuất giống thủy sản Thứ Sáu Biển (An Biên), Trại thực nghiệm - sản xuất giống thủy sản Ba Hòn (Kiên Lương) và 36 điểm trên địa bàn các huyện, thành phố gồm: Hà Tiên, Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận đạt sản lượng 2 - 3 tấn/hồ (500 m²/hồ), nhân rộng sản xuất trong nông dân đạt năng suất 20 - 30 tấn/ha.
Mô hình này đạt hiệu quả kinh tế cao, mang lại lợi nhuận cho người nuôi, sản phẩm tôm đạt chứng nhận VietGAP, an toàn cho người tiêu dùng, góp phần giảm tác động xấu đến môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại ấp Phước An, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao, nông dân Lê Việt Hải đã chuyển nuôi tôm thẻ 2 giai đoạn sang nuôi 3 giai đoạn từ năm 2018 đến nay đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại tôm của ông Hải diện tích 7 ha được thiết kế nuôi tôm theo quy trình khép kín, chuỗi giá trị sản xuất gia tăng. Trong đó, thiết kế diện tích ao nuôi tôm khoảng 2 ha, diện tích 5 ha còn lại xây dựng ao trữ nước, ao lắng, hệ thống lắng lọc, xử lý nước nuôi tôm và nước thải, đường giao thông nội bộ, lưới điện...
Nông dân Lê Việt Hải cho biết thêm, so với nuôi tôm ao lót bạt đáy trước đây thì nuôi 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ cao vượt trội hơn về năng suất, hiệu quả kinh tế, tính an toàn cao, ít xảy ra rủi ro, chủ động kiểm soát dịch bệnh và nếu phát hiện dịch bệnh gây hại tôm sẽ xử lý, dập tắt kịp thời, nhanh chóng. Nuôi tôm 3 giai đoạn, nguồn nước đầu vào kiểm soát tốt, đạt chất lượng, không ô nhiễm, không tiềm ẩn mầm bệnh, kiểm soát được sức khỏe tôm, tăng trọng của tôm…
Để nuôi tôm thẻ 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ cao thành công như hiện nay, ông Hải đúc kết ra những kinh nghiệm thực tế từ nuôi tôm 2 giai đoạn trên ao đất lót bạt đáy trước đây kết hợp thuê mướn kỹ sư nuôi tôm và tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn nuôi tôm công nghệ cao do ngành thủy sản Kiên Giang tổ chức.
Mặt khác, ông Hải tham quan thực tế, học tập mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả, thành công ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một số nơi trong tỉnh để ứng dụng vào thực tế sản xuất nuôi tôm của mình.
Ông Hải nhấn mạnh, “Con tôm nuôi vốn rất nhạy cảm với môi trường, đặc biệt là nguồn nước rất quan trọng, độ mặn và các yếu tố khác ổn định, thích hợp, phải kịp thời xử lý dung hòa khi có biến động trong ao nuôi để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm, đồng thời tăng sức đề kháng của tôm.
Vì vậy, vấn đề môi trường nguồn nước trong ao nuôi phải luôn ổn định, chất lượng mới giảm thiểu dịch bệnh phát sinh gây hại, tôm sinh trưởng, phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả.”.