Phát triển kinh tế vùng ĐBSCL - Bài 1: Hạ tầng giao thông chưa tương xứng với tiềm năng

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích tự nhiên gần 4 triệu km2, dân số khoảng 18 triệu người, có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng.

Đây là một trong những vùng kinh tế trọng điểm với nhiều tiềm năng và lợi thế, đặc biệt về nông nghiệp, thủy hải sản và du lịch. Khu vực này chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp cả nước, đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% về trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long hiện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế do nhiều nguyên nhân. Trong đó, hạ tầng giao thông yếu kém được xác định là một trong những “điểm nghẽn” kiềm chế sự phát triển của khu vực này.

Chú thích ảnh
Các phương tiện giao thông lưu thông trên cầu Cổ Chiên nối huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) với huyện Càng Long (Trà Vinh). Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Bài 1: Hạ tầng giao thông chưa tương xứng với tiềm năng

Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn được xem là “vùng trũng” trong sự phát triển chung của cả nước; trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo ra nút thắt cản trở sự phát triển của khu vực này.

Long An là tỉnh cửa ngõ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Với vị trí thuận lợi, những năm gần đây, địa phương này có bước phát triển khá nổi trội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao và là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất cả nước về thu hút đầu tư. Tuy nhiên, theo đánh giá của chính quyền địa phương thì hạ tầng giao thông của tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển.

Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương và Quốc lộ 1A là hai tuyến đường huyết mạch kết nối với TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong khu vực. Tuy nhiên, hai tuyến giao thông này hiện nay đang có dấu hiệu quá tải. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường qua địa bàn như: Quốc lộ N2, Quốc lộ 62, Quốc lộ 50… đều được đầu tư xây dựng từ lâu, mặt đường nhỏ hẹp, nhiều đoạn đã xuống cấp trong khi lưu lượng giao thông ngày càng đông.

Còn tại Đồng Tháp, theo đánh giá của ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp,  kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn vẫn còn thiếu tính kết nối giữa các vùng trong tỉnh và với các tỉnh lân cận. Hạ tầng giao thông cầu - đường chưa đồng bộ về bề rộng và tải trọng đúng theo quy hoạch. Nguồn vốn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế. Các tuyến Quốc lộ trên địa bàn chưa hoàn chỉnh, đặc biệt một số đoạn tuyến bị đình hoãn, giãn tiến độ. Hệ thống bến, bãi giao thông đường thuỷ có quy mô nhỏ, nhiều đoạn sông bị bồi lắng chưa có nguồn lực để nạo vét, chưa phát huy thế mạnh vận chuyển hàng hoá lớn nhằm giảm áp lực cho đường bộ…

Hệ thống hạ tầng giao thông vận tải còn hạn chế khiến cho chi phí logistics tăng cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế đã chứng minh, một khi khu vực, địa phương nào được đầu tư hạ tầng giao thông hoàn thiện, kết nối, sẽ tạo lực đẩy rất lớn trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư… Ngược lại, nếu hạ tầng giao thông yếu kém sẽ là nút thắt cản trở sự phát triển.

Ông Eric Chen - Giám đốc Công ty TNHH Tainan Enterprises chia sẻ: Công ty chúng tôi đầu tư xây dựng nhà máy tại Khu kinh tế cửa khẩu Bình Hiệp (Thị xã Kiến Tường, Long An) từ năm 2017. Hiện tại, các hoạt động sản xuất cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa đến cảng để xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do hạ tầng quá xấu. Muốn di chuyển đến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương để đi về TP Hồ Chí Minh thì các xe hàng phải đi qua Quốc lộ 62. Tuyến đường này quá chật hẹp, mặt đường xấu. Với quãng đường khoảng 70 km thì xe chở hàng của chúng tôi phải di chuyển gần 3 giờ. Điều này làm gia tăng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.  

Theo ông Huỳnh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Huỳnh Thắng Đồng Tháp, hạ tầng giao thông có vai trò rất quan trọng cho việc đầu tư và phát triển của các doanh nghiệp nói chung. Giao thông thuận lợi là nền tảng cho doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Đây là yếu tố quan trong nhất trong chuỗi cung ứng hàng hóa, giúp giảm bớt giá thành vận chuyển, tạo lợi thế cạnh tranh, tăng doanh thu cho doanh nghiệp.

Hệ thống giao thông thuận lợi sẽ thu hút được các ngành nghề dịch vụ hỗ trợ, lưu trú, thương mại khác,… thu hút được lực lượng lao động - đây là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp lựa chọn đặt nơi sản xuất kinh doanh, kho vận. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì kết cấu hạ tầng giao thông hiện nay của tỉnh Đồng Tháp chưa đồng bộ, tính kết nối chưa cao, nhất là hệ thống giao thông nông thôn – yếu tố quan trọng cho việc thu mua và vận chuyển nguyên liệu sản xuất kinh doanh, nhất là các mặt hàng nông sản.

Bên cạnh việc hạ tầng giao thông tại các địa phương còn yếu kém, nhiều bất cập thì hạ tầng giao thông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung còn thiếu tính kết nối nội vùng, giữa vùng với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ. Đến nay, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 91 km đường cao tốc so với 1.239 km của cả nước, tức chỉ chiếm 7%; vùng chưa có cảng biển nước sâu để có thể làm đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa đi các nước trong khu vực và đi các tuyến biển xa; chưa phát huy được lợi thế tự nhiên của hệ thống đường thủy nội địa, tính kết nối giữa các phương thức vận tải còn hạn chế… Trong khi đó, mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn. Phần lớn trong số đó vẫn phải chuyển tải về các cảng lớn ở TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo tính toán của Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Nguyễn Văn Út, hiện nay, nếu vận chuyển hàng hóa đi từ Long An đến Đồng Nai để ra cụm cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ mất khoảng 3 giờ đồng hồ. Điều này làm gia tăng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi vận chuyển hàng hóa. Từ đó, góp phần cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Út kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành. Nếu tuyến đường này đi vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Long An ra đến Đồng Nai xuống chỉ còn khoảng 45 phút.

Cùng với đó, tỉnh Long An kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án như: Vành đai 3, Vành đai 4, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa… Nếu các dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ tăng cường khả năng kết nối giữa Long An nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân và doanh nghiệp. Từ đó, nâng cao lợi thế cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bài cuối: Tạo "cú hích" cho sự phát triển của vùng

Bùi Giang – Nhựt An (TTXVN)
Giải pháp tháo gỡ 'điểm nghẽn' về nhân lực ở Đồng bằng sông Cửu Long
Giải pháp tháo gỡ 'điểm nghẽn' về nhân lực ở Đồng bằng sông Cửu Long

Phát biểu trong Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 diễn ra ngày 21/6 tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Nếu lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu, là nguồn lực cho sự phát triển thì đây cũng là điểm nghẽn lớn nhất. Đặc biệt là vấn đề nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; nhất là đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp năng động, sáng tạo, tự tin, tận tụy thì còn phải trăn trở nhiều hơn nữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN