Khách hàng tìm hiểu nguyên phụ liệu dệt may và vải tại triển lãm SaigonTex 2025. Ảnh: R.A
Triển lãm SaigonTex 2025 diễn ra từ ngày 9 - 12/4 tại Trung tâm Triển lãm Sài Gòn (Quận 7, TP Hồ Chí Minh) quy tụ hơn 1.100 nhà triển lãm đến từ 25 quốc gia và khu vực, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Việt Nam... Các gian hàng tại triển lãm đã mang đến những sản phẩm dệt may mới nhất, đặc biệt là những loại vải, sợi bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường toàn cầu.
Bên cạnh việc trưng bày các sản phẩm, triển lãm còn tổ chức các chương trình thuyết trình sản phẩm, diễu hành thời trang và các cuộc hội thảo chuyên sâu về ngành dệt may, giúp các doanh nghiệp và khách tham quan hiểu rõ hơn về xu hướng phát triển bền vững và đổi mới công nghệ trong ngành. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp trong nước khẳng định vị thế của mình và tìm kiếm những cơ hội hợp tác quốc tế trong ngành dệt may.
Một trong những điểm nhấn tại triển lãm là sự hiện diện của Asia Pacific Rayon (APR), nhà sản xuất hàng về sản phẩm sợi viscose. Tại SaigonTex 2025, APR đã giới thiệu các sản phẩm Viscose và Lyocell được sản xuất bền vững, giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt may bền vững tại Việt Nam. Các sản phẩm này được làm từ nguyên liệu tự nhiên, có thể phân hủy sinh học, góp phần vào xu hướng chuyển đổi ngành dệt may theo hướng bảo vệ môi trường.
Khách tham quan tìm hiểu về sản phẩm tại gian hàng APR. Ảnh: R.A
Viscose và Lyocell là các loại sợi được làm từ bột gỗ, có nguồn gốc từ trồng trọt bền vững và được sử dụng để sản xuất nhiều loại hàng dệt may, quần áo và sản phẩm vệ sinh cá nhân chất lượng cao. Các sợi này đang ngày càng được ưa chuộng nhờ vào tính bền vững và khả năng phân hủy sinh học, giúp giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình sản xuất.
Ông Sachin Malik, Giám đốc Thương mại của APR cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm lớn đối với sợi Viscose và Lyocell tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững, đồng thời thúc đẩy việc áp dụng các sợi này trong sản xuất thời trang thân thiện với môi trường”.
Cũng theo đánh gia của APR, Việt Nam hiện đang nổi lên như một trung tâm sản xuất dệt may lớn tại khu vực Đông Nam Á. Nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may bền vững đang gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu, tạo ra cơ hội lớn cho các nhà sản xuất sợi bền vững như APR mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam. Thị trường Viscose và Lyocell toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 6 - 10% hàng năm cho đến năm 2030, trong đó Việt Nam là thị trường quan trọng để đón nhận xu hướng này.
Triển lãm SaigonTex 2025 không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành giới thiệu các sản phẩm mới mà còn là dịp để kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế. Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), với vai trò chủ trì, đã giúp thúc đẩy các kết nối thương mại quan trọng giữa các nhà sản xuất, nhà cung cấp thiết bị và các khách hàng từ Việt Nam và quốc tế. Các gian hàng quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đóng góp quan trọng trong việc đưa các giải pháp công nghệ tiên tiến đến với thị trường Việt Nam.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) nhận định: “Triển lãm SaigonTex là cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong ngành gặp gỡ, trao đổi và ký kết các hợp đồng, không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế. Đây là cơ hội để ngành dệt may Việt Nam bắt kịp xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững và ứng dụng công nghệ hiện đại”.
Ngành dệt may Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may của Việt Nam đạt 44 tỷ USD, tăng trưởng 11,26% so với năm 2023. Điều này giúp Việt Nam vượt qua Bangladesh, trở thành quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu dệt may, chỉ sau Trung Quốc.
Mức độ tăng trưởng này cho thấy ngành dệt may của Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, đặc biệt là tại các khu vực như Bắc Mỹ và EU. Đây là một tín hiệu tích cực, khi mà Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu dệt may lớn của khu vực Đông Nam Á. Những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng ngành dệt may bao gồm lực lượng lao động có tay nghề cao, chi phí sản xuất cạnh tranh và sự liên kết chặt chẽ với các đối tác quốc tế.
Ngoài ra, ngành dệt may Việt Nam còn hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các hiệp định với EU, Mỹ và các nước trong khu vực ASEAN. Việc gia nhập các FTA này giúp giảm bớt thuế quan và tăng cường các cơ hội xuất khẩu cho ngành dệt may.