Đến năm 2030, quy mô kinh tế tăng gấp 2,5 đến 3 lần so với năm 2021; tăng trưởng bình quân đạt 6,5 đến 7%/năm - đây là mục tiêu được nêu trong Chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với vị trí kinh tế - chính trị quan trọng, nhiều tiềm năng phát triển, Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phấn đấu trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất khu vực Đông Nam Á, có nền văn minh sông nước độc đáo, nơi sinh sống của trên 17 triệu đồng bào dân tộc anh em như Kinh, Khmer, Chăm... ĐBSCL cũng giữ vị thế quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và trong giao thương với các nước ASEAN, Tiểu vùng sông Mê Công.

Đây là vùng kinh tế có vị trí địa chính trị - an ninh quốc phòng hết sức quan trọng; là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đầu tư của Nhà nước. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn hạn chế so với một số vùng. 

ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn; cơ sở hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp; biến động thị trường khó lường với xu thế tiêu dùng xanh đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao.

Đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.

Do đó, làm thế nào để vùng ĐBSCL phát triển xứng tầm luôn là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị; Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Cùng với đó, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Cần Thơ - trung tâm của vùng gồm: Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 98/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

"Chủ trương, chính sách, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với Đồng bằng sông Cửu Long là hết sức đầy đủ, tập trung. Vấn đề ở đây là chúng ta phải tổ chức thực hiện làm sao để chủ trương, chính sách đó có hiệu quả nhất để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long; mang lại hạnh phúc, ấm no cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.


 

Để hiện thực hóa hơn nữa các chủ trương, chính sách về phát triển vùng ĐBSCL, gần đây nhất, ngày 21/6/2022, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, với chủ đề "Đồng bằng sông Cửu Long: Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới". Đây là hội nghị triển khai quy hoạch phát triển vùng đầu tiên trong cả nước.

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là một điểm tham quan du lịch đặc sắc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hội nghị này và các hoạt động liên quan có ý nghĩa quan trọng, mang nhiều kỳ vọng, niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL; thiết thực nhằm cụ thể hóa, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng thu nhập vùng (GRDP) khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42 - 48%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao. Nhiệm vụ đặt ra cho vùng ĐBSCL là hết sức nặng nề.

Xuất khẩu thủy sản là một trong những thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long.

Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể; triển khai với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả. Với tinh thần "Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước" như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, ngành, địa phương quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCL theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Theo đó, cần phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phát để phát triển vùng ĐBSCL trong giai đoạn tới, đó là: Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, hiệu quả cao, giá trị gia tăng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến…; phát triển kinh tế biển, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, hạ tầng hỗ trợ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng như hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước, giáo dục, y tế, chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.


 

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tổng số vốn ngân sách Nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021- 2025 của vùng ĐBSCL là khoảng 460.000 tỷ đồng. Với số vốn được bố trí như vậy, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm như các tuyến đường bộ cao tốc: Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các quốc lộ; toàn bộ tuyến đường ven biển; một số trục động lực quan trọng kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ; cảng hàng không; các công trình thủy lợi cấp nước, trữ nước, kiểm soát mặn…

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải và 13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL làm việc với nhóm 6 ngân hàng phát triển gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB) thống nhất tài trợ khoảng 2,2 tỷ USD để triển khai 20 dự án liên kết vùng trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch vùng ĐBSCL xác định các đột phá mang tính chiến lược; trong đó, ĐBSCL sẽ phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy con người làm trung tâm. Đến năm 2030, vùng sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, suy giảm tài nguyên nước, một số cửa sông bị bồi lắng, rồi biến mất, dòng chảy ít nhiều bị tác động bởi các công trình đập nước, hồ chứa ở thượng nguồn gây hệ luỵ sụt lún, sạt lở… là những thách thức của vùng ĐBSCL.

Xác định tính cấp thiết của thách thức này, Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh quan điểm phát triển vùng là “Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi”. Tài nguyên nước không chỉ giới hạn ở nước ngọt mà còn cả nước lợ, nước mặn. Tài nguyên nước gắn kết chặt chẽ, mật thiết với các vùng sinh thái nông nghiệp đa dạng, dựa vào nguồn nước, bao gồm vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái mặn - lợ, vùng chuyển tiếp ngọt lợ, ngọt - lợ luân phiên. Với tinh thần “chủ động, linh hoạt” thích ứng với sự thay đổi sẽ tiếp tục mở ra dư địa phát triển mới.

Về đầu tư xử lý sạt lở bờ sông và củng cố đê biển, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nhu cầu đầu tư cho vùng khoảng 41.257 tỷ đồng; trong đó, rà soát những nội dung ưu tiên thì nhu cầu khoảng 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021- 2025.

Dự kiến danh mục một số dự án trọng điểm cần đầu tư gồm: hoàn thiện hệ thống thủy lợi Tứ giác Long Xuyên; dự án hệ thống thủy lợi liên tỉnh vùng giữa sông Tiền - sông Hậu và bán đảo Cà Mau; cụm công trình kiểm soát mặn, củng cố, nâng cấp đê biển Tây; hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A; công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến khảo sát một số công trình tại khu vực lấn biển Kiên Giang.

Về hạ tầng giao thông, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện ĐBSCL vẫn còn “điểm nghẽn” rất lớn. Dù Đảng và Nhà nước đã tập trung đầu tư nhưng hệ thống giao thông hiện nay vẫn chưa đạt yêu cầu. Để chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2021- 2025, thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung điều chỉnh giao thông; trong đó, xác định giao thông vận tải đã đóng góp những gì cho khu vực ĐBSCL, nhất là việc thu hút các nhà đầu tư đến với khu vực này. Có một số điểm đột phá như đảm bảo cho tàu tải trọng 10.000 tấn đến với cảng Cần Thơ, đồng thời bổ sung cảng nước sâu Trần Đề. Đây được xem là cửa ngõ chính miền Tây, nơi tàu 80.000 - 100.000 tấn có thể hoạt động.

Về đường bộ, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đây là lĩnh vực hết sức cần thiết và cần phải kết nối với các cảng biển với trung tâm thành phố Cần Thơ. Trong nhiệm kỳ này, Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ đã tập trung cho ĐBSCL rất lớn.

Đến thời điểm này, 86.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thống nhất để tập trung vào phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc. Hiện nay, cả vùng ĐBSCL có 90 km đường cao tốc và 30 km đường cao tốc nữa đang được triển khai. Trong nhiệm kỳ này, dự kiến sẽ có thêm 400 km đường cao tốc nữa sẽ hoàn thành kết nối TP Hồ Chí Minh - thành phố Cần Thơ, thành phố Cần Thơ đến mũi Cà Mau. Hiện nhiều dự án cao tốc đang được từng bước triển khai như: cao tốc Cần Thơ - Trần Đề (Sóc Trăng), tuyến An Hữu - Cao Lãnh - Rạch Giá.

Nghi thức phun vòi rồng chào đón chuyến bay đưa đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên đến với Phú Quốc trong giai đoạn bình thường mới.

Ngoài đường bộ, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ tập trung phát triển vận tải biển, đường sắt, kết nối TP Hồ Chí Minh với ĐBSCL. Đối với đường hàng không, ngoài sân bay Cần Thơ, Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu nâng cấp 3 sân bay là Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá, đảm bảo tiếp nhận được máy bay loại Airbus A320 từ 180 - 250 ghế.

Với những mục tiêu, chương trình cụ thể như trên và cùng với quyết tâm "Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước", hy vọng vùng ĐBSCL sẽ có những bước phát triển mới. Và như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các bạn bè quốc tế, trong thời gian tới vùng ĐBSCL sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá; trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến. Thu nhập của người dân ngày một nâng cao, người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bài: Phạm Tiếp - Thanh Liêm - Thu Hạnh 
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Nguyễn Hà

26/06/2022 09:30