Người dân đầu nguồn đón lũ muộn

Năm nay, mặc dù mùa nước nổi về muộn hơn một tháng so với cùng kỳ năm trước, nhưng đến thời điểm giữa đầu tháng 9, dòng nước đỏ ngầu từ thượng nguồn đổ về đã cuồn cuộn chảy vào các kênh rạch, tràn vào những cánh đồng đã thu hoạch lúa ở các xã giáp biên tỉnh Đồng Tháp.

Thời điểm "con nước đã nhảy bờ" cũng là lúc người dân ở các huyện đầu nguồn phấn khởi bắt đầu mưu sinh trên các cánh đồng xả lũ trắng nước.

Chú thích ảnh
Gia đình chị Hồng Thị Hường, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, thu hoạch được hơn 90 ký cá mồi và hơn 6 kg cá linh non. 

Khai mùa đặc sản

Sau bao ngày ngóng lũ, giờ nước tràn đồng, niềm vui của những người sống bằng nghề hạ bạc hiện rõ trên từng khuôn mặt. Vợ chồng anh Đặng Văn Đức và chị Hồng Thị Hường, ngụ ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự vui mừng đón những mẻ cá đầu tiên.

Anh Đức bày tỏ, "cứ tưởng năm nay lũ không về, người dân sống bằng nghề giăng lưới, thả câu mất kế sinh nhai. Nhưng may thay, lũ cũng về!".

Bằng chiếc xuồng đục khoang, anh Đức, chị Hường rong ruổi trên các cánh đồng với mấy cái dớn từ 1 giờ sáng đến rạng sáng. Mỗi ngày, anh cũng kiếm được vài ký cá linh và vài chục ký cá mồi (các loại cá tạp còn nhỏ dùng để làm thức ăn cho cá lóc hoặc để ủ nước mắm).

Anh Đức chia sẻ, sống trong vùng rốn lũ, mỗi năm khi con nước về, người dân ở đây tận dùng các ngư cụ như lưới, dớn, lợp, lờ, .. khai thác sản vật từ lũ. Công việc tuy vất vả, thường bắt đầu từ giữa khuya nhưng đổi lại, thu nhập người dân cũng kha khá giữa những tháng nông nhàn.

Anh Đức khoe, đêm qua, vợ chồng anh "trúng mánh" nên thu hoạch được hơn 90 ký cá mồi và hơn 6 kg cá linh non. Mấy ngày trước, nước lên đồng chưa nhiều nên cá chưa về. Chừng 4 – 5 ngày gần đây, nước dâng cao, cá cũng dạt về nhiều. Nhất là cá linh non, cũng xuất hiện nhiều hơn.

Hiện tại, giá cá linh non bán cho thương lái tại xuồng từ 80.000-100.000/kg, giá cá mồi cũng được 6.000 đồng/kg. Vì vậy, mỗi đêm, gia đình anh thu nhập cũng từ 500.000 – 1.000.000 đồng.

Dạo qua chợ Cả Sách, ấp Bình Hòa Thượng, xã Thường Thới Hậu A, không chỉ có cá linh, mà tại đây các loại đặc sản chỉ có trong mùa nước nổi. 

Cụ bà Hà Thị Hương, 82 tuổi sống tại chợ cho biết, đây là thời gian điên điển, bông súng cũng vào mùa nên khắp chợ nhan nhản đồ đồng, món nào cũng tươi roi rói. Nhờ hàng điên điển cạnh bờ sông mà mỗi ngày cháu bà Hương cũng hái khoảng 3 – 4 ký bông điên điển. Mặc dù, giá chỉ 20.000 đồng/kg, nhưng cũng kiếm được từ 60.000– 80.000 đồng.

Cẩn trọng với lũ lên nhanh

Chú thích ảnh
Thành quả sau một đêm đặt dớn của người dân đầu nguồn huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. 

Con nước về hứa hẹn mang lại niềm vui cho những người mưu sinh bằng nghề hạ bạc nhưng đồng thời cũng mang đến nỗi lo, nhất là bà con canh tác hoa màu ở các vùng bãi bồi.

Ông Phạm Văn Đảo, ngụ ở thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự cho hay, những tưởng năm nay không nước, nên bà con có đất ven sông tranh thủ trồng các loại hoa màu ngắn ngày như đu đủ, ớt,… Tuy nhiên, khi cây bắt đầu mang trái, nước tràn về, các hộ dân cũng tranh thủ thu hoạch chạy lũ để kịp vớt vát được số vốn đã bỏ ra. Riêng ông Đảo, 1 ha trồng đu đủ bị ngập nước coi như mất trắng vì trái quá non, thương lái không mua.

Cách đó không xa, bà Lê Thị Lệ cũng đang đứng trước nguy cơ thiệt hại khoảng 30 triệu đồng vì đã ươm cây ớt hơn một tháng trước. Bà Lệ nói, mãi đến giữa tháng 7 âm lịch, vẫn không thấy nước đổ về, tưởng năm nay không có lũ nên gia đình bà ươm giống ớt để xuống giống sớm. Không ngờ, giữa tháng 8 âm lịch các diện tích bãi bồi đều trong tình trạng lênh láng nước, vì vậy số cây giống dù đã quá ngày tuổi vẫn phải trong vườn ươm. Bà Lệ cũng chỉ biết đối phó bằng cách cho cây giống vào khay, kê lên giàn để tránh ngập nước.

Huyện Hồng Ngự có 280ha đất bãi bồi nằm cặp sông Tiền, tập trung ở thị trấn Thường Thới Tiền, Thường Phước 2, Long Khánh A, Long Khánh B, Phú Thuận B. Đây là khu vực không được khuyến khích sản xuất trong mùa lũ, do thường xuyên bị ngập khi triều cường bắt đầu dâng.

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, lũ năm 2019 khu vực đầu nguồn và nội đồng ở mức thấp, thấp hơn năm 2018 và trung bình hàng năm. Đỉnh lũ cao nhất năm nay tại khu vực đầu nguồn xuất hiện vào cuối tháng 9 đầu tháng 10, với mức báo động cấp I.

Qua ghi nhận thực tế từ đầu tháng 9/2019, mực nước tại khu vực đầu nguồn của tỉnh đã tăng nhanh với cường suất khoảng 4cm/ngày, mực nước khu vực nội đồng ít biến đổi, mực nước khu vực phía Nam xuống theo triều. Mực nước cao nhất thực đo ngày 12/9 tại Tân Châu là 3,2m, thấp hơn 0,89m so với cùng kỳ năm ngoái; tại Hồng Ngự, mực nước là 3,09m, thấp hơn 1m so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại Cao Lãnh, mực nước là 1,81m, thấp hơn 0,58m so với cùng kỳ năm ngoái, tại Trường Xuân mực nước là 1,28m, thấp hơn 0,97m so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, khoảng từ 5 đến 7 ngày tới, dự báo mực nước đầu nguồn tiếp tục lên với cường suất 4-6 cm/ngày, mực nước nội đồng lên dần với cường suất 2 - 4 cm/ngày, mực nước khu vực phía Nam của tỉnh lên theo triều với cường suất 5 - 7 cm/ngày.

Trước tình hình này, ngành chức năng khuyến cáo bà con tranh thủ thu hoạch các diện tích bị mực nước đe dọa, đối với các diện tích còn lại bà con ngưng ngay việc xuống giống để giảm thiểu thiệt hại.

Bài và ảnh: Chương Đài (TTXVN)
Tăng thu nhập từ 'lộc trời' mùa lũ
Tăng thu nhập từ 'lộc trời' mùa lũ

Lũ năm nay về sớm, người dân các huyện Hòn Đất, Giang Thành, Kiên Lương và thị xã Hà Tiên thuộc vùng rốn lũ Tứ giác Long Xuyên của tỉnh Kiên Giang không chỉ phấn khởi khi nước lũ mang phù sa bồi bổ cho ruộng đồng mà còn đem lại nguồn lợi thủy sản dồi dào, góp phần cải thiện đời sống đáng kể cho người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN