Bước sang tháng 8, khi các cơn mưa ngày càng nặng hạt, cũng là lúc người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại nôn nao với những cánh hoa mỏng tang màu vàng dịu hoang hoải trải dài dọc theo triền sông có cái tên chân quê: điên điển. Lúc này, từng dòng nước son từ nước bạn Campuchia cũng đổ về mang theo từng bầy cá linh non trẩy hội. Bông điên điển được người dân trồng quanh năm nhưng chỉ đợi những ngày này, bông điên điển mới được dịp "se duyên" với con cá linh làm nên món canh gây nhiều thương nhớ.
Nếu nói một sản vật mùa nước lũ được người dân Nam bộ nói chung và các tỉnh vùng lũ nói riêng mong chờ nhất có lẽ là con cá linh. Vốn là loài đặc hữu của sông Mekong, phân bố phạm vi lưu vực khá rộng trên sông chính, sông nhánh thuộc Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam nhưng lợi thế khai thác cá linh lại gần như là đặc quyền của vùng ĐBSCL. Thường đầu mùa lũ, cá linh bắt đầu sinh sản. Lúc này cá linh non di cư theo dòng nước phía hạ lưu xuôi về các tỉnh An Giang và Đồng Tháp để kiếm ăn và sinh trưởng.
"Còn nhớ các năm trước khi lũ không về hoặc về ít, đồng nghĩa với sản lượng cá linh cũng ít theo, có rất nhiều người như bọn mình cứ mỗi sáng lại dõi vào họp chợ mà buồn rười rượi vì thiếu vắng cái vị tanh nồng, bóng dáng nhỏ xinh của con cá linh. Nhưng năm nay thì vui rồi, mới đầu mùa mà nước lũ đã về nhiều, cá linh cũng đã về", anh Trần Văn Thới ở huyện Tân Phú (An Giang) cho hay.
Cá linh đầu mùa được xem là ngon và ngọt thịt nhất. Lúc này cá chỉ bé bằng đầu đũa, xương mềm, bụng có mỡ béo ngậy. Cặp cái rổ tre ra chợ ngay đầu ngõ vào mỗi buổi sớm mai, các bà nội trợ rất dễ dàng đem về một mớ cá linh đầu mùa tươi roi rói làm bữa cơm đượm mùi quê đãi khách phương xa. Có rất nhiều món ngon từ con cá linh, như: mắm cá linh, cá linh chiên giòn, cá linh kho lạt... nhưng món ăn gây nhiều yêu thương nhất cho những ai đặt chân đến miền Tây mùa này là món canh chua hoặc lẩu cá linh "huyền thoại".
"Anh biết không, vào mùa này, cùng với con cá linh quẫy đuôi nhộn nhạo dưới lòng sông, dọc theo dòng sông Bình Di quê em là một màu vàng dịu ngọt của miên man bông điên điển. Những bông hoa điên điển với từng cánh mỏng vàng tươi e ấp vào nhau. Chỉ là loài hoa hoang dại nhưng khi kết hợp với cá linh, đặc biệt trong các món canh chua và lẩu lại trở nên hoà quyện, đặc sắc đến lạ lùng. Có thể nói trong rất nhiều món chế biến từ cá linh nếu thiếu vắng đi bông điên điển, món ăn ấy như giảm đi nửa phần hấp dẫn", anh Thới nói thêm.
Có thể nói con cá linh và bông điên điển là sự kết hợp mẫu mực nhất của ẩm thực miền Tây mùa nước nổi. Đơn giản và chân chất như chính con người của vùng sông nước, cách chế biến món ăn này cũng không mấy cầu kỳ, phức tạp. Cá linh đầu mùa mua về làm sạch, cho nước hoặc nước dừa tươi vào nồi đun sôi. Thêm vào đó vài muỗng nước mắm ngon, đường, ít me dầm lấy nước chua nêm nếm sao cho vừa ăn. Sau đó cho tỏi phi thơm, thêm ít tóp mỡ, rau ngò gai và nấu cho sôi lên. Lúc này cho nhẹ cá linh vào nồi, đợi sôi rồi tắt bếp.
Khi ăn hãy nhẹ tay gắp từng nhúm bông điên điển nhúng vào nồi nước lẩu. Rồi cũng khẽ khàng như thế dùng muỗng múc từng muỗng canh có cá linh và bông điên điển cho vào chén. Vì thịt cá linh rất mềm mà điên điển là một loại hoa nên nếu bạn không biết "thương hoa tiếc... cá" rất khó thưởng thức hết cái tận cùng của sự thú vị mà món ăn này mang lại.
Cái ngon độc đáo của món ăn này là nhờ vị chua chua, ngòn ngọt, thơm thơm kèm thêm hương vị, giòn, bùi từ hoa điên điển mang lại. Vị ngọt từ cá linh, chua chua, thơm giòn của bông điên điển chấm với nước mắm mặn pha ớt... tạo nên một món ăn mà chắc chắn ai đã từng thử qua một lần sẽ khó mà quên được.