Ngay từ cuối tháng 6 âm lịch, khi thấy nước son đổ về, người dân tại những làng nghề truyền thống đan lọp, lờ, thuyền… đánh bắt cá ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chuẩn bị dụng cụ đánh bắt trong mùa nước lũ. Khi nước bắt đầu tràn đồng cũng là lúc cuộc mưu sinh của người dân, đặc biệt vùng Đồng Tháp Mười trở nên tất bật. Hiện nước lũ từ thượng nguồn tiếp tục đổ mạnh, rất nhiều cánh đồng ở các khu vực giáp biên giới đầu nguồn của các tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp đã mênh mông biển nước.
Tại huyện An Phú (An Giang), buổi trưa dưới cái nắng gay gắt, những bè cá trên sông Bình Di rì rào tiếng cá điêu hồng, lóc bông, ba sa… tranh nhau ăn mồi, đớp bóng. Trên sông, tiếng bạn chài rộn rã đánh bắt cá linh theo nước lũ về.
Đưa tay quệt dòng mồ hôi nhễ nhại, anh Hậu đưa tay gõ nhẹ mạn ghe dõi mắt theo tấm lưới vừa thả vội xuống dòng nước đục ngầu phù sa. Khoảng chừng 5 phút sau, anh và người bạn thuyền nhịp nhàng cất lưới. Dưới ánh nắng ban trưa, từng bầy cá linh non nhảy xoai xoãi phơi mình cuống cuồng tìm đường thoát thân.
"Nhờ cá linh mà gia đình anh dạo này đỡ lên thấy rõ. Đánh bắt cá linh non về, vợ con anh ở nhà sơ chế, móc bỏ ruột bán lại cho khách. Giá cá linh non đang "đắt như tôm tươi", hơn 120.000 đồng/kg mà vẫn không đủ cung ứng cho thị trường. Hiện nước chưa về nhiều nhưng người dân ở huyện đã tranh nhau thuê mặt bằng nước trên sông đánh bắt cá linh cũng như trang bị 1-2 giàn dớn cho việc đánh bắt cá", anh Hậu cho hay.
Chiều chưa tắt nắng, nhưng anh Nguyễn Văn Thịnh ở ấp Cả Môn, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng (Long An) đã tất bật chuẩn bị các dụng cụ chuẩn bị cho sớm mai "lên đường" ra đồng kiếm cá, rắn nước, chuột... Hai người con trai lớn của anh đang làm lao động phổ thông ở tỉnh Bình Dương cũng "tranh thủ" những ngày lũ về quê phụ cha "tăng gia sản xuất". Theo anh Thịnh, hiện rắn nước đang được thương lái thu mua lại với giá khá cao, khoảng từ 90.000 - 160.000 đồng/kg. Nếu may mắn gặp phải những loại được các "bợm" nhậu yêu thích như rắn hổ hành, rắn hổ ngựa... có giá cao hơn nhiều.
Tương tự, gia đình chị Trần Ánh Tuyết, nhà kế bên anh Thịnh, cũng đang tất bật sửa lại mấy tay lưới, lợp... để chuẩn bị mưu sinh trong mùa nước nổi. Gia đình thuộc diện nghèo có "số má" của xã, quanh năm đầu tắt mặt tối nhưng vẫn không đủ ăn. Những ngày này, khi nước lũ chớm về là vào mùa làm ăn trọng điểm hàng năm, kiếm tiền tiêu tết của gia đình chị. Dù cực mấy nhưng mỗi buổi sáng chở những sản vật của mùa nước nổi như bông điên điển, cá đồng... ra chợ bán là trong lòng chị đã rộn rã niềm vui.
“Mùa lũ đồng nghĩa với mùa khai thác, mùa mưu sinh của bà con nghèo, không có đất sản xuất. Khi nước dâng cao, những nghề như chở đất, xắn đất, câu ếch, săn chuột, bắt rắn, hái bông điên điển... rất được bà con ưa chuộng vì dễ làm, không đòi hỏi vốn đầu tư lại đáp ứng được nhu cầu mưu sinh thường nhật”, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho hay.
Năm nay, ngành nông nghiệp các tỉnh An Giang, Đồng Tháp… tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án khai thác tài nguyên mùa nước nổi với hàng chục mô hình sản xuất được phân theo 3 nhóm trồng trọt, chăn nuôi thủy sản và các ngành nghề dịch vụ. Ngoài việc khai thác nguồn lợi tự nhiên như bắt ốc bươu vàng làm thức ăn chăn nuôi thuỷ sản, cua đồng... hàng chục ngàn hộ nông dân nghèo được hướng dẫn kỹ thuật tận dụng lợi thế lũ để trồng bông điên điển, sen, ấu, rau nhút… cải thiện cuộc sống.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành, từ đầu mùa lũ, các địa phương cần chú ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân và cộng đồng nâng cao tinh thần tự giác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, cũng như hạn chế sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ đánh bắt thủy sản hay sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn so với quy định đánh bắt thủy sản… Các sản phẩm mùa lũ, đặc biệt là cá linh rất được nhiều người ưa chuộng, tuy nhiên thực tế, giá trị của cá linh được nâng lên nhưng nguồn cung lại sụt giảm, có nguyên nhân chính là do tình trạng đánh bắt khi cá còn quá non, phá vỡ sự phát triển của đàn, ảnh hưởng khả năng tái tạo nguồn cá tự nhiên…
"Cá linh là loài đặc hữu của sông Mekong, thuộc giống Cirrhinus, phân bố phạm vi lưu vực khá rộng trên sông chính, sông nhánh thuộc Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Lợi thế khai thác cá linh gần như là đặc quyền của vùng ĐBSCL. Thường đầu mùa lũ, cá linh bắt đầu sinh sản, lúc này cá linh non di cư theo dòng nước phía hạ lưu xuôi về các tỉnh An Giang và Đồng Tháp để kiếm ăn và sinh trưởng. Vì vậy, cần có biện pháp làm sao cân bằng được công việc mưu sinh của bà con và bảo vệ, phát triển được nguồn lợi thuỷ sản quý giá này là điều cần thiết", bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, nói thêm.