Ngành chăn nuôi tìm hướng phát triển bền vững - Bài cuối

Phải thay đổi tư duy sản xuất


Chủ trương tái cơ cấu ngành chăn nuôi là nhằm làm đời sống người chăn nuôi được tăng lên, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến ngành chăn nuôi hiện đại, hiệu quả, chất lượng.


Chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung


Cách chăn nuôi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đã khiến người chăn nuôi không chỉ bị thiệt hại về giá do khả năng cạnh tranh kém, không kiểm soát được đầu ra, bị thương lái o ép mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng phải sử dụng những sản phẩm chăn nuôi với giá cao và chất lượng không đảm bảo. Đồng thời, Nhà nước cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, giết mổ, dịch bệnh và môi sinh. Rõ ràng, cách tổ chức sản xuất chăn nuôi như thế đã và đang kìm hãm sự phát triển của ngành chăn nuôi nước ta.


 

Anh Trần Công Dân, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đang chăm sóc đàn lợn được nuôi theo mô hình trang trại công nghiệp.

 

Để khắc phục những bất cập trên, nhiều địa phương đã xác định chăn nuôi tập trung là giải pháp tối ưu và đang khuyến khích bà con chuyển từ chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ sang các trang trại chăn nuôi công nghiệp trong vùng quy hoạch. Tại tỉnh Đồng Nai, đã quy hoạch được 139 vùng chăn nuôi có diện tích hơn 15 nghìn ha và đang từng bước xây dựng hạ tầng vùng quy hoạch. Tại tỉnh Tiền Giang đã định hướng phát triển vùng chăn nuôi gia súc tập trung theo mô hình trang trại công nghiệp tập trung tại các địa bàn các huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông… Các tỉnh, thành cũng đã nỗ lực triển khai những giải pháp về quản lý, khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất, thị trường tiêu thụ, tín dụng... để hỗ trợ ngành chăn nuôi


Tuy nhiên, việc chuyển từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ đã ăn sâu lâu đời vào đời sống nông dân sang tư duy sản xuất công nghiệp lại không phải dễ dàng. Ông Nguyễn Vĩ Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang cho rằng: “Ở nước ngoài, chăn nuôi theo phương thức công nghiệp đã triển khai từ rất lâu. Nhưng Việt Nam, việc thay đổi tập quán chăn nuôi là vô cùng khó khăn”. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty thức ăn gia súc Thanh Bình, cho biết: “Khi giá lợn rẻ quá, cung vượt cầu, người chăn nuôi phải nghĩ ngay tới việc giảm trọng lượng lợn khi xuất chuồng. Nhưng cách làm phổ biến của người chăn nuôi hiện nay là bán không được thì cứ tiếp tục nuôi (trên 100 kg). Càng tăng sản lượng lên thì cung càng vượt cầu. Cách chăn nuôi đó khiến người nông dân tự hại mình bởi khi chi phí chăn nuôi tăng cao (gần 4 kg thức ăn chăn nuôi mới cho 1 kg thịt) thì lượng mỡ tăng, giá bán lợn giảm”.


Để thay đổi tư duy sản xuất của người chăn nuôi, biện pháp tuyên truyền, vận động… sẽ không đủ. Thậm chí, nhiều người trong ngành chăn nuôi cho rằng, nếu cứ hỗ trợ mà chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ như hiện nay thì một sự đổ vỡ cũng là cần thiết để loại bỏ những mô hình sản xuất không còn hiệu quả.


Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi


Đến năm 2015, theo Hiệp định thuế quan trong khối ASEAN, và đến năm 2018, theo Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), khi hàng rào thuế giảm mạnh, nếu ngành chăn nuôi trong nước không nâng cao sức cạnh tranh thì thịt nhập khẩu tràn vào nước ta. Do đó, ngành chăn nuôi cần có giải pháp giảm giá thành đầu vào, tăng năng suất và nâng cao sức cạnh tranh.


Hiện nay, Nhà nước vẫn hỗ trợ cho ngành chăn nuôi về vắcxin, chi phí tiêu hủy khi bị dịch bệnh… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, quan trọng là Nhà nước phải có định hướng cụ thể cho ngành chăn nuôi thông qua việc dự báo chính xác nhu cầu tiêu thụ thịt của người dân. Dự báo này sẽ giúp ngành chăn nuôi điều tiết kế hoạch sản xuất, tránh tình trạng giá giảm do cung vượt cầu.


Ông Nguyễn Minh Ảnh, Chủ nhiệm HTX thức ăn gia súc và chăn nuôi Bình Minh, tỉnh Tiền Giang, kiến nghị, Nhà nước nên có chính sách thúc đẩy việc hợp tác hóa các trang trại. Đây là một giải pháp hay để nâng cao khả năng cạnh tranh qua việc cùng nhau nâng cao chất lượng đầu vào, giảm chi phí sản xuất, xây dựng thương hiệu để ổn định đầu ra và từ đó hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa lớn.


Đối với chính sách cho con giống, Nhà nước đã có chủ trương xã hội hóa để các đơn vị, cá nhân đủ điều kiện nhập con giống, hỗ trợ các đơn vị Nhà nước nghiên cứu tạo giống năng suất cao cung cấp cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên chủ trương này vẫn còn vướng mắc khi thực hiện. Ông Nguyễn Trí Công cho biết: “Nhiều trang trại có nhu cầu mua giống heo từ chương trình GSM 102 của Mỹ với lãi suất 1,2%/năm và cho nợ 3 năm. Nhưng cả 5 ngân hàng thương mại Việt Nam đòi hỏi chi phí bão lãnh 1 năm với mức lãi suất 3,4%, vậy cộng thêm 1,2% của ngân hàng Mỹ nữa là lên đến 4,6%. Vậy là quá bất hợp lý vì chi phí bảo lãnh quá cao”.


Đối với phát triển vùng nguyên liệu, ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Công ty thức ăn gia súc Vaco cho rằng: “Ngoài việc tiếp tục chuyển đổi vùng trồng lúa sang trồng bắp, đậu nành… để chủ động hơn về thức ăn chăn nuôi, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về công nghệ sau thu hoạch, như phơi sấy, bảo quản, đảm bảo chất lượng và tăng được năng suất”.


Bài và ảnh: Anh Đức

Ngành chăn nuôi tìm hướng phát triển bền vững - Bài 2: Giống tạp nham
Ngành chăn nuôi tìm hướng phát triển bền vững - Bài 2: Giống tạp nham

Sử dụng con giống không rõ nguồn gốc, không có kiến thức về kỹ thuật, chi phí thức ăn đầu vào ngày càng tăng cao đã khiến người chăn nuôi càng chồng chất khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN