Ngành chăn nuôi tìm hướng phát triển bền vững - Bài 2: Giống tạp nham

Bài 2: Khó kiểm soát giống và chi phí đầu vào


Sử dụng con giống không rõ nguồn gốc, không có kiến thức về kỹ thuật, chi phí thức ăn đầu vào ngày càng tăng cao đã khiến người chăn nuôi càng chồng chất khó khăn.


Giống tạp nham


Chỉ vào con lợn còi cọc nhất trong đàn 6 con sắp đến ngày bán cho thương lái, bà Lê Thị Loan, xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang hậm hực nói: “Chú coi có tức không, cách đây 6 tháng trước, tôi đi mua con này về nuôi. Người bán lợn quảng cáo giống này nuôi mau lớn mà ít tốn cám. Từ lúc mua về con lợn này đã nặng khoảng 30 kg, ăn “thủng máng” mà giờ chỉ được tầm 60 kg”.


Đàn lợn con của hộ ông Mười Út tại xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.


Đàn lợn sắp đến ngày xuất chuồng mà bà Loan nói đến có có trọng lượng trung bình 100 kg/con, được mua từ hộ chăn nuôi lợn nái Mười Út cách đó không xa. Theo lời bà, lúc mua về mỗi con lợn nặng khoảng 30 kg, sau 4 tháng thì đủ trọng lượng để xuất chuồng. “Tôi chọn nuôi giống này vì nghe nói đó là giống siêu nạc. Thấy người ta nuôi nhiều nên mình nuôi thôi”, bà Loan giải thích.


Theo hướng dẫn của bà Loan, chúng tôi có mặt tại hộ chăn nuôi lợn giống Mười Út, ông Út cho biết: “Tôi có 3 con nái, mỗi con đẻ một lứa gần 10 con. Mỗi năm đẻ từ 2 lứa. Tôi nuôi đến khoảng 30 kg sẽ bán cho mấy hộ chăn nuôi lợn thịt với giá 41.000 đồng/kg”.


Nói về chuyện tạo đàn nái, ông Út chia sẻ rằng, không chỉ riêng ông, nhiều hộ chăn nuôi con giống khác đều nuôi lợn nái từ lợn thịt. “Mình ít vốn, nên ban đầu mua 2 lợn nái con, thay vì về nuôi thịt, mình để làm lợn giống. Còn tinh lợn thì ai chỉ chỗ nào uy tín, giá rẻ mình mua. Hiện tôi mua tinh lợn có giá 150.000 đồng/2 liều ở trại chăn nuôi gần đây. Rồi khi đẻ lợn con, tôi lại giữ lại thêm lợn nái để tạo đàn lợn giống của mình”, ông Út thật thà nói.


Tuy nhiên, nhắc đến nguy cơ bị thoái hóa giống, năng suất giảm sút từ việc giữ lại lợn con và sử dụng tinh lợn không xác định rõ nguồn gốc huyết thống, khuôn mặt ông Mười Út ngơ ngác, ông trả lời: “Mỗi lần lợn con đẻ ra, tôi cũng tiêm đủ thuốc cho nó không bị bệnh”.


Ông Nguyễn Vĩ Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang ngán ngẩm nói: “Thực trạng con giống tạp nham là điều đáng lo nhất của ngành chăn nuôi. Việc bán lợn giống chẳng có ai quản lý nên giống trôi nổi không có ai chịu chất lượng. Còn bà con chăn nuôi thì ham giống rẻ nên giống lợn ngày càng bị thoái hóa, năng suất giảm và dễ bị dịch bệnh”.


Chi phí đầu vào cao


Câu chuyện thực tế mà chúng tôi tìm hiểu ở Tiền Giang đã cho thấy rõ bất cập về thực trạng con giống của ngành chăn nuôi Việt Nam. Dù Nhà nước đã cố gắng nghiên cứu, lai tạo ra con giống năng suất ngày càng cao. Tuy nhiên, tư duy sản xuất của người chăn nuôi đang dần phá vỡ những nỗ lực cải tạo đàn giống của Nhà nước. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai phân tích: “Năng suất trung bình của thế giới là 26 con/nái/năm, có nơi còn lên đến 30 con/nái/năm. Trong khi bình quân ở Việt Nam chỉ 13 con/năm. Lượng tiêu thụ thức ăn ở thế giới bình quân từ 2,2 - 2,75 kg cho 1 kg tăng trọng, còn ở nước ta từ 3 - 3,5 kg cho 1 kg thịt. Với tổng đàn lợn cả triệu con thì lượng thức ăn tiêu tốn lớn hơn rất nhiều. Do đó, ngành chăn nuôi trong nước khó mà cạnh tranh với nước ngoài khi họ có giống tốt từ nước ngoài cho năng suất cao, tiêu thụ thức ăn ít”.


Thức ăn gia súc lại phụ thuộc nguồn nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài càng khiến cho chi phí đầu vào tăng cao. Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Công ty thức ăn gia súc Vaco tại Đồng Nai cho rằng: “Cách đây 4 -5 năm, việc xuất khẩu gạo rồi nhập bắp về là bình thường. Nhưng bây giờ, cần xem xét lại vấn đề này. Thực tế hiện nay, đậu nành nhập 100%, bắp nhập 50% nhu cầu. Là nước nông nghiệp nhưng xuất gạo đi và lại nhập bắp, đậu nành về với chi phí vận chuyển rất cao. Điều này là vô lý”.


Ông Công cho biết thêm: “Hiện nay, mình có vùng nguyên liệu bắp nhưng năng suất chỉ từ 3 - 5 tấn/ha, tính ở vùng tốt nhất ở Định Quán, Đồng Nai, còn thế giới từ 13 - 17 tấn/ha. Vừa qua, Chính phủ có chủ trương cho địa phương nào phù hợp có thể chuyển sang trồng bắp, đậu nành. Chủ trương này là đúng, nhưng cái khó là tuy khuyến khích trồng bắp, nhưng công nghệ sau thu hoạch còn yếu. Khi thu hoạch mà để nấm mốc thì sẽ không hiệu quả”.


Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty thức ăn gia súc Thanh Bình, trước đây, lợi nhuận của ngành thức ăn chăn nuôi từ 7 - 10%, nay chỉ còn khoảng 3%. Tuy nhiên, giá thức ăn gia súc của Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước khoảng 20%.



Bài và ảnh:Anh Đức


Bài cuối: Phải thay đổi tư duy sản xuất

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN