Nguồn cung dồi dào
Khảo sát thị trường Hà Nội thời điểm ngày 25 Tết Bính Thân, giá cả các mặt hàng thực phẩm đã nhích dần lên. Riêng các loại rau xanh, đặc biệt là cà chua, cải bắp, rau muống đã tăng mạnh. Bộ Công Thương dự báo: Không có hiện tượng tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân. Tuy nhiên, giá cả có thể tăng nhẹ đối với các mặt hàng có nhu cầu cao như thực phẩm tươi sống, trái cây...
Theo cơ quan này, nguồn hàng chuẩn bị phục vụ Tết rất dồi dào. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương gửi về, lượng hàng chuẩn bị cho dịp Tết ước đạt hơn 230 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10 - 15% so với năm trước.
Người dân có thể yên tâm sắm Tết mà không lo cháy hàng, sốt giá. |
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn thị trường dịp Tết. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị tốt nguồn hàng, tổ chức các phương án phục vụ Tết, các chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; chuẩn bị tốt các mặt hàng chính sách cung ứng cho vùng sâu, vùng xa.
Bộ Công Thương cũng đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu trong dịp Tết, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đoàn làm việc tại một số địa phương về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết và triển khai chương trình bình ổn thị trường của các địa phương. “Đến thời điểm này, hầu hết các tỉnh thành đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, trong đó có 40 địa phương thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường”, ông Quyền cho biết.
Với sức mua dự báo tăng khoảng 15% và sự chuẩn bị về nguồn hàng hóa phục vụ Tết khá chu đáo nên Bộ Công Thương cho biết, nếu không có vấn đề bất thường xảy ra, nguồn cung hàng hóa này sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trước, trong và sau Tết. Hàng thiết yếu trong dịp Tết sẽ không có hiện tượng thiếu hàng.
Tăng cường kiểm soát giá
Theo dự báo của cơ quan chức năng, giá lương thực sẽ tăng nhẹ từ 3 - 5%; giá thực phẩm tươi sống, rau, quả dự báo tăng 5 - 10%, giá các sản phẩm bia, rượu tăng từ 2 - 4%; các mặt hàng nông sản tiêu thụ mạnh trong dịp Tết tăng khoảng 8 - 10%...
Bên cạnh việc bảo đảm nguồn cung, công tác kiểm soát giá cả trong dịp Tết cũng sẽ được cơ quan chức năng chú trọng. Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra dịp trước, trong và sau Tết, tập trung kiểm tra và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra, giám sát chất lượng, giá bán hàng hóa tại các hội chợ…
Theo Vụ Thị trường trong nước, hàng hóa phục vụ Tết lưu thông qua gần 8.600 chợ, hơn 750 siêu thị và khoảng 150 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi, các chuyến bán hàng lưu động trên khắp cả nước và bày bán tại các hội chợ xuân, chợ nông sản, phiên chợ hàng Việt... |
Nhằm giảm áp lực cho thị trường những ngày cận Tết, tránh tình trạng tăng giá đột biến đối với những mặt hàng có nhu cầu cao, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối tăng thời gian phục vụ Tết tại các điểm bán hàng bình ổn theo hướng nghỉ Tết muộn. Nhiều siêu thị đã cam kết sẽ phục vụ đến tối ngày 29 Tết và mở cửa sớm vào mùng 2 Tết. Một số doanh nghiệp bố trí điểm bán hàng không nghỉ Tết nhằm hạn chế tâm lý mua hàng tích trữ gây tăng giá những ngày giáp Tết và sau Tết.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, người dân có thói quen mua sắm, tích trữ hàng hóa trong dịp Tết khiến cầu tăng mạnh. Nhân cơ hội này, nhiều người bán hàng (chủ yếu ở chợ) đẩy giá bán hàng hóa tăng cao. Do đó, để mua được hàng đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, người dân nên chọn mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng uy tín hay điểm bán hàng bình ổn giá.
Cùng với Bộ Công Thương, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng vào cuộc để giám sát thị trường. Theo đó, cục này đã tổ chức ba đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá tại các địa phương trong Tết Nguyên đán Bính Thân. Đồng thời, các đoàn công tác của Bộ Tài chính sẽ kiểm tra công tác dự báo diễn biến cung cầu, tình hình giá cả dịp Tết tại các địa phương. Đặc biệt, các đoàn kiểm tra sẽ tiến hành các biện pháp tăng cường quản lý giá cước vận tải, trong đó tập trung tìm hiểu diễn biến giá cước vận tải hành khách bằng ô tô.