Giá mặt hàng thiết yếu không tăng đột biến

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 2/12, trả lời câu hỏi của báo giới về việc giá cả hàng hóa từ nay tới dịp Tết liệu có bị “đẩy” lên cao, ông Nguyễn Văn Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định: Giá cả các mặt hàng thiết yếu chắc chắn sẽ không tăng đột biến.


Hệ thống siêu thị ở Hà Nội góp phần tích cực vào việc bình ổn giá. Ảnh:Quang Quyết – TTXVN

Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết: Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, ngành hàng thực hiện nghiêm việc dự trữ cung ứng hàng hóa để đảm bảo nguồn hàng hóa không bị khan hiếm, "sốt” giá trong những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán sắp tới. Hiện, nhiều địa phương đã và đang tích cực thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu. Đây là giải pháp để điều tiết, định hướng giá các mặt hàng thiết yếu hữu hiệu, góp phần kiểm soát và hạn chế đầu cơ và bình ổn thị trường những tháng cuối năm. “Đặc biệt, nếu như trước đây các địa phương, doanh nghiệp thường trông chờ ngân sách Nhà nước rót về mới thực hiện chương trình bình ổn giá thì nay đã chủ động lên phương án dự trữ hàng Tết. Đến nay, đã có gần 30 tỉnh, thành phố gửi báo cáo về việc dự trữ hàng hóa Tết dịp cuối năm. Với sự chuẩn bị nguồn hàng chu đáo, chắc chắn giá các mặt hàng thiết yếu sẽ không có sự đột biến”, ông Chiến nói.


Liên quan tới vấn đề này, một chuyên gia kinh tế cho biết thêm: Nhìn chung trong thời gian tới, giá cả một số mặt hàng thiết yếu sẽ không tăng đột biến bởi hiện nay, mặc dù là tháng gần cuối năm nhưng thị trường hàng hóa vẫn chưa thực sự sôi động.Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 11/2013 đạt 226.396 tỷ đồng, giảm 0,2% so với tháng 10/2013. Phần lớn các ngành hàng đều giảm nhẹ từ 0,02 - 1,15%, trong đó, nhóm khách sạn, nhà hàng giảm nhiều nhất, tới 1,15%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội 11 tháng đầu năm đạt 2.286.146 tỷ đồng, tăng 12,56% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó phần lớn các nhóm có mức tăng tương đương hoặc cao hơn chút ít so với mức tăng chung, riêng nhóm du lịch chỉ tăng 1,77%. Điều này cho thấy xu hướng tiết kiệm chi tiêu của người dân khi gặp kinh tế khó khăn.


Để “hâm nóng” sức mua, các doanh nghiệp điện tử đã áp dụng giải pháp kích cầu trực tiếp như: Giảm giá từ 20 - 30% kèm quà tặng hiện vật hoặc tiền mặt nhằm thu hút người tiêu dùng. Ngoài ra, nhận thấy khâu trung gian làm tăng chi phí đến 10% nên không ít doanh nghiệp đã không phân phối qua đại lý bán buôn mà chuyển hàng cho các nhà bán lẻ trực tiếp nhằm giảm giá bán sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh hoặc ấn định giá bán như nhau cho tất cả khách hàng dù mua nhiều hay mua ít. Trong khi đó, ngành sữa đã có các chính sách khuyến khích sản xuất trong nước để người dân và đặc biệt là trẻ em có thể sử dụng sữa giá rẻ, phù hợp với thu nhập.


Mặc dù sức mua chưa sôi động nhưng nhìn chung, lãnh đạo Bộ Công thương nhận định: Tình hình hàng tồn kho của một số mặt hàng trong tháng 11/2013 đã có xu hướng giảm như: Sản xuất vải dệt thoi giảm 49,6%, xi măng giảm 50,3%, linh kiện điện tử giảm 66,2%... Nhiều doanh nghiệp đều hy vọng: Những tháng cuối năm tốc độ tiêu thụ hàng hóa tăng mạnh, đồng thời đây là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trả nợ đơn hàng, nhất là ngành dệt may và giày dép sẽ giúp hàng tồn kho giảm mạnh.


Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, từ nay đến hết năm 2013, ngành Công Thương vẫn tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 01/NQ - CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Nghị quyết 02/NQ - CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Trong đó, tiếp tục đẩy nhanh giải pháp mở rộng thị trường, giải phóng hàng tồn kho, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng “sốt” giá. Vụ Thị trường trong nước phối hợp với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế cung ứng đủ hàng cho người tiêu dùng trước và sau Tết Nguyên đán.



Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN