Nếu ai đã từng đến Hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm Nhì Tây, tận mắt nhìn dây chuyền sản xuất phôi nấm và quy trình sản xuất nấm ở 2 cơ sở khang trang, hiện đại của hợp tác xã ở thôn Nhì Tây, xã Bình Lâm (huyện Hiệp Đức) và xã Quế Thuận (huyện Quế Sơn) ắt không còn ngạc nhiên trước sự tin dùng của người dân xứ Quảng đối với thương hiệu nấm này.
Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động từ khi còn là khu xưởng sập sệ được che tạm bằng gỗ, tre nứa rộng 300 m2, đến nay Hợp tác xã đã phát triển thành 2 cơ sở trên tổng diện tích 3.500 m2, với đầy đủ hệ thống máy móc hiện đại nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hợp tác xã đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động, lương bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng và một số lao động thời vụ. Hiện nay, bình quân mỗi tháng hợp tác xã sản xuất, cung ứng cho thị trường khoảng 30.000 phôi nấm/tháng, với doanh thu 150 triệu đồng.
Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, hợp tác xã còn hợp đồng thu mua hơn 200 kg nấm/ngày của các hộ dân mua phôi nấm của hợp tác xã về trồng để cung ứng cho các tiểu thương, đầu nậu tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Hiệp Đức đánh giá, các loại nấm do Hợp tác xã làm ra rất đa dạng, chất lượng và đặc biệt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Kể từ khi hợp tác xã đi vào hoạt động, người dân xã Bình Lâm nói riêng và huyện hiệp Đức nói chung luôn xem đây là nông sản sạch đặc trưng, là niềm tự hào của miền quê trung du Hiệp Đức để giới thiệu với mọi người.
Bà Nguyễn Thị Minh Thủy, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm Nhì Tây cho biết, để các sản phẩm nấm của hợp tác xã trở thành thương hiệu được mọi người trong và ngoài tỉnh tin dùng như hiện nay, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, các thành viên trong hợp tác xã cũng như các hộ dân mua phôi nấm luôn quán triệt phương châm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là mục tiêu hàng đầu.
Trong quá trình sản xuất, từ giai đoạn sản xuất phôi, trồng nấm, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản, tuyệt đối không được sử dụng hóa chất, thuốc tăng trưởng và chất bảo quản... Thu hoạch phải đúng thời gian để nấm đạt chất lượng, cung cấp đầy đủ lượng vitamin, sơ, khoáng chất,… cho người sử dụng.
Bà Nguyễn Thị Minh Thủy tâm sự, bà tốt nghiệp Trường cao đẳng Lương thực - Thực phẩm, thành phố Đà Nẵng. Ra trường, bà làm việc ở Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện Hiệp Đức và Quế Sơn. Nhận thấy điều kiện thiên nhiên, nhiệt độ, độ ẩm… tại 2 địa phương này rất phù hợp để phát triển nghề trồng nấm, đặc biệt tại đây còn có nhiều xưởng cưa, cơ sở xay xát cung cấp nguồn nguyên liệu mùn cưa, cám ngô, cám gạo để sản xuất phôi nấm nên năm 2010, bà quyết định nghỉ làm việc và lập cơ sở trồng nấm.
Được sự hỗ trợ, động viên của gia đình và bạn bè, bà dần phát triển mở rộng cơ sở. Đến năm 2014, bà thành lập Hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm Nhì Tây. Đến nay Hợp tác xã đã sản xuất các loại nấm bào ngư, linh chi, mộc nhĩ, nấm rơm, nấm hoàng đế; trong đó, nấm bào ngư là nấm chủ đạo.
Ông Trần Ngọc Trung, chủ nhà hàng Trung Chim ở phường An Phú, thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) cho biết, nấm của Hợp tác xã Nhì Tây sản xuất chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi rất yên tâm khi sử dụng nấm do Hợp tác xã sản xuất để phục vụ khách hàng. Thực khách đến nhà hàng đều rất hài lòng với các món ăn được chế biến từ nấm do Hợp tác xã sản xuất, nhiều người còn mua các món ăn chế biến từ nấm của nhà hàng về cho mọi người thưởng thức.
Để đa dạng sản phẩm cung ứng cho thị trường và cũng để nấm trở thành một nông sản có thương hiệu trên thị trường, Hợp tác xã còn sản xuất các sản phẩm chế biến từ nấm và được ưa chuộng như: nấm bào ngư xé tẩm, trà linh chi túi lọc, nấm linh chi khô thái lát, dăm bông nấm bào ngư, nấm bào ngư dầm chua ngọt, nấm bào ngư sấy khô…
Bà Nguyễn Minh Thủy chia sẻ, để mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương và mở rộng thị trường, thời gian tới Hợp tác xã sẽ phối hợp với một số nhà đầu tư triển khai xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến nấm khép kín, với diện tích khoảng 6 ha tại xã Bình Lâm.