Xu hướng phát triển nông sản sạchTheo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, được hỗ trợ và khuyến khích phát triển, các địa phương ngày càng hình thành nhiều mô hình sản xuất rau an toàn, sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Các mô hình sản xuất này đã giúp đưa ra thị trường nhiều sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe người sử dụng, đồng thời giảm các tác động xấu đến môi trường.
Mô hình trồng dưa an toàn trong nhà kính của anh Trần Trọng Việt. |
Nông dân tham gia các mô hình sản xuất sạch, lợi nhuận của họ cũng được cải thiện vì tiết giảm được phân, thuốc, vật tư đầu vào… trong quá trình sản xuất. Nông dân còn tăng thêm lợi nhuận khi nhiều doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao hơn thị trường do sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc.
Anh Trần Trọng Việt ở huyện Mỹ Lộc (Nam Định) là người ý thức được nhu cầu sử dụng nông sản sạch của người tiêu dùng nên chủ động đầu tư, xây dựng trang trại chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch. Trang trại nông nghiệp của anh Việt có gần 30.000 mét vuông, được đầu tư khu nhà kính, hệ thống tưới nước, điều chỉnh nhiệt độ và bón phân tự động để trồng dưa lưới Mỹ, dưa bở, cà chua Nhật, dưa chuột... Mới thử nghiệm được hơn 2 năm, với mức đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng trang trại đã cho tổng thu nhập khoảng 1 tỷ đồng; tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên, với mức lương 4 triệu đồng/tháng.
Đưa chúng tôi thăm khu nhà kính, anh Việt cho biết: “Mô hình làm trang trại rau sạch rất hiệu quả, dù mặt hàng đưa ra thị trường đắt hơn nhưng an toàn nên khách hàng ưa chuộng. Thời gian tới sẽ mở rộng quy mô thêm 6 ha trồng rau sạch, tìm thị trường và đối tác liên kết bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn”. Theo anh Việt, người tiêu dùng đang hoang mang giữa nông sản sạch và bẩn lẫn lộn, gây hại đến sức khỏe của cộng đồng. Để có chỗ đứng trong thị trường, anh đã ý thức được phải cung cấp các mặt hàng nông sản sạch.
Trong quá trình sản xuất, việc chăm bón và lựa chọn loại phân bón cho cây trồng, đều được anh tính toán tỉ mỉ cân đối giữa công nghệ chuẩn với điều kiện địa phương, sao cho cây ra hoa, đậu trái đạt chất lượng cao nhất. Anh trực tiếp gặp và giao hàng ghi rõ xuất xứ nguồn gốc, cam kết chất lượng với khách hàng. Từ đó, các đơn hàng đặt ngày một nhiều hơn. Thời gian tới, anh sẽ mở rộng quy mô thêm 6 ha trồng rau sạch, tìm thị trường và đối tác liên kết bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn.
Hợp tác xã (HTX) trồng rau sạch Dì Thàng ở huyện Bắc Hà (Lào Cai) là đơn vị chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến cho đến khâu phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Từ tổ hợp sản xuất rau sạch được thành lập năm 2011, đến nay HTX Dì Thàng đã mở rộng diện tích rau chuyên canh lên 5,5 ha, có 43 xã viên tham gia. Thế mạnh là rau bản địa, rau trái vụ và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi ngày, HTX cung cấp 95% sản phẩm cho các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội. HTX mỗi năm lợi nhuận đạt 1,5 tỷ đồng, lương của mỗi xã viên là 5 triệu đồng/tháng.
Chị Lã Thị Liễu, Phó Chủ nhiệm HTX Dì Thàng chia sẻ: “Ý thức được tầm quan trọng của thực phẩm sạch với sức khỏe con người, tôi luôn nhắc nhở và giám sát các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau an toàn. Điều này vừa bảo đảm sức khỏe chung cho cộng đồng, vừa là yêu cầu bắt buộc để HTX giữ được thương hiệu. Các xã viên phấn khởi vì thu nhập tăng cao và ổn định”. Gia đình chị Liễu cũng đầu tư trồng rau chuyên canh với diện tích 2.000 m2 theo mô hình nhà lưới. Trừ chi phí, gia đình chị thu lời hơn 100 triệu đồng.
Doanh nghiệp giúp sức nông dânBộ NN & PTNT khẳng định, sản lượng nông sản Việt Nam tuy lớn nhưng gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường. Một số nguyên nhân chính là phương thức sản xuất chủ yếu dựa vào quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chậm phát triển; sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết, chưa đảm bảo những tiêu chuẩn, quy chuẩn cần thiết; thị trường tiêu thụ không ổn định, vẫn xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: “Trong thời gian tới, Bộ NN & PTNT sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để xây dựng các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp mang tính đột phá để doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội và yên tâm đầu tư. Sự tham gia tích cực và đóng góp thiết thực từ phía cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu của nông sản Việt Nam không chỉ cho xuất khẩu mà còn cho thị trường trong nước”. |
Nhiều hộ gia đình sản xuất nông sản cho rằng họ bị phụ thuộc quá nhiều vào thương lái nên bị ép giá, khó khăn về vốn và kỹ thuật, rất cần Nhà nước hỗ trợ để phát triển. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, nông dân là chủ thể và doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt quan trọng”.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, doanh nghiệp nông nghiệp có vai trò quan trọng giúp nông dân về vốn, kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn và tiêu thụ sản phẩm ổn định. Nếu nông dân muốn sản phẩm đạt VSATTP mà thiếu vốn đầu tư công nghệ, không có kỹ thuật... thì không thể có sản phẩm bảo đảm sạch cung cấp cho thị trường. Vì vậy, doanh nghiệp phải là lực lượng chủ lực liên kết với nông dân đưa cơ giới hóa, công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp, dẫn dắt nông hộ, tổ hợp tác, HTX cùng phát triển. Doanh nghiệp đi đầu trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, là hạt nhân liên kết nông dân với thị trường. Những năm gần đây, doanh nghiệp và nông dân đã bắt tay thể hiện tâm huyết nâng cao vị thế hàng nông sản của Việt Nam theo hướng thịnh vượng, bền vững.