Sản phẩm máy sấy Bạch Mã của anh đang được bán với giá 200-400 triệu đồng/chiếc máy nhỏ, từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/chiếc máy to. Hiện cở sở của anh đang tạo việc làm cho 12 lao động với mức lương từ 9-12 triệu đồng/người/tháng.
Sinh ra trên vùng đất nghèo vùng ven biển, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội anh Tư xin được vào làm tại một Công ty Nhật Bản chuyên về nghiên cứu, nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Đây là loại dược liệu rất tốt cho sức khỏe con người và mang lại giá trị thương mai cao nên anh đã ấp ủ giấc mơ phát triển sản phẩm trên chính quê hương.
Năm 2014, anh Tư quyết định về quê lập nghiệp và vay vốn người thân trồng nấm đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên thất bại do nấm thành phẩm không thể bán được. Khi kiểm tra lại nguyên nhất thất bại, anh Tư nhận ra rằng, nếu đem phơi, sấy theo cách truyền thống, sấy nhiệt thì sản phẩm sẽ bị biến đổi màu hoặc giảm chất lượng.
Từ đây, anh Tư phát hiện ra công nghệ sấy thăng hoa, sấy ở nhiệt độ thấp, áp suất thấp có nhiều điểm ưu việt như: giúp sản phẩm và thực phẩm, nguyên liệu dược phẩm giữ được nguyên vẹn hàm lượng chất dinh dưỡng, màu sắc, mùi vị. Điều này giúp tăng trị giá sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm mang giá trị cao như đông trùng hạ thảo.
Trong khi đó, tại Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào tự sản xuất được loại máy này, đa số phải nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí rất cao nên khó có thể tiếp cận được công nghệ sấy. Vì vậy, anh quyết định nghiên cứu làm ra một sản phẩm tương tự, phù hợp với nhu cầu thực tế. Từ đó, mang đến cho nông dân một loại máy giúp sấy khô nông sản nâng cao chất lượng sản xuất.
Năm 2017, anh quyết định chuyển sang khởi nghiệp với mô hình máy sấy Bạch Mã. Anh vận dụng những kiến thức được học từ trong trường đại học cùng với những nguyên lý cơ bản của kỹ thuật sấy thăng hoa và hiểu thêm nhiều tài liệu trên các diễn đàn mạng internet và nhiều đề tài khoa học trong, ngoài nước để tham khảo.
Sau một năm nghiên cứu, cuối cùng anh Tư cũng làm được chiếc máy hoàn chỉnh. Khi sáng tạo ra chiếc máy, nhiều người liên hệ hỏi anh bởi ở Việt Nam nghiên cứu về công nghệ sấy thăng hoa rất ít người thành công.
Khi sử dựng công nghệ mới để sản xuất ra những chiếc máy sấy Bạch Mã, cơ sở của anh đang còn nhỏ lẻ nên anh hợp tác với một số đơn vị tư nhân khác để bán. Sau khi nhận được những phản hồi tích cực của người dùng, anh đã lên ý định thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá trị của một máy sấy thăng hoa rất cao, dao động từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng nên phải có vốn đầu tư lớn mới thực hiện được.
Hơn nữa, đây là sản phẩm khoa học chưa phổ biến nên việc tìm mua vật tư, linh kiện rất khó; thuê nhân công cũng cần người có chuyên môn, trình độ nhất định, trong khi chi phí xây nhà xưởng, vận chuyển hàng, trả lương nhân công cũng cao. Nhiều lúc anh muốn bỏ cuộc nhưng được người thân động viên anh lại mày mò tìm cách phát triển.
Năm 2019, anh quyết định vay vốn thành lập Công ty TNHH Thiết bị Bạch Mã, anh áp công nghệ sấy thăng hoa vào sản xuất các loại máy sấy Bạch Mã và đây là loại máy có công dụng sấy khô nhanh chóng hoa quả, rau củ quả, hàng nông nghiệp, dược liệu…
Đến nay, cơ sở của anh đã sản xuất được hơn 100 chiếc máy sấy đủ kích cỡ, công suất từ loại bé nhất 5kg/mẻ sấy, loại lớn hơn 100kg/mẻ sấy được xuất ra thị trường và cho hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm máy sấy Bạch Mã với công nghệ sấy thăng hoa của anh được bán tại Hà Nội, Sài Gòn, Thanh Hóa…
Bên cạnh đó, những chiếc máy Bạch Mã này có giá thành chỉ bằng 2/3 so với máy nhập khẩu có cùng công suất cũng như độ bền, nhưng máy có cấu tạo đơn giản, nhỏ gọn hơn, được đưa vào nhiều hệ thống tự động hóa nên hoàn toàn tự động và dễ vận hành.
Thời gian tới, anh Tư cho biết sẽ đầu tư mở thêm nhiều cơ sở sản xuất, buôn bán máy sấy, đồng thời đầu tư, mở thêm Công ty Chế biến nông sản ở Bình Dương, qua đó tạo được thêm việc làm cho lao động địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hảo, Chủ tịch Hội nông dân xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc cho hay, máy sấy Bạch Mã của anh Tư là mô hình mới lạ trên địa bàn, bước đầu đang cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục vận động các nông dân trên địa bàn thực hiện theo mô hình này, qua đó, tìm được hướng đi mới trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.