Kết nối đồng bằng để vươn xa

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phát triển nông nghiệp, nông thôn và ra mắt Văn phòng Điều phối phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, mỗi tỉnh, mỗi địa phương không nên "tự đi lối riêng" mà cùng nhau hợp tác, phối hợp, liên kết, kết nối các tỉnh, thành đồng bằng.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh minh họa: Ngọc Thiện - Lê Nghĩa/Báo Tin Tức

Mỗi thương hiệu của mỗi tỉnh sẽ ít được thế giới biết đến nhưng gắn với thương hiệu toàn vùng thì sẽ vươn tầm xa, không chỉ trong nước mà thế giới sẽ biết đến sản vật, thương phẩm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cố gắng xây dựng hình ảnh, thương hiệu đồng bằng để thị trường buôn bán được rộng mở.  

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát không chỉ ở mỗi người nông dân mà ngay chính cách quản lý từ trung ương đến địa phương, kết nối giữa nhà nước, nhà khoa học và cộng đồng. Vì vậy, kết nối đồng bằng không chỉ liên kết 13 tỉnh, thành mà phải kết nối được người nông dân, tri thức, khoa học,... tổ chức sản xuất, thị trường, hệ sinh thái ngành hàng mới tạo được liên kết vùng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay "người tiêu dùng xanh" trên thế giới không chỉ tập trung vào sản phẩm làm ra phải chất lượng mà đòi hỏi quy trình canh tác nông sản được làm ra không tác động xấu đến môi trường, khí hậu... Sản phẩm làm ra phải được thương mại hóa thì mới tạo ra được giá trị. Người nông dân Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cần thay đổi tư duy sản xuất, không chỉ sản xuất tập trung vào sản lượng và chất lượng mà phải bắt kịp xu thế thị trường thế giới thì nông sản mới vươn xa.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa nông nghiệp của cả nước. Mặc dù, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp tỷ lệ lớn vào GDP nông nghiệp cả nước, song Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phát triển chưa tương xứng.

Nguyên nhân do việc chuyển đổi tư duy sản xuất còn chậm, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, kinh tế hộ vẫn là chủ lực. Giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào tăng diện tích canh tác, tăng vụ. Sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, thiếu bền vững. Bên cạnh đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu khiến tình trạng xâm nhập mặn ngày một nghiêm trọng hơn.

Chính những nguyên nhân trên làm rào cản con đường đột phá của nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn và đưa nông nghiệp, nông thôn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển và đổi thay, ngày 24/2/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 – 2025 do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Trưởng ban và thành lập Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào ngày 23/3/2022.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng các cơ chế, chính sách thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các giải pháp nâng cao hiệu quả điều phối phát triển vùng theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các liên kết được Ban chỉ đạo coi là mục tiêu chính: liên kết nguồn nước, liên kết hạ tầng, liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ, liên kết khoa học công nghệ, liên kết thị trường, liên kết nguồn lực, đào tạo lao động nhằm tạo ra những sản phẩm nông sản cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có giá trị kinh tế, giá trị khoa học cao, đủ sức cạnh tranh ở hầu hết các thị trường của thế giới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè kỳ vọng Ban Chỉ đạo Phát triển nông nghiệp, nông thôn và Văn phòng Điều phối phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long tạo bước đi thích hợp nhất cho nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông nghiệp trọng điểm, có một số ngành hàng có quy mô lớn (thủy sản, trái cây,...) nhưng còn lúng túng quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa tập trung. Thời gian qua, mỗi tỉnh, thành tự làm nông nghiệp theo hướng riêng mà chưa liên kết với nhau. Vì vậy, thời gian tới Ban Chỉ đạo Phát triển nông nghiệp, nông thôn và Văn phòng Điều phối phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Ban Chỉ đạo và Văn phòng phát triển nông nghiệp, nông thôn) định hướng từng nhiệm vụ cho từng địa phương về tổ chức sản xuất cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Vừa qua một số ngành hàng ở các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tạo ra một số sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) xây dựng được thương hiệu nhưng chưa tương xứng, sản phẩm OCOP tương đồng nhau. Vì vậy, thời gian tới, Ban Chỉ đạo và Văn phòng điều phối phát triển nông nghiệp, nông thôn cần định hướng sản phẩm OCOP nào mang tính chung của vùng thì tạo sản phẩm cho cả toàn vùng để cạnh tranh với cả khu vực và thế giới.

Ngoài ra, Quốc hội ban hành Nghị quyết 45/2022/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; trong đó, thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Đây là Trung tâm tháo gỡ chuỗi sản xuất, liên kết, tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long mong muốn Ban Chỉ đạo và Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có quy mô lớn, nhà đầu tư vào Trung tâm; thiết lập được chuỗi cung ứng vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối, tiêu thụ sản phẩm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

"Hiện nay, biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề đến Đồng bằng sông Cửu Long (hạn hán, thiếu nước,...), vì vậy, mong muốn Ban Chỉ đạo Phát triển nông nghiệp, nông thôn tham mưu cho Chính phủ,.. để có những đầu tư đồng bộ, hạ tầng giao thông giúp các tỉnh, thành thích ứng với biến đổi khí hậu như Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã đề ra", ông Nguyễn Ngọc Hè mong muốn.

Thu Hiền (TTXVN)
Các nhà khoa học hiến kế phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long
Các nhà khoa học hiến kế phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 25/3, tại Cần Thơ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ phối hợp cùng Trường Đại học Cần Thơ, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long bình thường mới - vai trò của Mặt trận Tổ quốc và đội ngũ trí thức”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN