Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân tại cảng Cửa Việt. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Trong thông cáo báo chí do EC công bố ngày 23/10 nêu rõ, quyết định này được đưa ra sau một thời gian dài thảo luận không chính thức với các cơ quan chức năng của Việt Nam từ năm 2012. Ở giai đoạn này, quyết định này không đưa ra bất kỳ biện pháp nào ảnh hưởng đến thương mại. “Thẻ vàng” được coi là một cảnh báo và đưa ra khả năng để Việt Nam có biện pháp khắc phục tình trạng này trong khoảng thời gian hợp lý.
Như vậy, đúng như những lo ngại của các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản, hải sản Việt Nam chính thức bị giơ “thẻ vàng” và nếu không có biện pháp khắc phục hiệu quả thì nguy cơ bị “thẻ đỏ” là rất lớn. Khi đó, hải sản Việt Nam sẽ bị cấm ở thị trường EU.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc nhận “thẻ vàng” có thể gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp với việc xuất khẩu hải sản sang EU. Trước hết, xuất khẩu hải sản sang EU sẽ giảm do các khách hàng tại EU rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU của EC. Tên quốc gia bị cảnh báo sẽ được công khai trên các tạp chí và website chính thức của EU; điều này sẽ làm xấu đi hình ảnh, uy tín, thương hiệu của ngành hải sản.
Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Xuất nhập khẩu Minh Cường. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Trong thời gian bị “thẻ vàng”, 100% containers hàng hải sản xuất khẩu sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác khiến thời gian bị kéo dài, thậm chí từ 3-4 tuần/container. Riêng phí kiểm tra “nguồn gốc” là khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. Rủi ro lớn nhất khi đó là tỷ lệ lớn các container hàng bị từ chối, trả lại khá cao và tổn thất có thể lên đến 10.000 Euro/container. Trường hợp như Philippines khi bị thẻ vàng của EU có đến 70% số container bị từ chối trả lại.
Sau khi bị cảnh cáo “thẻ vàng”, ngành hải sản Việt Nam có 6 tháng để phấn đấu lấy lại “thẻ xanh” từ EC. Hiện VASEP và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đưa ra những giải pháp quyết liệt nhằm đáp ứng các yêu cầu của EU.
VASEP và Ban Điều hành IUU VASEP đã đề xuất hợp tác với 4 đơn vị là Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Thủy sản và Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản nhằm triển khai những biện pháp chống đánh bắt IUU. Cộng đồng doanh nghiệp hải sản cũng đang thể hiện sự quyết tâm khi tham gia vào chương trình cam kết chống khai thác IUU do VASEP đề xướng. Tính đến giữa tháng 10/2017, đã có 73 doanh nghiệp cam kết chống khai thác IUU.
Trước đó, ngày 20/10, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đại diện Phái đoàn đã có một buổi làm việc với lãnh đạo VASEP, Tổng cục Thủy sản và một số đơn vị liên quan để cùng trao đổi kỹ hơn về “IUU” và vấn đề "thẻ vàng".
Ngoài EU, thì Mỹ sẽ là thị trường nhập khẩu thủy hải sản thứ hai trên thế giới áp dụng chương trình giám sát thủy hải sản nhập khẩu, nhằm chống lại khai thác IUU. Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản vào Mỹ (SIMP) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.