Điều này đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thực sự bất bình và không khỏi lo lắng.
Thông tin sai sự thật
Cách đây đúng một tháng, phóng viên TTXVN đã đề cập đến vấn đề xuất khẩu cá tra trong năm 2017 sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng rất lớn do tác động tiêu cực từ những thông tin bôi nhọ của truyền thông nước ngoài. Cụ thể, ngay đầu tháng 1/2017, một chương trình của đài truyền hình Cuatro TV ở Thành phố Madrid, Tây Ban Nha đã phát sóng những thông tin sai lệch về hình ảnh cá tra Việt Nam được nuôi trên dòng sông Mekong.
Chế biến cá tra xuất khẩu.Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngay sau phóng sự này, chuỗi siêu thị bán lẻ ở châu Âu của Tập đoàn Carrefour đã tuyên bố ngừng bán cá tra tại các cửa hàng của Tây Ban Nha và Bỉ cũng như trên các quầy tươi ở Pháp. Một số trường học ở Tây Ban Nha cũng từ chối tiêu thụ cá tra Việt Nam.
Không chỉ riêng đầu năm nay truyền thông nước ngoài mới bắt đầu bôi nhọ hình ảnh cá tra Việt Nam mà vấn đề này đã được thực hiện thành các chiến dịch ở nhiều nước châu Âu và kéo dài từ năm 2010 đến nay. Với giá trị dinh dưỡng cao và giá cạnh tranh, cá tra Việt Nam hiện đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các loại cá thịt trắng khác, đặc biệt là một số cá bản địa như cá minh thái, cá tuyết… Vì vậy, một số doanh nghiệp cho rằng, không loại trừ khả năng các đối thủ dùng truyền thông để nói xấu cá tra Việt Nam nhằm bảo vệ hàng trong nước.
Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang cho rằng, việc Tập đoàn Carrefour thông báo ngừng mua cá tra Việt Nam không có gì đáng lo ngại, bởi họ tiêu thụ sản phẩm cá tra rất ít. Chủ yếu, hệ thống siêu thị này cung cấp các loại cá thịt trắng khác như cá minh thái, cá tuyết… hiện là đối thủ cạnh tranh của cá tra ở thị trường này.
“Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là dưới sức lan tỏa của internet và mạng xã hội, những thông tin sai lệch về hình ảnh cá tra sẽ tác động đến nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng. Thậm chí, điều này có thể ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cá tra sang một số thị trường khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Pakistan… Bởi các thị trường này thường yêu cầu những công ty có mã sản phẩm xuất được sang EU thì mới chịu nhập khẩu”, ông Ong Hàng Văn nói.
Trước nhiều thông tin tiêu cực xung quanh hoạt động nuôi cá tra, giới khoa học và các tổ chức chứng nhận quốc tế về chất lượng và môi trường như BAP, ASC cũng đã phải lên tiếng về vấn đề này. Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA) đảm bảo rằng cá tra được nuôi theo phương thức có trách nhiệm và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe. Các nhà sản xuất cá tra được chứng nhận BAP phải trải qua các cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm và xem xét mức độ liên quan tới môi trường nghiêm ngặt. Do vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm lựa chọn cá tra. GAA cũng chỉ ra rằng, các chiến dịch chống cá tra thường bắt nguồn từ các nhóm lợi ích cạnh tranh, rất dễ bóp méo sự thật.
Làm gì để bảo vệ cá tra?
Trên thực tế, để đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi cao về vấn đề an toàn thực phẩm, người nuôi cá tra và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã phải tuân thủ quy trình nuôi trồng, chế biến hết sức nghiêm ngặt. Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hiện diện tích thả nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 5.000 ha, hầu hết đều được nuôi theo chuỗi giá trị liên kết và đạt chứng nhận của các tổ chức quốc tế như GlobalGap, ASC, BAP…
Để có thể đạt được các chứng nhận này, các trang trại nuôi phải được xây dựng và hoạt động dựa trên các tiêu chí về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, môi trường và trách nhiệm xã hội một cách nghiêm ngặt. Đây là một trong những bằng chứng rõ ràng và đáng tin cậy nhất về tính an toàn và bền vững của ngành cá tra Việt Nam hiện nay.
“Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam ngày càng tăng và thị trường ngày càng mở rộng. Chất lượng sản phẩm hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất ở các thị trường nhập khẩu khó tính. Ngay cả bản thân cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm EU cũng không có ý kiến gì thì những thông tin sai lệch về cá tra là hoàn toàn thiếu căn cứ khoa học”, ông Quốc cho biết.
Cũng theo ông Dương Nghĩa Quốc, sở dĩ tình trạng này vẫn còn tiếp diễn là do việc xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cá tra trên thị trường thế giới còn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Do vậy, để củng cố hình ảnh cá tra trên thị trường này thì một mặt cần có sự chung tay của các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng thương hiệu cá tra Việt trên thị trường. Mặt khác, người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để duy trì sự ổn định của ngành hàng cá tra trong thời gian tới.
Trong bối cảnh những thông tin tiêu cực trên có thể ảnh hưởng chung đến xuất khẩu cá tra, một nguồn tin từ VASEP cho biết, Hiệp hội này đang phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào EU cùng thực hiện chiến lược quảng bá và các hoạt động khác, nhằm giúp xây dựng hình ảnh cho sản phẩm cá tra tại thị trường này. Trong đó, sẽ thông qua truyền thông để đưa những thông tin chính xác nhất về quy trình nuôi trồng, chế biến cá tra Việt Nam hiện nay nhằm gây dựng lại niềm tin cho người tiêu dùng EU.
Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương cho rằng, việc đẩy lùi truyền thông tiêu cực về hình ảnh cá tra ở nước ngoài nếu chỉ có các doanh nghiệp và Hiệp hội sẽ không giải quyết được dứt điểm vấn đề. Thêm vào đó là cần có sự vào cuộc của Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương đặc biệt là bộ phận Tham tán thương mại ở các nước để là cầu nối cùng với doanh nghiệp phản bác thông tin sai lệch và cung cấp những thông tin đúng đắn về ngành.