Thay đổi cách đánh bắt theo kiểu "tận diệt"

Nhằm bảo tồn, tái tạo và phục hồi các nguồn lợi thủy sản gắn với khai thác thủy sản bền vững, mô hình “Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ” tại Hà Tĩnh ra đời đã mang lại hiệu quả cao, làm thay đổi hẳn nhận thức của ngư dân.

Tại Hà Tĩnh, tình trạng sử dụng lưới kích thước mắt nhỏ kết hợp kích điện để khai thác thủy sản vẫn còn phổ biến ở các địa phương ven biển. Bên cạnh đó, tàu giã kéo đến từ các địa phương khác như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi… hoạt động sai quy định tại các vùng biển Hà Tĩnh cũng làm ảnh hưởng đến việc khai thác thủy sản ven bờ của ngư dân.

Được sự hỗ trợ của Dự án “Nguồn lợi ven biển, vì sự phát triển bền vững Hà Tĩnh”, năm 2016, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện mô hình “Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ” nhằm giúp ngư dân ở các địa phương quản lý, nâng cao nhận thức về việc đánh bắt thủy sản ven bờ theo kiểu tận diệt, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh sản và phát triển của các loài thủy sản ven biển.

Ngư dân dần nâng cao nhận thức về việc đánh bắt thủy sản ven bờ. Ảnh: TTXVN

Vùng bãi ngang thuộc hai xã ven biển là Xuân Liên và Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) có cơ cấu kinh tế chủ đạo là nông - ngư nghiệp. Kinh tế các hộ tham gia Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ phụ thuộc trên 60% vào nghề khai thác thủy sản có quy mô nhỏ; công suất bình quân 12 CV/tàu, hoạt động trong ngày, chủ yếu bằng lưới rê, ít gây nguy cơ tác động xấu đến môi trường, nguồn lợi thủy sản.

Tham gia Tổ đồng quản lý nghề cá, nhận thức, niềm tin của ngư dân về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, một số ngư dân từ bỏ khai thác các loại thủy sản bản địa quý hiếm chưa đạt kích thước cho phép hoặc là thời kỳ mang trứng như tôm hùm, ghẹ trứng, ốc hương.

Từ chỗ ngư trường mạnh ai nấy làm, đến nay, các Tổ đồng quản lý đã chủ động phối hợp các địa phương, lực lượng bộ đội biên phòng ven biển tích cực tham gia quản lý hoạt động tàu cá tại vùng biển ven bờ.

Theo đó, tình trạng khai thác bất hợp pháp tại vùng biển ven bờ giảm rõ rệt, đặc biệt là vi phạm sai quy định của tàu giã kéo đôi. Ngư dân đã chủ động bàn bạc với các cơ quan chức năng trên địa bàn để triển khai kế hoạch và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động tàu cá trên địa bàn.


Theo ông Hoàng Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Tổ đồng quản lý nghề cá ra đời đã từng bước làm thay đổi và chuyển biến hệ nhận thức của ngư dân. Nếu như trước đây, ngư dân đánh bắt cá bằng cách đánh mìn, xung kích điện… thì nay, qua tuyên truyền, vận động nhận thức của ngư dân về vấn đề này đã thay đổi.

Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh cho biết: Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững Hà Tĩnh” bắt đầu triển khai thực hiện từ cuối năm 2013, do Ngân hàng Thế giới tài trợ, đến nay đã xây dựng được 15 mô hình “Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ”. Từ đây, ngư dân đã biết gắn kết cộng đồng và tạo được sự đồng thuận để bảo vệ ngư trường biển. Khi nguồn lợi ven bờ được bảo vệ, quản lý, sản lượng khai thác của ngư dân ngày một tăng cao.

Hoàng Ngà (TTXVN)
Tái tạo nguồn lợi thủy sản sau sự cố biển miền Trung
Tái tạo nguồn lợi thủy sản sau sự cố biển miền Trung

Sự cố môi trường do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra đã làm cho hệ sinh thái vùng biển miền Trung bị phá hủy nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng này, trước hết cần có những giải pháp bảo vệ nguồn lợi biển, giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội và chính sách hỗ trợ các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN