Dạo quanh các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ loại I, chợ dân sinh... cho thấy, giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm đều không có sự chênh lệch quá lớn so với ngày thường như mặt hàng rau củ, giá tại các chợ vẫn ổn định. Cụ thể, rau cải khoảng 7.000 – 10.000 đồng/kg, su hào khoảng 4.000 – 6.000 đồng/củ, rau muống 5.000 – 8.000 đồng/kg, mồng tơi 6.000 – 9.000 đồng/kg...
Theo các chủ tiệm rau, củ, giá rẻ như vậy chủ yếu bởi thời tiết. Có thể thấy, mùa đông năm nay nắng ấm kéo dài, thuận lợi cho cây trồng phát triển nên nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, được mùa thì mất giá, rau xanh bán rẻ không đủ công người nông dân bỏ vốn mua cây giống, vật tư, công chăm sóc.
Ông Nguyễn Hữu Hào (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) chuyên sản xuất rau màu cung cấp cho thị trường Hà Nội cho biết, trong năm cây trồng phát triển tốt, không có sâu bệnh nên các hộ nông dân được mùa rau. Nhưng đi cùng với đó là sự buồn lo của người nông dân vì giá rau rẻ trong khi chi phí trồng trọt lớn nên thu chẳng bù chi.
Ông Hào than thở, có thời điểm gia đình ông bán cải ngồng cho thương lái với chỉ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Vài ngày gần đây, trời có mưa và nhiệt độ hạ thấp, giá rau mới tăng lên chút ít. Nhưng lúc này, các luống rau nhà ông đã thu hoạch gần hết, ông chỉ còn biết trông chờ vào các đợt gieo trồng sau.
Các loại thịt như thịt lợn, thịt gà, thịt bò... cũng giữ mức giá ổn định trong cả năm. Khảo sát tại các chợ truyền thống, giá thịt bò thăn phổ biến từ 250.000-270.000 đồng/kg, thịt lợn ba chỉ khoảng 80.000 – 90.000 đồng/kg, thịt gà ta khoảng 120.000 – 150.000 đồng/kg. Đáng chú ý, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng thịt nhập khẩu nhiều hơn, đặc biệt là thịt bò do giá cả và chất lượng khá cạnh tranh với thịt bò nội địa.
Giá cả thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, rau xanh, thực phẩm thiết yếu trong những ngày giáp Tết này tại Hà Nội vẫn giữ mức ổn định. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN |
Chị Lê Thị Hoa, tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, năm nay không xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng, thịt ở các địa phương đổ dồn về trung tâm nên nguồn cung thịt dồi dào. Hơn thế, người tiêu dùng bắt đầu chuộng mua thịt tại các công ty, siêu thị để yên tâm hơn về chất lượng nên giá thịt tại chợ không những không tăng mà có lúc còn giảm đi. Chị Hoa đoán, giá thịt sẽ tăng từ khoảng 23 tháng Chạp bởi đây là mặt hàng được tiêu thụ nhiều vào cuối năm, nhưng mức tăng sẽ không đáng kể so với cùng thời điểm năm trước.
Không chỉ phục vụ nhân dân ở khu vực nội thành mà Sở Công Thương Hà Nội, Tổng công ty Thương mại Hà Nội còn xây dựng kế hoạch đưa hàng hóa thiết yếu về phục vụ công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhân dân vùng ngoại thành với giá cả hợp lý, hàng hóa chất lượng tốt.
Lãnh đạo Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho biết, để phục vụ Tết Đinh Dậu 2017 được tốt, Tổng công ty đã chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai chương trình kinh doanh phục vụ Tết, theo đó tiến hành cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, chuẩn bị nguồn hàng với chất lượng đảm bảo, mẫu mã đa dạng phong phú nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể, với chủ đề "Hapro mang xuân đến mọi nhà", nhiều sản phẩm truyền thống như bánh trưng, giò các loại, bánh mứt kẹo, gạo các loại... cho đến quần áo, đồ gia dụng thiết yếu… được Tổng công ty tung ra trong dịp Tết này.
Tại các siêu thị, giá cả không chênh lệch nhiều với chợ truyền thống, nhất là giá thực phẩm rất ổn định. Ngay từ đầu tháng Chạp âm lịch, lượng khách tới các siêu thị bán lẻ như Fivimart, BigC, Hapromart... đã không ngừng tăng lên. Các mặt hàng có sức mua lớn nhất và khả năng tăng giá cao nhất nằm ở nhóm bánh kẹo, nước ngọt, trái cây...
Mặt hàng trái cây phục vụ Tết nguyên đán năm nay rất đa dạng, phong phú với mức giá phải chăng. Tại hệ thống siêu thị BigC, ngoài các loại trái cây truyền thống của Việt Nam như cam canh với mức giá khoảng 40.000 đồng/kg, quýt đường 60.000 đồng/kg, thanh long 38.000 đồng/kg,..., các gian hàng trái cây nhập khẩu như táo Fuji Nhật, nho Mỹ, lê Hàn Quốc... cũng rất được ưa chuộng.
Ngoài ra, các siêu thị cũng tăng cường bổ sung các sản phẩm là đồ khô, thực phẩm chế biến cho dịp Tết như giò lụa, lạp xưởng, dưa muối, gạo nếp, miến dong, bánh mứt, nấm khô... để phục vụ nhu cầu của người dân. Đặc biệt, các loại nông sản lạ như bưởi hồ lô, dưa hấu khắc chữ... và đặc sản vùng miền cũng thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân. Nhìn chung, giá của hầu hết các loại thực phẩm vẫn ổn định, không có biến động lớn so cùng kỳ năm trước.
Chị Thu Hương, nhân viên siêu thị Big C Thăng Long cho biết, giá thực phẩm ổn định vì các siêu thị đã chủ động dự trữ nguồn hàng từ sớm để phục vụ thời gian cao điểm mua sắm cuối năm. Mặt khác, siêu thị thường ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung ứng nên giá cả luôn được kiểm soát, sẽ không có chuyện thực phẩm tăng giá đột biến vào các dịp lễ, Tết. Bên cạnh đó, năm nay khách hàng đặc biệt quan tâm đến chất lượng sản phẩm và có xu hướng mua lượng hàng hóa vừa đủ dùng chứ không mua trữ sẵn như mọi năm vì nhiều cửa hàng, siêu thị vẫn mở cửa phục vụ ngay trong những ngày Tết.
Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết nguyên đán Đinh Dậu, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10% so với năm 2016. Đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, như lương thực, thực phẩm, bánh kẹo… để kịp thời điều tiết và bình ổn thị trường, đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến, đảm bảo chất lượng sản phẩm và giá thành hợp lý cho người tiêu dùng trong dịp Tết.