Vĩnh Long đưa hàng hóa bình ổn giá về nông thôn
Ông Nguyễn Văn Còn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long cho biết, thực hiện Chương trình bình ổn thị trường hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2017 gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đăng ký cung ứng một số nhóm mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết với mức giá bình ổn.
Trong đó, Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn-Vĩnh Long (Co.opMart) chuẩn bị các mặt hàng như thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, đường, dầu ăn, bánh mứt kẹo… với giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ Tết khoảng 2 tỷ đồng/tháng; dự kiến tổ chức 5 phiên chợ hàng Việt về nông thôn và 6 điểm bán hàng lưu động về các xã vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết của người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ khó khăn. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng phối hợp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương tham gia chương trình bình ổn giá tại các chợ truyền thống, sẵn sàng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung cấp hàng hóa đầy đủ trong dịp Tết.
Các mặt hàng thương hiệu Việt được người tiêu dùng ưu tiên chọn mua trong dịp Tết tại Vĩnh Long. Ảnh:Huỳnh Kim Phượng/TTXVN |
Theo ông Nguyễn Văn Còn, chương trình bình ổn thị trường Tết Nguyên đán 2017 tại Vĩnh Long sẽ kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2017, bao gồm các mặt hàng như: lương thực, thịt gia súc, thịt gia cầm, cá, trứng, dầu ăn, đường, thực phẩm chế biến… Số lượng hàng hóa tham gia bình ổn tăng bình quân khoảng 20% so với tháng bình thường trong năm.
Hàng hóa phục vụ trong chương trình phải đảm bảo đầy đủ chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Giá bán các mặt hàng trong chương trình phải đảm bảo bằng hoặc thấp hơn giá bán các mặt hàng cùng chủng loại, chất lượng và cùng thời điểm trên thị trường 5% trong suốt thời gian thực hiện chương trình. Trường hợp khi giá cả mặt hàng nào đó biến động tăng bất thường trên thị trường thì các doanh nghiệp tham gia bình ổn phải giữ nguyên giá bán mặt hàng đó và báo cáo về các sở, ngành tỉnh có liên quan để xem xét điều chỉnh khi cần thiết.
Kon Tum hỗ trợ 12 tỷ đồng bình ổn giá thị trường
Tỉnh Kon Tum hỗ trợ 12 tỷ đồng vốn vay cho Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Kon Tum và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Anh Thi để thực hiện chương trình bình ổn thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017. Có 4 nhóm mặt hàng tham gia dự trữ, gồm 35 tấn lương thực (gạo, nếp, đậu các loại); thực phẩm công nghệ (đường, muối, sữa các loại cùng dầu ăn, bột ngọt, hạt nêm...
Năm nay, Kon Tum có 12 điểm cố định và 9 điểm bán hàng lưu động bán hàng bình ổn giá. Dự báo lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán tương đối đầy đủ, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu ít biến động, không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Dự kiến, số lượng hàng hóa tham gia bình ổn tăng bình quân khoảng 15 - 20% so với tháng thường trong năm.
Chương trình bình ổn thị trường những tháng cuối năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán năm 2017 gắn với việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, còn có 3 đơn vị doanh nghiệp khác trong tỉnh cũng đăng ký chương trình bình ổn giá hàng hóa Tết Nguyên Đán 2017 với tổng lượng vốn 74,9 tỷ đồng.
Ninh Bình triển khai 110 điểm bán hàng
Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình đã triển khai 110 điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Theo đó, nhằm chủ động theo dõi, dự báo nguồn cung, nhu cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị thường xuyên khảo sát, theo dõi diễn biến giá cả thị trường và làm việc với các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực phân phối mặt hàng công nghệ phẩm, mặt hàng thiết yếu để có kế hoạch dự trữ hàng phục vụ Tết Nguyên đán.
Hiện tại đã có 7 doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng thiết yếu, một số siêu thị, trung tâm thương mại đã có kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, bánh kẹo, nước mắm, mỳ tôm, dầu ăn, bia, nước ngọt, xăng dầu, khí đốt... với tổng trị giá gần 400 tỷ đồng. Tỉnh Ninh Bình đã dành 250 triệu hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp lớn dự trữ hàng hóa kể trên.
Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, nhìn chung tình hình thị trường Tết năm nay tương đối ổn định, giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không có biến động lớn; dự báo nhu cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán sẽ tăng từ 15 đến 20% so với mức tăng bình quân của các tháng trong năm.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Công, dịp này, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình cũng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thị trường, tập trung kiểm tra các điểm bán hàng bình ổn giá theo kế hoạch; xử lý nghiêm những điểm bán hàng bình ổn giá nếu bán hàng không theo giá niêm yết đã đăng ký với Sở Công thương; tăng cường kiểm tra, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Đợt cao điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân được thực hiện từ nay đến rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu.
Phú Thọ bình ổn thị trường cuối năm
Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ đã giao kế hoạch cho 8 đơn vị tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết theo chương trình bình ổn giá. Theo đó, các doanh nghiệp này đã chủ động dự trữ những mặt hàng thiết yếu theo nhu cầu của thị trường với trị giá trên 473 tỷ đồng. Bên cạnh đó nhiều trang trại, hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn cũng đã dự trữ mặt hàng gia súc, gia cầm với tổng trị giá trên 60 tỷ đồng đảm bảo cung ứng cho người dân trong dịp tết Nguyên đán.
Giá bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn phải thấp hơn ít nhất từ 3-5% so với giá thị trường tại cùng thời điểm của sản phẩm có cùng quy cách chất lượng.
Theo kế hoạch, nhóm mặt hàng tập trung bình ổn thị trường dịp này bao gồm 7 mặt hàng chính: Gạo tẻ, dầu ăn, đường kính, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thực phẩm qua chế biến, thịt lợn, thịt gia cầm. Chương trình bình ổn giá sẽ mở rộng điểm bán hàng bình ổn tại 13 huyện, thành, thị, giúp người dân có cơ hội tiếp cận với nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu với giá cả hợp lý. Mỗi huyện, thành, thị có từ 1 đến 3 điểm bán hàng, riêng tại thành phố Việt Trì từ 5 đến 8 điểm. Các điểm bán hàng bình ổn ưu tiên đặt tại các khu vực tập trung người lao động có thu nhập thấp, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; được treo biển hiệu nhận diện riêng do Sở Công Thương quy định và có niêm yết giá đầy đủ.
Chương trình bình ổn giá Tết Đinh Dậu 2017, tỉnh Phú Thọ sẽ không sử dụng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ mà được thực hiện thông qua chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai nhanh các sản phẩm tín dụng phù hợp, ưu tiên, tạo điều kiện đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp được lựa chọn và cam kết thực hiện chương trình bình ổn giá. Tranh thủ các nguồn vốn và cân đối để áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn ưu đãi từ 5 đến 6% hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chương trình.