Đến năm 2025 sẽ khắc phục cơ bản hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Mùa khô năm 2019-2020 đã khiến Đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán, xâm nhập mặn lớn nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, với sự dự báo chính xác, chủ động vào cuộc sớm cùng các giải pháp kịp thời đã giúp vùng này giảm được rất nhiều thiệt hại.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã có những chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về bài học kinh nghiệm cũng như những giải pháp để vùng này sớm kiểm soát được hạn mặn và sụt lún.

Chú thích ảnh
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh từ tháng 12/2019; liên tục tăng cao cho đến nay và hiện đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Mạnh Linh

Mùa khô năm 2019-2020 ở Đồng bằng sông Cửu Long đã phải chịu trận hạn mặn vượt lịch sử mùa khô năm 2015-2016, Thứ trưởng đánh giá như nào về đợt hạn mặn này và dự báo thời gian tới?

Hạn mặn năm 2019-2020 ở khu vực này chúng tôi đánh giá là hạn mặn lịch sử, lớn nhất từ trước đến nay.

Hạn mặn năm 2019-2020 đến sớm hơn so với cùng kỳ trong nhiều năm hơn một tháng và vào rất sâu. Điển hình, Bến Tre đến thời điểm này toàn bộ sông Hàm Luông vẫn bị mặn mà chưa bao giờ khu vực này bị như vậy, mặn vào sâu bình quân 70 km và rút rất chậm. Hàng năm, khoảng giữa tháng 4, khu vực này đã hết hạn mặn nhưng nay, ngành dự báo phải hết tháng 5 mới có khả năng có mưa lớn từ thượng nguồn và mưa nội địa thì mới có thể giảm hạn mặn này.

Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn chủ động do đã dự báo rất đúng và rất sớm. Ngay từ tháng 9/2019, chúng ta đã bắt đầu triển khai các hoạt động để phòng, chống hạn mặn. Chính vì dự báo sớm và dự báo đúng cùng các pháp chủ động đến thời điểm này thiệt hại khẳng định là giảm thiểu ở mức tốt nhất. 

Diện tích lúa bị giảm năng suất từ 30 - 70% khoảng gần 60.000 ha; trong đó có rất ít diện tích bị thiệt hại 100%, cây ăn trái cơ bản không bị ảnh hưởng. Chỉ có 1,7 ha cây ăn trái ở Chợ Lách - Bến Tre có ảnh hưởng nhưng bà con đã chuyển sang cây trồng khác. 

Về nước sạch có khoảng 96.000 hộ dân bị thiếu nước do ảnh hưởng hạn mặn nhưng không có hộ dân nào không có nước sạch. 

Vậy qua đây chúng ta có thể rút ra những bài học gì, thưa Thứ trưởng?

Có thể nói là để thành công, yếu tố đầu tiên là tính chủ động. Bây giờ, biến đổi khí hậu và tính dị thường của thời tiết sẽ càng ngày càng khó dự báo. Vì vậy, nếu chúng ta không chủ động thì chắc chắn sẽ không thể ứng phó. Sự chủ động ở đây, đặc biệt là sự chủ động của người dân, các cấp chính quyền và chủ động trong dự báo, cảnh báo sớm, đúng.

Bài học thứ hai là chúng ta phải kết hợp các giải pháp, kể cả là giải pháp công trình, phi công trình, cả ngắn hạn và dài hạn. Nếu như chỉ lựa chọn giải pháp ngắn hạn mà không dài hạn thì sẽ không bền vững. Các giải pháp công trình mà không tính đến các giải pháp phi công trình thì sẽ không có hiệu quả. 

Chú thích ảnh
Ông Phùng Văn Hùng Anh ở xã Mỹ Nhơn (huyện Ba Tri) trồng 20 công lúa đều bị thiệt hại do hạn mặn và không thể thu hoạch. Ảnh: Mạnh Linh

Rất nhiều công trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã được đưa vào đúng đợt hạn mặn vừa qua nên giảm thiểu rất lớn những vùng ảnh hưởng. Các công trình đã điều tiết mặn-ngọt cho khoảng hơn 300.000 ha lúa. Nếu không các công trình này thì có hàng trăm nghìn ha lúa sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, bị thiệt hại.

Giải pháp về công trình trong dài hạn là phải làm thế nào kiểm soát được mặn –ngọt.  Như vậy các công trình đầu tư dài hạn sẽ phải đảm bảo được phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp và đúng với mục tiêu: nước mặn, nước lợ cũng là nguồn tài nguyên chứ không chỉ nước ngọt là tài nguyên. 

 Với giải pháp phi công trình, như tôi đã nói đó là sự chủ động của người dân. Để người dân chủ động thì cần tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức. Nếu chúng ta chủ động trong dự báo nhưng người dân không tham gia thì cũng rất khó.

Chúng tôi thấy rằng giải pháp ngắn hạn của các tỉnh để trữ nước ngọt là đắp đập tạm, điển hình Kiên Giang vừa qua đã có 197 đập tạm để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và địa phương này cơ bản không có hộ dân bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt. Đây là giải pháp ngắn hạn rất tốt.

Còn dài hạn, chúng ta phải tính toán để bố trí cân bằng nước ở góc độ không tập trung. Đó là phải cân bằng nước đến hộ gia đình, đến huyện, đến xã. Bộ sẽ cùng với tỉnh để thiết kế các công trình vĩnh cửu thay việc cứ mãi phải đi đắp đập tạm.

Các công trình thủy lợi đã phát huy khá tốt. Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm về các công trình sẽ được đầu tư trong thời gian tới và đến thời điểm nào chúng ta có thể kiểm soát được tình trạng hạn mặn?

Bộ Nông nghiệp đang đầu tư là 11 hệ thống công trình thuỷ lợi tại Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó 5 công trình đã đưa vào sử dụng sớm trước từ 5 - 14 tháng trong đợt hạn mạn này. 

Các công trình đang đầu tư sẽ được đẩy mạnh triển khai để khi phát huy hiệu quả đầy đủ có thể điều tiết sản xuất cho khoảng 1 triệu ha lúa và cây ăn trái, cũng như vùng nuôi trồng thuỷ sản. Bởi hiện rất nhiều vùng con tôm là thế mạnh nhưng chỉ nuôi được 1 vụ do mặn cao.

Về trung hạn 2021-2025, ngành đang bàn với các tỉnh để tập trung đầu tư các hệ thống thuỷ lợi liên vùng, mang tính động lực để góp phần vào việc tái cơ cấu nông nghiệp và đảm bảo khắc phục được tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.

Bởi vậy, ngành sẽ đầu tư giai đoạn I của Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé để điều tiết mặn ngọt cho toàn bộ Hậu Giang và một phần của Kiên Giang và Cà Mau; đồng thời nghiên cứu để chuyển nước ngọt cho tỉnh Cà Mau. Các hệ thống thủy lợi liên tỉnh được đầu tư sẽ nhằm mục tiêu điều tiết các nguồn nước để đến năm 2025 sẽ khắc phục cơ bản tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ giải quyết được câu chuyện này. 

Chú thích ảnh
Suốt hơn 3 tháng qua, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phải gồng mình với hạn mặn, thiệt hại vẫn đang tiếp diễn. Hiện các ngành chức năng đang tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó, nhất là cung cấp nguồn nước ngọt cho người dân để đảm bảo sinh hoạt, ổn định cuộc sống. Trong ảnh: Công trình cống Kênh Trục 418 huyện Ba Tri thuộc hệ thống kiểm soát mặn các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) có kinh phí gần 10 tỷ đồng được khởi công ngày 14/6/2019, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 28/5/2020. Ảnh: Mạnh Linh

Để đầu tư, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ chi khoảng 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi đang bàn với một số định chế tài chính nước ngoài như: World Bank, ADB để có một số nguồn vốn vay, đặc biệt là tập trung vào nguồn nước sạch cho Đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu là trong vòng hai năm tới giải quyết được câu chuyện thiếu nước sinh hoạt.

Qua các đợt hạn mặn lịch sử vừa qua, Thứ trưởng có nhìn nhận gì về chiến lược nguồn nước cho khu vực này?

Thực ra chúng ta đã bàn tới việc này và đến thời điểm này thì càng cần phải đặt ra một bài toán, một câu chuyện về an ninh nguồn nước. 

An ninh nguồn nước đặt ra trong rất nhiều phương diện, nhưng có hai yếu tố chính là đảm bảo đủ nước, chủ động cân đối được nguồn nước và nguồn nước không được ô nhiễm.

Đối với Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm nguồn nước về khoảng 350 tỷ m3; trong đó 2/3 là từ nước ngoài về. Trong khi đó mỗi năm vùng này chỉ dùng hết 20 tỷ m3. Vậy tại sao chúng ta lại thiếu nước, đây là điều vô lý cho vùng này.

Lý do thiếu nước đầu tiên là với thời tiết cực đoan như năm nay, ngay thượng nguồn sông Mekong không có mưa và các nước thượng nguồn cũng bị hạn. Thứ hai là biến đổi khí hậu và nước biển dâng, triều cường lên quá cao nên mặn vào sâu và không rút ra được.

Vùng này thường thiếu nước từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, chính vì thế bằng các giải pháp điều tiết đảm bảo an ninh nguồn nước, Bộ sẽ cùng với các tỉnh, nhà nghiên cứu tìm giải pháp đầu tư. Những công trình quan trọng, không nuối tiếc sẽ làm trước. Còn những công trình có thể gây ra những tác động ảnh hưởng thì phải tính toán cụ thể và đầu tư sau.

Hiện tượng sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng hơn khi nó xuất hiện cả trong sâu khu vực dân cư, Bộ nhìn nhận và đánh giá vấn đề này như thế nào? 

Hiện sụt lún cũng là một vấn đề lớn, có một số tỉnh chứ không chỉ Cà Mau. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với Cà Mau và các cơ quan nghiên cứu để đưa ra nguyên nhân cụ thể. 

Nguyên nhân cơ bản hiện nay là bắt nguồn từ hạn hán. Do bị hạn nên toàn bộ mực nước ngầm của khu vực này gần không có. Lúc ấy, toàn bộ kết cấu nền đất thay đổi, dẫn đến sụp đổ. Đây là một vấn đề lớn và để giải quyết được việc này thì chắc chắn là chúng ta phải làm thế nào để đất và nước ở trạng thái tự nhiên nhất của nó có thể. 

Cà Mau đã từng đề nghị là bơm nước mặn để có nguồn nước nền nhằm tránh sụt lún. Nhưng sau khi nghiên cứu việc bơm nước mặn vào thì sau này việc xử lý môi trường sẽ rất lâu và chưa có cách nên chưa tính giải pháp này. Ngành đang bàn với Cà Mau quy hoạch lại toàn bộ khu vực Trần Văn Thời, U Minh để có kế hoạch sản xuất. Trong trung hạn 2021-2025, ngành có giải pháp chuyển nước từ nơi khác về cho Cà Mau để giải quyết bài toán sụt lún của nơi này.

Bên cạnh đó, Bộ cũng bàn với các tỉnh chia thành các khu vực sản xuất cụ thể: nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Khi tỉnh xác định được sẽ tìm giải pháp đảm bảo nguồn nước cho khu vực đó trong mùa hạn.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Bích Hồng (TTXVN)
Tặng bồn chứa nước cho các hộ dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi hạn mặn tại Sóc Trăng
Tặng bồn chứa nước cho các hộ dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi hạn mặn tại Sóc Trăng

Ngày 9/5, Báo Tuổi trẻ phối hợp với UBND huyện Mỹ Xuyên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Tỉnh đoàn Sóc Trăng trao 300 bồn chứa nước đến 300 hộ dân của 3 xã Thạnh Quới, Thạnh Phú và Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN