Mô hình kinh tế tuần hoàn
Tại hội thảo Động lực phát triển kinh tế năm 20223 do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế, BĐS phân tích, giá trị sản xuất ngành Xây dựng, BĐS luôn có mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng đóng góp lớn GDP cho đất nước và đang góp phần tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu đầu tư công, tham gia vào 3 đột phá của nền kinh tế, về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, có mặt trái là ảnh hưởng của rác thải vật liệu xây dựng đang gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu, cần nhiều loại vật liệu thô được khai thác mới để bổ sung và nâng cao nhận thức cho các chủ đầu tư trong sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.
Song, nguồn vật liệu thô này không vô hạn, sự suy giảm tài nguyên, sử dụng năng lượng quá tải, ô nhiễm đất, nước và không khí, sự tăng dân số và đô thị hóa lại đang đe dọa đến mọi nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2020 do Ngân hàng Thế giới công bố những thiệt hại của nền kinh tế bởi thảm họa về môi trường tại Việt Nam cho biết, ô nhiễm nước gây thiệt hại 3,5% GDP và ô nhiễm không khí đã gây tổn thất khoảng 5,18% GDP...
Để giải quyết các bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường, giảm khai thác nguồn tài nguyên hữu hạn thì mô hình kinh tế tuần hoàn đang được các cấp chính quyền đô thị và tập đoàn kinh tế, BĐS từng bước khai thác. Mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình sản xuất và tiêu dùng, gồm: Chia sẻ, cho thuê, tái sử dụng, sửa chữa, làm mới, tái mục đích và tái chế các nguyên vật liệu và sản phẩm hiện có lâu nhất có thể, nhằm kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm tối đa lượng rác thải vật liệu, tăng giá trị vật liệu ban đầu. Đơn giản hơn, kinh tế tuần hoàn là biến rác của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xây dựng.
Kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị doanh nghiệp; giảm khai thác tài nguyên; giảm chi phí xử lý chất thải; bảo vệ môi trường; thúc đẩy phát triển kinh tế vĩ mô, tăng lợi ích xã hội. Mô hình này mang lại công cụ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, sự suy giảm đa dạng sinh học, trong khi vẫn hướng đến nhu cầu quan trọng của xã hội; đồng thời, giúp gia tăng tài sản, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy sự phục hồi, trong khi vẫn cắt giảm lượng khí thải nhà kính, rác thải và ô nhiễm.
Tại Việt Nam, khái niệm mô hình Kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện từ cách đây 20 năm dưới những chương trình khác nhau như: Mô hình VAC (Vườn – Ao – Chuồng), khu công nghiệp sinh thái, sản xuất sạch hơn, không phát thải. Do vậy, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, "việc lựa chọn mô hình kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh phục hồi, phát triển kinh tế, nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững".
Động lực từ những công trình xanh tại Việt Nam
Theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), đến thời điểm này, cả nước có 250 công trình xây dựng, BĐS đã được đăng ký và chứng nhận công trình xanh (Lotus) theo Bộ quy chuẩn quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả. Đơn cử như những công trình: Trường liên cấp Genesis trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Tây Hồ (Hà Nội); Trường Quốc tế Concordia ở huyện Đông Anh (Hà Nội); Khu đô Thị Văn hóa – Thương mại – Du lịch Làng Sen Việt Nam và dự án Diamond Lotus Riverside của Công ty CP Đầu tư và xây dựng Phúc Khang; Nhà máy Đồng Phú Cường ở Cụm Công nghiệp Phú Cường (Đồng Nai), Văn phòng Apple tại TP Hồ Chí Minh; dự án Trường Mầm non TD do Capital House đầu tư...
Con số các công trình xanh của Việt Nam nêu trên quá khiêm tốn so với số lượng công trình đã được xây dựng hiện nay đưa vào hoạt động và so với tiềm năng, cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Song, trong quá trình khai thác, sử dụng Công trình xanh đang là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực xây dựng, khi các công trình ngày càng thể hiện trách nhiệm của chủ đầu tư cao hơn với tài nguyên thiên nhiên, với môi trường, hệ sinh thái và với chất lượng cuộc sống con người thông qua các nỗ lực toàn diện trên các khía cạnh: Thiết kế, thi công, sản xuất thiết bị, công nghệ, vật liệu, chính sách và tài chính.
Xu hướng thiết kế và xây dựng xanh ở Việt Nam đang ngày càng phát triển ở nước ta. Các kiến trúc sư hiện nay đã có nhiều sáng tạo trong thiết kế các ngôi nhà “xanh” nhờ: Thông thoáng hơn, nhiều cây xanh hơn, cách nhiệt tốt hơn. Đây chính là nhóm giải pháp thiết kế thụ động (không dùng thiết bị, công nghệ, mà bằng các giải pháp thiết kế thi công để cải tạo vi khí hậu). Song, thực tế hiện nay, các công trình xanh ở Việt Nam đang là tự nguyện, tự lực của các chủ đầu tư, không có hướng dẫn, quy định hay khuyến khích bằng thưởng phạt gì từ các cơ quan Nhà nước.
Theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng Phúc Khang, xây dựng công trình xanh vừa là động lực, vừa là phương tiện để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Việt Nam đã và đang có những nỗ lực tạo ra một hướng đi cho công trình xanh thể hiện qua các chiến lược, định hướng, kế hoạch hành động của Nhà nước về công trình xanh như: Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh, Nghị quyết về Phát triển bền vững, Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030… Tuy nhiên, những định hướng vẫn chỉ là những chỉ dẫn chung, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng cho công trình xanh về tiêu chí xác định, cũng như các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển công trình xanh, mặc dù nội dung phát triển công trình xanh đã được đưa vào Luật Xây dựng (sửa đổi, tháng 6/2020).
Do đó, xây dựng khung pháp lý cho dự án công trình xanh ở Việt Nam là vấn đề cấp thiết nhằm nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện, chính xác những thành quả cũng như những hạn chế trong các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về công trình xanh. Thông qua đó, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư xây dựng công trình xanh tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triền kinh tế tuần hoàn nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tạo xu hướng phát triển công trình xanh, cùng nhau kiến tạo nên Việt Nam xanh và bền vững hơn.
Gần đây, Luật Xây dựng sửa đổi (2020) cũng một lần nữa khẳng định quan điểm khuyến khích phát triển công trình xanh, công trình năng lượng Liên hiệp quốc và củng cố vai trò của Bộ Xây dựng trong công tác này. Như vậy, công trình xanh đang có rất nhiều triển vọng và sẽ trở thành một trong những nội dung trọng tâm của Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam, cũng như chiến lược “xanh hoá” ngành Xây dựng, chuyển đổi thị trường xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.
"Hiện nay, với tình hình thực tiễn của Việt Nam chỉ cần yêu cầu chủ đầu tư các công trình xây dựng, BĐS làm Lotus theo Bộ quy chuẩn quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả ở mức đạt. Mức này không quá khó, chi phí phát sinh chỉ chiếm 1% tổng mức đầu tư. Với các doanh nghiệp khu vực đầu tư vốn tư nhân, tất cả các bộ công cụ khác vẫn có thể được áp dụng, được khuyến khích và tạo điều kiện", PGS.TS.KTS. Phạm Thúy Loan – Viện phó Viện Kiến trúc quốc gia nhận định.