Hội thảo có sự tham dự của hơn 1.200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đào tạo... cùng những doanh nghiệp sản xuất, phân phối vật liệu, thiết bị và công nghệ sử dụng trong các công trình xây dựng.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, công trình xanh là công trình xây dựng được thiết kế và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường sống bên trong công trình và bảo vệ môi trường bên ngoài công trình. Công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, là xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành của các công trình ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường. Riêng với lĩnh vực công trình xây dựng. việc khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh cũng đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP 26) vào cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ, đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0. Thực hiện các cam kết về giảm phát thải của Chính phủ, ngành Xây dựng đặt mục tiêu giảm phát thải hơn 74 triệu tấn CO2 trong 3 lĩnh vực là sản xuất vật liệu xây dựng, tòa nhà và quá trình công nghiệp.
Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khoảng 9%/năm và tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2021 đạt khoảng 40,5%, đã kéo theo những áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng. Về phát triển công trình xanh, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng trên 233 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 6 triệu m2 sàn xây dựng. Con số này quá khiêm tốn so với tổng số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Ngoài ra, hiện Việt Nam cũng chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0. Đó là thách thức lớn khi cái đích năm 2050 chỉ còn hơn 27 năm. Thực trạng này thúc đẩy Bộ Xây dựng đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp để giảm phát thải và phát triển công trình xanh trong các lĩnh vực của ngành như sản xuất vật liệu xây dựng, giảm tiêu thụ năng lượng trong các công trình xây dựng…
Nhiều đại biểu cũng mang đến Hội thảo các bài tham luận, về chính sách, hành động giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26 ở cấp độ quốc gia; kế hoạch và giải pháp thực hiện mục tiêu giảm phát thải của ngành Xây dựng; hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho các dự án xanh, công trình xanh; thúc đẩy các dự án công trình xanh, khu đô thị xanh….
Cùng với các bài trình bày và thảo luận chuyên đề, các đại biểu còn trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, thống nhất về các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, chứng nhận công trình xanh; đề xuất các cơ chế, chính sách, các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, giải pháp trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phát triển công trình xanh, tiến tới công trình phát thải ròng bằng 0.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng, Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho biết, mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược triển khai thực hiện kịp thời mục tiêu này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen.
Việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi phải chuyển đổi việc khai thác, sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng ít phát thải, tăng hấp thụ khí nhà kính. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để quá trình chuyển đổi là công bằng, không để ai bị bỏ lại phía sau, bảo đảm sinh kế và khả năng tiếp cận năng lượng với giá phải chẳng cho người dân, nhất là người có thu nhập thấp. Ngoài ra, các cấp, ngành còn phải xây dựng kế hoạch hỗ trợ những nhà máy sử dụng công nghệ cũ chuyển đổi sang công nghệ “xanh” một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất; hỗ trợ các mặt hàng xuất khẩu được sản xuất bằng nguồn năng lượng “cũ” để tránh việc chịu thuế cai tại các thị trường yêu cầu “sản xuất xanh” như châu Âu, Hoa Kỳ...
Ông Phạm Văn Tấn đề nghị, ngành Xây dựng cần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi xanh với chuyển đổi số và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm khác; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nguồn lực trong nước và ngoài nước, nguồn lực nhà nước và tư nhân, truyền tải được tinh thần chuyển đồi xanh tới các bộ, ngành, địa phương và người dân, đồng thời phải tận dụng, tranh thủ, phát huy sự quan tâm, ủng hộ của các quốc gia, đối tác, tổ chức tài chính quốc tế trong việc hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP 26.
Còn theo ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNDP tại Việt Nam, dân số đô thị của Việt Nam hiện nay là 55% và dự kiến đạt 68% vào năm 2050. Các đô thị hiện cũng đóng góp khoảng 70% tổng lượng phát thải khí nhà kính do tiêu thụ nhiều năng lượng và tạo ra lượng lớn rác thải. Do đó, giảm tiêu thụ năng lượng ở các đô thị sẽ góp phần quan trọng vào thực hiện các cam kết quốc tế, chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Ông Đào Xuân Lai cho biết, nhằm hỗ trợ ngành Xây dựng trong việc giảm phát thải ra môi trường, UNDP đã và đang xây dựng nhiều sáng kiến, dự án thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam. Tiêu biểu có thể kể đến Dự án Chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sản xuất gạch không nung, vật liệu xây dựng được thực hiện từ năm 2019. Ngoài ra, còn nhiều mô hình, dự án tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng và trong chiếu sáng; thúc đẩy giao thông xanh và giao thông điện; thúc đẩy đầu tư vào năng lượng thay thế trong các doanh nghiệp tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ… sẽ được tiến hành trong thời gian tới.
Kết thúc Hội thảo, Bộ Xây dựng cảm ơn sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan, tổ chức đã cũng đồng hành với Bộ trong việc tổ chức sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 nói riêng và các hoạt động thúc đẩy phát triển công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường nói chung. Bộ Xây dựng mong muốn sự kiện Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam sẽ trở thành sự được tổ chức thường niên nhằm tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của các bên liên quan và thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển công trình xanh, đô thị xanh, thể hiện nỗ lực và đóng góp thiết thực của ngành Xây dựng vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của đất nước.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra buổi triển lãm mô hình tòa nhà xanh ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng cùng nhiều giải pháp giảm phát thải hiện đại đến từ hơn 30 nhà cung cấp uy tín trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm, giải pháp được nhiều đại biểu, khách tham quan đón nhận, đánh giá cao như: sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng giúp tiết kiệm đến 51% điện năng, sản phẩm sơn thân thiện với môi trường, hệ thống xử lý không khí ô nhiễm không thải ra môi trường, vữa tô nội thất không dùng cát và tiết kiệm nước…