Các thành phố trên thế giới hiện chiếm 3% diện tích bề mặt trái đất nhưng lại chiếm hơn 70% tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển. Để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5°C hoặc thấp hơn, các thành phố phải đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Chính phủ Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến hết quý II năm 2023, có khoảng 300 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của Lotus (VGBC), Edge (IFC-WB), LEED (Hội đồng CTX Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore) với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7 triệu m2. Việt Nam hiện đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được chứng nhận LEED.
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhận xét, con số này vẫn quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường. Hiện Việt Nam chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, việc phát triển công trình xanh thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ngoài những tác động của đại dịch COVID-19, sự phát triển chậm lại của thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm sút, các chủ đầu tư dự án công trình xanh còn gặp khó khăn về tiếp cận và đảm bảo nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh.
Cùng đó là tình trạng thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh; chưa có quy định bắt buộc dán nhãn, đánh giá chứng nhận các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng để đưa vào sử dụng trong công trình…
Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) nhận xét, quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Nghị định 21/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản liên quan có đối tượng áp dụng còn hẹp. Nhiều quy định mang tính khuyến khích tự nguyện áp dụng, còn thiếu các quy định có tính bắt buộc và chế tài đủ mạnh để yêu cầu thực hiện những nội dung về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể ở cấp Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để triển khai toàn diện nội dung, nhiệm vụ về tiết kiệm năng lượng. Trong khi mục tiêu đặt ra cao nhưng nguồn lực con người, tài chính cho chương trình tiết kiệm năng lượng còn hạn chế, cả ở cấp trung ương và địa phương. Đó là chưa kể đến, nhận thức và năng lực thực thi các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp về tiết kiệm năng lượng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Cùng đó, vướng mắc về cơ chế tài chính cũng đang là rào cản. Thời gian tới, dự kiến nguồn vốn xanh sẽ tiếp tục mở rộng vào các doanh nghiệp, theo kế hoạch sẽ ban hành vào cuối năm 2023. Hiện các doanh nghiệp mong chờ những cơ chế chính sách mạnh hơn của Chính phủ, ưu đãi thêm cho đối tượng công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng, sản phẩm, thiết bị, vật liệu tiết kiệm năng lượng tiếp cận được vốn ưu đãi – ông Thịnh cho hay.
Là địa phương đứng thứ 2 cả nước về số lượng công trình xanh với 40/300 công trình, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng đề xuất lập kế hoạch huy động nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư xây dựng phát triển đô thị tăng trưởng xanh. Trong số đó, tập trung đầu tư phát triển đô thị theo các chương trình mục tiêu, nâng cao hiệu quả kết nối đô thị - nông thôn; đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông xanh, xử lý rác thải, nước thải đô thị.
Cùng đó, chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo các khu dân cư thu nhập thấp; lập kế hoạch và đầu tư xây dựng không gian công cộng đô thị, xanh hóa cảnh quan…; có kế hoạch ứng dựng công nghệ thông tin, công nghệ công trình xanh vào quá trình quy hoạch, thiết kế, thi công.
Dưới một góc nhìn khác, ông Patrick Liu - Giám đốc điều hành Hội đồng Công trình xanh cho rằng, không khó để thấy được lợi ích về công trình xanh đối với người sử dụng, nhất là người sử dụng cuối. Thách thức đặt ra ở đây là làm thế nào để người sử dụng nhà bình thường có thể chi thêm kinh phí để sống trong công trình xanh. Muốn vậy, cần có chính sách rõ ràng từ chính phủ; tuyên truyền rộng về lợi ích của công trình xanh và tính toán điều chỉnh thuế có lợi cho người tiêu dùng chọn sử dụng loại công trình này. Ngoài ra có thể nghĩ đến một số phương pháp marketing để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 đã đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh và đến năm 2030 con số này là 150 công trình.
Như vậy công trình xanh, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu được xác định là những chủ đề quan trọng trong ngành xây dựng và phát triển đô thị hiện nay và giữa các chủ đề có sự tương tác trực tiếp lẫn nhau. Ưu tiên và thúc đẩy phát triển công trình xanh sẽ đảm bảo quá trình đô thị hoá không chỉ có lợi cho người dân hiện tại mà còn cho thế hệ tương lai và môi trường tự nhiên.