Hà Nội hướng tới loại bỏ xe máy chạy xăng. Ảnh: Quang Phong/Báo Tin tức và Dân tộc
Thị trường ô tô, xe máy xăng “đứng hình”, tâm lý người dân dao động
Trong khi thị trường xe điện ghi nhận sự quan tâm tăng cao, các đại lý ô tô và xe máy xăng - cả mới lẫn cũ - tại Hà Nội đang đối mặt với làn sóng người mua hủy cọc, trả xe, thậm chí bỏ tiền đặt cọc.
Anh Trần Thủy (Ba Đình) cho biết vừa mua chiếc Honda SH trị giá 74 triệu đồng để tặng con trai, nhưng do chưa kịp đăng ký xe thì nghe tin cấm xe máy vào khu vực Vành đai 1 từ năm sau. “Tôi đã liên hệ đại lý để trả lại xe, nhưng họ từ chối vì xe đã xuất hóa đơn”, anh chia sẻ.
Trường hợp của anh Lê Văn Thành (Nam Từ Liêm) cũng tương tự. “Tôi mới mua chiếc Yamaha NVX hơn 55 triệu đồng, giờ nghe tin cấm xe xăng mà lo sốt vó. Xe chạy chưa được 500 km mà muốn bán lại đã lỗ nặng. Để lâu nữa thì chắc chắn càng mất giá".
Không chỉ xe máy, người dùng ô tô cũng đang mất phương hướng. Ông Đoàn Anh Dũng - đại diện showroom C3 Auto (chuyên kinh doanh ô tô cũ) chia sẻ hiện có khá nhiều khách hàng bị dao động và hủy cọc xe do lo ngại về tương lai của xe sử dụng nhiên liệu truyền thống: “Riêng ngày hôm qua (14/7), tôi nhận đến mười mấy cuộc gọi liên quan đến thông tin bán xe động cơ đốt trong, kể cả những xe đời mới. Trong một ngày, có tới 7 khách hàng hủy cọc hoặc trả lại xe trong tổng số khoảng 40 xe đang có trong kho. Có những khách hàng đã cọc vẫn bỏ tiền để không lấy xe".
Nguyên nhân, theo ông Dũng, là do nhiều khách hàng hiểu sai nội dung Chỉ thị: "Chỉ thị 20 nêu rõ: Lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1. Từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy và đặc biệt là hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2, chứ chưa phải là cấm hẳn".
Dù vậy, tâm lý phòng thủ đã lan nhanh trong giới kinh doanh xe. “Tuần này, chúng tôi sẽ giảm nhập xe, nhất là xe đắt tiền, để hạn chế rủi ro. Giá bán có thể phải điều chỉnh theo hướng cạnh tranh hơn để đẩy hàng sớm”, đại diện C3 Auto chia sẻ.
Ở góc nhìn khác, ông Hoàng Shin - đồng sở hữu sàn ô tô Mỹ Đình - cho rằng tình hình không đến mức tiêu cực. “Chúng tôi vẫn bán bình quân 40 - 50 xe mỗi tháng. Người mua vẫn có nhu cầu thật. Chỉ thị hiện mới là định hướng dài hạn, chưa tác động ngay lập tức tới toàn thị trường".
Thách thức từ chi phí cao hạ tầng yếu, người dân cần hỗ trợ chuyển đổi
Chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện không chỉ là bài toán phương tiện, mà kéo theo loạt vấn đề về tài chính, hạ tầng, kỹ thuật, pháp lý và cả thói quen tiêu dùng.
Theo ông Phạm Văn Tuấn (Ba Đình), rào cản lớn nhất là chi phí. “Xe điện giờ ít nhất cũng 600 - 700 triệu đồng. Tôi về hưu rồi, có 300 - 400 triệu đồng tiết kiệm mà cũng không đủ đổi xe. Mà nếu không đổi, sau này xe xăng không vào nội đô được thì cũng thành sắt vụn".
Không chỉ ô tô, nhiều người mua xe máy xăng trong vài tháng gần đây cũng đang “ngồi trên lửa”. Chị Mai Thị Huyền (Tây Hồ) chia sẻ: “Tôi vừa mua chiếc xe máy hơn 40 triệu đồng để đi làm. Giờ bán lại lỗ ít nhất 7 - 10 triệu đồng, để lâu hơn thì càng khó bán. Còn giữ thì sang năm không đi được vào nội đô, rất bất tiện".
Theo nhiều người dân, thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi hiện nay là chi phí đầu tư ban đầu quá cao, trong khi thu nhập chưa theo kịp giá cả thị trường. Bên cạnh đó là lo ngại về hạ tầng trạm sạc chưa đồng bộ. Hiện nay, nhiều khu dân cư, đặc biệt là chung cư cũ hoặc nhà ống, không đủ chỗ để lắp sạc tại nhà. “Chúng tôi không thể sạc xe trong hầm chung cư. Muốn có trạm sạc thì phải đi gửi ở trung tâm thương mại, tốn kém và bất tiện”, chị Nguyễn Linh (quận Cầu Giấy) chia sẻ.
Theo các chuyên gia trong ngành, Hà Nội đi đầu trong việc cấm xe nhiên liệu hóa thạch là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu không có lộ trình chuyển đổi phù hợp và các chính sách hỗ trợ đồng bộ thì người dân, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Từ thực tế này, nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ cần nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người dân để đổi xe, như: trợ giá khi đổi xe xăng sang xe điện, giảm thuế VAT cho xe điện, hỗ trợ lãi suất vay mua xe điện, hoặc miễn phí lắp đặt trạm sạc tại nhà cho người dùng đầu tiên. Ngoài ra, nên ban hành chính sách thu mua xe xăng cũ trước thời điểm cấm, giúp người dân bán lại xe dễ hơn và giảm áp lực tài chính khi chuyển đổi. Đồng thời kiến nghị đầu tư mạnh vào hệ thống trạm sạc công cộng tại khu dân cư, bến xe, trung tâm thương mại và trạm xăng cũ.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Tuấn cho rằng: “Chính sách xanh hóa giao thông là đúng hướng, nhưng cần đặt người dân và doanh nghiệp vào trung tâm. Việc chuyển đổi phải công bằng, linh hoạt và có lộ trình rõ ràng".
Chỉ thị 20 là bước khởi đầu của một cuộc cách mạng xanh trong giao thông đô thị. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả, các chuyên gia khẳng định phải có giải pháp toàn diện: Từ tài chính, hạ tầng, truyền thông đến sự vào cuộc đồng bộ hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Có như vậy, mục tiêu giao thông xanh mới thực sự trở thành hiện thực và bền vững.