TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập đang hướng đến là siêu đô thị dẫn dắt kinh tế vùng phía Nam.
Bài 1: Động lực mới cho phát triển vùng kinh tế phía Nam
Việc hợp nhất ba địa phương TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thành một siêu đô thị đánh dấu bước ngoặt lớn trong chiến lược phát triển vùng Đông Nam Bộ. Không chỉ là thay đổi về địa lý hành chính, quá trình này đặt ra yêu cầu cấp thiết về quy hoạch tổng thể, đồng bộ hạ tầng và khai thác tối đa lợi thế mỗi vùng để tạo động lực tăng trưởng mới cho cả khu vực phía Nam.
Kết hợp nhiều tiềm lực
Ông Võ Sơn Điền, Giám đốc điều hành tiếp thị Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex IDC, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bình Dương (BASI) cho biết, việc hợp nhất không đơn thuần là cộng gộp địa giới hành chính mà là sự kết nối hệ sinh thái, tiềm lực và nguồn lực giữa ba vùng phát triển khác nhau nhưng bổ sung lẫn nhau. Không gian mở rộng chính là cơ hội để tích hợp các mô hình thành công, lan tỏa đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh của cả vùng.
Theo ông Vũ Sơn Điền, Bình Dương từ lâu đã xây dựng nền tảng phát triển thông qua mô hình “ba nhà” gồm: nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp. Việc hình thành các trường đại học gắn với hệ sinh thái công nghệ, các trung tâm đổi mới sáng tạo và khu vực dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp là tiền đề quan trọng để đón đầu xu thế kinh tế số.
Với sự sáp nhập, các mô hình này có điều kiện nhân rộng ra toàn TP Hồ Chí Minh mới, đặc biệt tại những khu vực đang phát triển như Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo ông Trịnh Đình Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), điểm mạnh của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ là có cảng biển, dầu khí, du lịch, logistics nhưng cộng đồng doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa, còn thiếu kết nối với các chuỗi giá trị lớn.
“Việc sáp nhập không chỉ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu gia nhập các mạng lưới công nghệ, tiếp cận cơ sở dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo và nền tảng chuyển đổi số”, ông Cường cho biết.
Theo ông Cường, lợi thế địa lý Bà Rịa - Vũng Tàu với hệ thống cảng nước sâu như Cái Mép - Thị Vải kết nối với trung tâm công nghiệp Bình Dương và đầu mối tài chính TP Hồ Chí Minh sẽ tạo nên tam giác phát tri ển mạnh mẽ, tích hợp nhiều ngành nghề, thúc đẩy năng suất toàn vùng. Ngoài ra, sự mở rộng chưa từng có về không gian, dân số và lĩnh vực kinh tế của TP Hồ Chí Minh mới cũng đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về mô hình quản trị linh hoạt, cơ chế đầu tư đổi mới và tầm nhìn quy hoạch dài hạn. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh mới cần có cơ chế vận hành mang tính tích hợp vùng để tạo thế cân bằng, phân mảnh khi phát triển kinh tế - xã hội và xứng đáng là siêu đô thị phía Nam.
Phát triển đa trung tâm
Tiến sĩ, kiến trúc sư Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết, sau khi sáp nhập thành siêu đô thị, thách thức lớn nhất của TP Hồ Chí Minh mới nằm ở sự khác biệt sâu sắc giữa ba địa phương. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh thiên về tài chính, ngân hàng, công nghệ cao; Bình Dương mạnh về công nghiệp chế biến, chế tạo; còn Bà Rịa - Vũng Tàu nổi bật với du lịch và cảng biển. Vì vậy, những nhà quản lý cần phải biết cách kết hợp những thế mạnh này thành một chiến lược phát triển tổng thể để tăng giá trị cộng hưởng. Nếu để mạnh ai phát triển đơn lẻ thì không thể tạo giá giá trị cộng hưởng, lan tỏa và khó dẫn dắt kinh tế toàn vùng phía Nam.
Theo ông Lê Quốc Hùng, muốn phát triển siêu thị, TP Hồ Chí Minh mới cần phải xây dựng mô hình phát triển đa trung tâm, trong đó mỗi khu vực phải có vai trò rõ ràng, được dẫn dắt bởi các tiểu ban phát triển vùng. Mỗi trung tâm không thể chỉ dừng lại ở cấp địa phương mà phải vươn lên tầm khu vực, ít nhất là về công nghệ, giáo dục, logistics hoặc du lịch cao cấp. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng phải được quy hoạch tích hợp, tránh chồng chéo và lãng phí nguồn lực.
TP Hồ Chí Minh cũ là nơi tập trung về tài chính, ngân hàng, công nghệ.
Ở góc độ khác, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền cho rằng, không gian phát triển mới đòi hỏi một cơ chế công - tư mới, mang tính đột phá hơn trong huy động nguồn lực và triển khai hạ tầng. “TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với áp lực hạ tầng rất lớn, trong khi khả năng giải ngân đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng. Cơ chế PPP hiện hành chưa đủ linh hoạt để xử lý các dự án lớn, mang tính liên ngành và liên cấp trong vùng đô thị mở rộng”, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền cho biết.
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền cũng cảnh báo rằng, hệ thống quy hoạch hiện nay thiếu tính tích hợp đa ngành, chưa cập nhật kịp tốc độ phát triển thực tế. Việc mở rộng không gian đô thị càng làm lộ rõ sự thiếu đồng bộ trong kết nối hạ tầng kỹ thuật và xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vệ tinh. “Nếu không thể chế hóa nhanh chóng một khung chính sách chung, nguy cơ mạnh ai nấy phát triển sẽ khiến sự sáp nhập này phản tác dụng”, ông Thanh Điền nói.
Theo Tiến sĩ Điền, mô hình quản trị hành chính hiện nay không còn phù hợp với một vùng đô thị đã vượt ra khỏi ranh giới hành chính. Cần có một thể chế quản lý mới, mang tính vùng, vượt qua giới hạn sở, ngành, tỉnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia phát triển đô thị, đặc biệt trong các lĩnh vực như giao thông, xử lý nước thải, năng lượng, nhà ở xã hội, y tế...
Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, về lâu dài, để TP Hồ Chí Minh mới phát huy tối đa tiềm lực, cần quy hoạch theo trục phát triển ưu tiên, lựa chọn trụ cột đầu tư trọng điểm như: tài chính - công nghệ, du lịch - logistics, đô thị thông minh... Dẫn đầu các chỉ số tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động cả nước, TP Hồ Chí Minh có dư địa tăng trưởng rất lớn nếu khai thác được năng lực vùng. Ngoài ra, các nghị quyết đang tạo lực cho siêu đô thị TP Hồ Chí Minh phát triển cần được triển khai mạnh mẽ như Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân, Nghị quyết 57 về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số... Đây chính là chìa khóa để TP Hồ Chí Minh mới trở thành hình mẫu đô thị sáng tạo, thông minh và có khả năng dẫn dắt phát triển không chỉ khu vực phía Nam mà còn cả nước.
Bài 2: Cần cơ chế đặc thù và đối tác chiến lược