6 tháng cuối năm 2012: Phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa

“Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm đã cho những tín hiệu tích cực: lạm phát thấp, GDP quý sau cao hơn quý trước. Nhưng nền kinh tế đang đứng trước thách thức: vốn ngân sách có không giải ngân được; chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có nhưng không tăng được! Do đó, giải quyết các khó khăn này để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phải là nhiệm vụ hàng đầu trong 6 tháng cuối năm!”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị toàn quốc về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sáng 4/7, tại Hà Nội.

 

Tăng sức mua để giảm hàng tồn kho


Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Cao Viết Sinh, với diễn biến kinh tế thế giới đang bất ổn, trong nước sức cầu giảm, GDP tăng chậm, vốn ứ đọng… nên trong những tháng còn lại của năm 2012 áp lực để thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội và Chính phủ đề ra là rất lớn. Theo ông Sinh, hai thách thức cần giải quyết sớm trong thời điểm này là: doanh nghiệp đang rất cần vốn nhưng tiền lại đang ứ đọng trong hệ thống ngân hàng; sức cầu yếu, hàng tồn kho ở mức cao, trong khi vốn đầu tư từ ngân sách chậm giải ngân.


Để giải quyết khó khăn trên, về khung giải pháp, Bộ KH&ĐT cho rằng trong thời gian còn lại của năm cũng như các năm tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát các chính sách liên quan đến môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện để khuyến khích sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp (gạo, cà phê, cao su, hải sản), công nghiệp chế biến (dệt may, giày dép), công nghiệp hỗ trợ (hàng điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện)… Đồng thời kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào của sản phẩm.


 

Sản xuất kẽm thỏi xuất khẩu tại Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên (Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam - TKV). Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

 

Thứ hai là giảm tồn kho, tăng sức cầu trong nước bằng cách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục triển khai các giải pháp để thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh việc tăng sức cầu nội địa, cơ quan quản lý sẽ thắt chặt công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, găm hàng gây sốt giá ảo, đảm bảo chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu. Kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu đối với các mặt hàng không thiết yếu, không khuyến khích để tạo điều kiện cho các sản phẩm trong nước đã sản xuất được mở rộng thị phần. Quan điểm trong việc triển khai giải pháp tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa là không gây bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát cao quay trở lại.

 

Nâng cao khả năng hấp thụ vốn


Theo Thứ trưởng Sinh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, trong 6 tháng cuối năm cần tăng tín dụng cho nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2012 đạt khoảng 10%. Nhưng để nền kinh tế có thể hấp thụ được vốn tín dụng tăng, ngân hàng cần đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay phù hợp với mức giảm chỉ số giá tiêu dùng.


Trong yêu cầu tăng tín dụng cho nền kinh tế, Thủ tướng cũng chỉ đạo, tín dụng cần phải được ưu tiên cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động.


Bên cạnh giải pháp tăng tín dụng, Thứ trưởng Sinh cho biết, trong 6 tháng cuối năm, vốn đầu tư công cũng sẽ giải ngân khoảng hơn 20.000 tỉ đồng/tháng. Việc giải ngân nguồn vốn này có nhiều ý nghĩa: một mặt nhằm đẩy nhanh việc hoàn thành và đưa vào khai thác các công trình hạ tầng giao thông, các công trình tạo động lực phát triển cho nền kinh tế. Mặt khác là đầu tư vào các công trình hạ tầng thiết yếu như kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để tăng tổng cầu, giảm hàng tồn kho và kích thích tăng trưởng kinh tế.


Một giải pháp khác về thu hút các nguồn lực đầu tư cũng được Bộ KH&ĐT nhấn mạnh là sẽ xóa bỏ các rào cản đầu tư bất hợp lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính… nhằm tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong sản xuất kinh doanh, khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước và đầu tư nước ngoài.


Ông Sinh cho rằng, với việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm như khơi thông tín dụng, giảm lãi vay, tăng đầu tư công, tăng sức mua, giảm hàng tồn kho… thách thức đối với nền kinh tế và khó khăn của doanh nghiệp sẽ dần được tháo gỡ. “Bởi khi vốn đầu tư công được giải ngân, tình trạng tồn kho sẽ giảm, hiệu ứng sẽ lan tỏa ra các ngành, lĩnh vực khác như việc làm cho người lao động, sức mua của xã hội sẽ tăng lên”, ông Sinh nói.

 

X.Hương - M.Phương

Kinh tế trong nước vượt khó đi lên
Kinh tế trong nước vượt khó đi lên

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 vừa diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 2 và 3/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong những tháng cuối năm 2012, quan điểm nhất quán là nỗ lực, quyết tâm thực hiện các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN