Kinh tế trong nước khởi sắc

Tại cuộc họp báo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư) ngày 29/6 về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2012, đại diện Tổng cục Thống kê nhìn nhận: Nền kinh tế đất nước đã có chuyển biến tích cực từ quý II/2012, đặc biệt là khu vực công nghiệp và xây dựng. Mặc dù tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm chỉ tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2011 nhưng tốc độ tăng trưởng đã có những dấu hiệu tích cực khi tốc độ tăng của quý II đã cao hơn quý I.

 

Chưa rơi vào giảm phát; GDP “lấy đà”


Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCKT) Đỗ Thức, nền kinh tế đang gặp khó khăn nhưng chưa đến mức rơi vào tình trạng giảm phát như quan ngại của một số chuyên gia. Ngược lại, các chỉ số đo lường “sức khỏe” còn cho thấy nền kinh tế đã có những tín hiệu phục hồi khá rõ nét.


 

Thủy sản đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

 

Cụ thể: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm chỉ tăng 4,38% so với cùng kỳ 2011 và là mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm nhưng tốc độ tăng trưởng đã có những dấu hiệu tích cực khi tốc độ tăng GDP của quý II/2012 đã cao hơn quý I/2012 (tăng trưởng quý I/2012 là 4%, quý II/2012 là 4,66%).


Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 53,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, một số mặt hàng có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ như: Điện thoại và linh kiện tăng 129,8%, điện tử máy tính và linh kiện tăng 84,9%, máy móc thiết bị phụ tùng tăng 43,5%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng gần 56%.


Vụ trưởng Vụ Công nghiệp TCTK Phạm Đình Thúy cho biết: Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm chỉ tăng 4,5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2011 và 8,9% của cùng kỳ 2010 nhưng bắt đầu từ quý II/2012 trở đi, sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi tích cực thể hiện ở tốc độ tăng IIP qua các tháng có sự cải thiện đáng kể, từ mức 6,5% (tháng 3/2012) lên 7,5% (tháng 4/2012) và lên 8% trong tháng 6, trong điều kiện nền kinh tế vẫn còn gặp khó khăn.


Chỉ số hàng tồn kho cũng đã giảm rõ rệt qua các tháng, thể hiện sự phục hồi của sản xuất công nghiệp khi sản phẩm đã được tiêu thụ khá hơn. Nếu như hàng tồn kho của doanh nghiệp từng ở mức cao là 34,9% của tháng 3/2012 thì tháng 4 và 5/2012 đã giảm xuống lần lượt là 32,1% và 29,4%, và 26% tính đến ngày 1/6.


Liên quan tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời gian qua, ông Đỗ Thức thừa nhận: Không chỉ CPI tháng 6/2012 giảm 0,26% so với tháng 5/2012 mà trong 3 tháng liên tiếp trước đó chỉ tăng thấp ở mức dưới 0,2% theo hướng mức tăng giảm dần. Đại diện TCTK cho rằng: CPI tháng 6 âm sau vài tháng tăng thấp trước đó là hệ quả của kinh tế rơi vào trạng thái đình trệ sản xuất do lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp quá lớn, trong khi sức tiêu thụ quá thấp. Thêm vào đó, thất nghiệp gia tăng, thu nhập người lao động sụt giảm, nên việc thắt chặt mọi chi tiêu trong gia đình là đương nhiên.


 

Khách mua hàng tại siêu thị Fivimart mới khai trương tại 281 Đội Cấn (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Tiệp – TTXVN

 

Trao đổi với phóng viên Tin Tức, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh không bày tỏ sự ngạc nhiên trước diễn biến của CPI vì xu hướng giảm giá liên tục từ đầu năm đến nay của lương thực, thực phẩm, các nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên ông Ánh cũng cho rằng: Theo quy luật, CPI của tháng 6 và quý II thường có mức tăng thấp nhất trong năm. Nhưng với tình trạng đình đốn sản xuất như hiện nay, kết hợp với xu hướng giảm giá của các nguyên liệu đầu vào và tăng trưởng tín dụng thấp, dự báo CPI quý III vẫn ở mức rất thấp.


Trước tình hình này, Tổ điều hành thị trường trong nước vừa dự báo: CPI tháng 7/2012 tăng khoảng 0,1% so với tháng 6/2012. Trong thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố: Mùa mưa bão ảnh hưởng đến nguồn cung, giá cả nhóm hàng thực phẩm tại một số địa phương. Tuy nhiên, các yếu tố tác động làm hạn chế tăng giá hàng hóa vẫn chiếm ưu thế hơn như: Giá nhiên liệu trên thế giới tiếp tục giảm; lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm; nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm dồi dào.

 

Cẩn thận khi nới lỏng chính sách tiền tệ


Theo ông Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc chỉ số CPI 6 tháng đầu năm giảm ở mức thấp, cần nhìn nhận rằng không phải do chi phí sản xuất giảm mà là kết quả tổng cầu giảm vì sức mua suy yếu. Do đó, tất cả những yếu tố này chỉ mang tính tạm thời, nếu Việt Nam không cẩn thận, lạm phát rất dễ bùng phát. Khi đó, cái vòng luẩn quẩn chống lạm phát lại giảm phát, đến khi chống giảm phát lại lạm phát đã diễn ra từ năm 2007 sẽ tái diễn thì rất nguy hiểm.


Còn Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cả - Nguyễn Đức Thắng (TCTK) thì cảnh báo: Nếu cung tiền lớn, lạm phát sẽ không bùng phát ngay trong năm nay mà có thể rơi vào các năm tiếp theo, tương tự như kịch bản năm 2009: kiềm chế lạm phát quá đà rồi phải nới lỏng; khi nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế nhưng cuối cùng lạm phát lại tăng cao liên tục trong năm 2010, 2011.


Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Vấn đề hiện nay là phải kiểm soát chính sách tiền tệ sao cho tốt. Nếu chính sách tiền tệ mở rộng dẫn tới mặt bằng lãi suất giảm tới mức thấp hơn và khuyến khích các hành vi đầu tư thiếu suy nghĩ thì điều này lại tất yếu dẫn tới hiệu quả đầu tư kém, bong bóng tài sản và sau đó là lạm phát trở lại. Điều này là do khi đó năng lực sản xuất của nền kinh tế không kịp đáp ứng với sự gia tăng của cung tiền. Trong hoàn cảnh nền kinh tế Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng: Mức lãi suất cho vay doanh nghiệp hợp lý nên nằm trong khoảng 11 - 14%/năm.


Theo đánh giá của TCTK, hiện Ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay xuống mức 12 - 14%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 18 - 20%/năm như các tháng đầu năm nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Vì vậy, giải pháp cần tập trung lúc này là tạo điều kiện thuận lợi, khơi thông dòng vốn để nguồn tiền vẫn nằm tại các hệ thống ngân hàng đến được đúng địa chỉ, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất. “Nếu làm tốt việc khơi thông, chưa chắc đã cần tới gói kích cầu”, ông Thức nhấn mạnh.


“Nếu vội nới lỏng tín dụng để đẩy GDP tăng thì không tránh khỏi hệ lụy là chỉ số giá tiêu dùng lại tăng. Vì vậy chính sách điều hành phải hết sức thận trọng”, Tiến sĩ Thức cảnh báo.

 

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN