Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Bình Thuận; các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trong ngoài tỉnh Bạc Liêu.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, hội nghị là dịp để Bạc Liêu học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cùng các tỉnh, các cơ quan, đơn vị chuyên môn về tiềm năng, thế mạnh, vai trò của khai thác thủy sản trong kinh tế thủy sản; qua đó, định hướng phát triển khai thác thủy sản bền vững, trách nhiệm trong thời gian tới và tìm ra các giải pháp để quản lý, ứng dụng phát triển bền vững nuôi trồng, khai thác thủy sản trên biển của tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, bên cạnh các tiềm năng phát triển khai thác và nuôi trồng thủy hải sản trên biển, Bạc Liêu còn có tiềm năng rất lớn về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện khí, điện gió, điện mặt trời) và dịch vụ - du lịch biển. Nhận thức rõ các tiềm năng, lợi thế đó, tỉnh Bạc Liêu đã xác định và chỉ đạo thực hiện “Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh” là 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phấn đấu Bạc Liêu phải trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển.
Tỉnh Bạc Liêu đang cơ cấu lại sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác. Trong đó, tập trung phát triển nuôi trồng nội địa, đồng thời mở rộng nuôi thủy hải sản lồng bè trên biển, nuôi nghêu, sò ven biển. Đồng thời, tỉnh phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững đảm bảo môi trường, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, đảm bảo quốc phòng an ninh trên các vùng biển.
Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh Bạc Liêu có gần 900 tàu cá với tổng công suất hơn 150 nghìn mã lực, tổng số lao động gần 6.000 người; trong đó, tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên là 446 chiếc, chiếm 50,17%; tàu có chiều dài từ 12 đến dưới 15 mét là 186 chiếc, chiếm 20,92%; tàu có chiều dài từ 6 đến dưới 12 mét hoạt động vùng biển ven bờ là 257 chiếc, chiếm 28,91%.
Trong giai đoạn 2018 - 2023, sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng chậm, từ 114 nghìn tấn (năm 2018) lên 118 nghìn tấn (năm 2023), tăng bình quân 0,63%/năm. Theo dự kiến, tổng sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt 118.405 tấn. Trong cơ cấu sản lượng khai thác thủy sản, sản lượng cá và thủy sản khác luôn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 90% sản lượng khai thác thủy sản. Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập được 1 Hợp tác xã và 32 Tổ hợp tác khai thác thủy sản, tổ tự quản trên biển, với 292 tàu, gần 2.000 lao động tham gia. Các thành viên liên kết với nhau trong khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá.
Thời gian qua, tỉnh cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển khai thác thủy sản của Trung ương. Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu còn có chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ của tỉnh. Ngoài ra còn có chính sách hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép; hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành khai thác thủy sản của tỉnh vẫn còn một số hạn chế và thách thức, đó là: Số lượng tàu cá nhỏ, khai thác ven bờ còn nhiều, gây áp lực lớn lên nguồn lợi thủy sản ven bờ vốn đang có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng; nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển đang có dấu hiệu bị khai thác quá mức, năng suất khai thác thấp, hiệu quả kinh tế của ngư dân bị giảm sút. Đồng thời, việc tổ chức liên kết sản xuất giữa nuôi trồng, khai thác với thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ chưa đóng vai trò động lực đòn bẩy tác động đến các khâu sản xuất nhằm phát triển thủy sản bền vững.
Tại hội nghị, đại biểu đến từ các đơn vị đã tham gia thảo luận các vấn đề về khai thác thủy sản, định hướng khai thác bền vững, trách nhiệm; quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản; các ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiệu quả trong nuôi biển...
Theo Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp Hội Nuôi biển Việt Nam, Bạc Liêu và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh và đất bằng phẳng ven biển, song chỉ mới tập trung chủ yếu nuôi tôm nước lợ, đang gặp nhiều trở ngại về môi trường, dịch bệnh và thị trường… Vì vậy, cần tập trung phát triển nuôi biển trong hệ thống ao nuôi ở vùng ven biển. Đây là phương thức có suất đầu tư tương đối thấp, hợp với khả năng nguồn vốn có hạn của ngư dân và có thể đạt hiệu quả cao nếu không phát triển tự phát.
Còn theo Thạc sỹ Phạm Văn Long (Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện nay, các mô hình chuyển đổi nghề khai thác hải sản chưa được nhân rộng, chưa có cơ chế, chính sách đồng bộ hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi nghề. Do đó, rất cần một giải pháp đồng bộ, có căn cứ khoa học, sát với thực tiễn để triển khai sẽ thành công chương trình chuyển đổi nghề khai thác hải sản tại Bạc Liêu.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, để khai thác thủy sản tỉnh Bạc Liêu phát triển bền vững, trách nhiệm, hiệu quả trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cần sắp xếp, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường củng cố, đổi mới các tổ, đội, hợp tác xã khai thác thủy sản; xây dựng và phát triển các mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với doanh nghiệp thu mua và ngư dân, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng nghề. Đồng thời thành lập đội tàu cung ứng dịch vụ hậu cần cho các tàu khai thác xa bờ, tạo điều kiện cho tàu cá bám biển dài ngày, nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản cho ngư dân.