Khu vực Cầu cảng cá sông Trà Bồng chỉ có những ghe thuyền nhỏ neo đậu. Ảnh: TTXVN phát
Cầu cảng cá sông Trà Bồng (xã Vạn Tường) được xây dựng từ năm 2010 và đưa vào sử dụng năm 2013 với kinh phí gần 185 tỷ đồng, diện tích 23 ha. Dự án do Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, với mục tiêu phục vụ ngư dân tái định cư, đảm bảo hoạt động nghề cá ổn định và là nơi neo trú tàu thuyền tránh bão. Tuy nhiên, từ khi hoàn thành đến tháng 7/2025, cảng này chưa tiếp nhận bất kỳ tàu cá nào.
Nguyên nhân chính là do cảng không đảm bảo diện tích vùng đất, độ sâu luồng và vùng nước trước cảng cho tàu cá dài từ 15m trở lên ra vào. Ngoài ra, cảng còn thiếu nhà làm việc và hệ thống phòng cháy chữa cháy. Ngư dân Bùi Văn Mười, xã Vạn Tường cho biết, luồng nước sâu nhất quanh cảng chỉ khoảng 1,5m, khiến tàu lớn không thể vào.
Trong khi đó, cũng tại khu vực cửa biển Sa Cần (xã Bình Sơn) có một bến cá truyền thống và 7 cầu cảng tư nhân phục vụ bốc dỡ, tiêu thụ thủy sản và cung cấp dịch vụ hậu cần. Mỗi năm, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua các bến này ước tính khoảng 24.000 tấn, tạo sinh kế cho hơn 200 lao động địa phương.
Tuy nhiên, do đây chỉ là bến cá, theo quy định, các tàu cá dài hơn 15m không được phép vào bán hải sản. Ngư dân Huỳnh Vương, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNg-95094 TS (dài 24m), cho biết anh phải đến các cảng cá khác để bán cá và truy xuất nguồn gốc thủy sản để được hưởng chính sách hỗ trợ dầu theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg.
Thiếu tá Lộ Ngọc Trúc, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Thạnh xác nhận Sa Cần là bến cá nên những tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên không được phép cập để bốc dỡ thủy sản. Do vậy, hàng ngày Đồn đã cử lực lượng chốt giữ, kiểm soát phương tiện theo quy định. Đồng thời, đơn vị cũng triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động người dân, hướng dẫn các quy định về khai thác hải sản. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn có một số chủ tàu cá có chiều dài trên 15m cập vào bến cá Sa Cần bán hải sản. Những trường hợp này đã được Đồn Biên phòng Bình Thạnh kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định.
Bến cá truyền thống tại cửa biển Sa Cần chỉ cho phép ghe, thuyền dưới 15m cập bến. Ảnh: TTXVN phát
Để tạo điều kiện cho ngư dân phát triển nghề cá, việc xây dựng một cảng cá đủ chuẩn tại khu vực này là hết sức cần thiết. Ông Nguyễn Đức Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Ngãi cho biết, sở đang phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh, cùng các đơn vị liên quan để hoàn tất thủ tục bàn giao, tiếp nhận công trình Cầu cảng cá sông Trà Bồng. Sau khi tiếp nhận, đơn vị sẽ xây dựng phương án phát huy hiệu quả cầu cảng sau đầu tư, đồng thời thuê tư vấn để nạo vét luồng vào cảng và vũng neo đậu tàu thuyền.
Cũng theo ông Bình, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch xây dựng cảng cá Sa Cần (kết hợp khu neo đậu tránh trú bão) thành cảng cá loại II theo Luật Thủy sản 2017. Ông Bình nhấn mạnh, việc đầu tư cảng cá Sa Cần là cần thiết, đáp ứng nhu cầu cập cảng bốc dỡ thủy sản, neo trú tránh bão của ngư dân các xã Bình Sơn, Vạn Tường và các xã lân cận. Sau khi đầu tư, sở sẽ tích hợp cảng cá Sa Cần với Cầu cảng cá sông Trà Bồng thành cụm cảng để vừa đảm bảo bốc dỡ thủy sản, neo trú tàu thuyền, tạo kế mưu sinh cho người dân và mở ra cơ hội phát triển nghề cá cho các địa phương trong vùng. Ngư dân địa phương chỉ mong cơ quan chức năng sớm sửa chữa Cầu cảng cá sông Trà Bồng hoặc xây dựng cảng cá Sa Cần để tàu thuyền có thể cập bến, neo trú, tránh tốn thời gian và chi phí cho mỗi lần xuất, cập cảng.