Chỉ số kỹ thuật của trạm vũ trụ Thiên cung-1. |
Văn phòng Quản lý rác không gian của ESA cho biết thời điểm quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất của trạm không gian Thiên cung-1 nằm trong khoảng thời gian từ ngày 30/3 đến 2/4, mặc dù cơ quan này cảnh báo kết luận phân tích này có biến số cao.
Mặc dù trạm vũ trụ Thiên cung-1 của Trung Quốc sẽ rơi mất kiểm soát xuống Trái Đất, song khả năng trạm gây thương tích cho con người khi tiếp đất vô cùng nhỏ. Các nhà khoa học vũ trụ nhấn mạnh tỉ lệ các mảnh vỡ của trạm không gian này rơi trúng người chỉ dưới 1 phần nghìn tỷ.
Tuy nhiên, việc trạm Thiên cung-1 rơi trở lại bầu khí quyển trong tình trạng mất kiểm soát để lại một “vết đen” trong chương trình phát triển không gian đầy tham vọng của Trung Quốc.
Trước đó, trạm vũ trụ nặng 8,5 tấn này “dừng hoạt động” từ 16/3/2016 mà giới khoa học Trung Quốc không biết lý do tại sao.
Theo Alan Duffy – một nhà nghiên cứu làm việc cho Trung tâm Vật lý học thiên thể và Siêu máy tính thuộc Đại học Kỹ thuật Swinburne (Australia), việc giữ bí mật xung quanh các nhiệm vụ khai phá không gian của Trung Quốc càng khiến cho các nhà phân tích khó khăn hơn trong việc đánh giá mức độ nguy hiểm của một trạm vũ trụ rơi mất kiểm soát xuống Trái Đất.
Chuyên gia Alan giải thích: “Cộng đồng quốc tế không biết trạm vũ trụ đó là từ gì, và điều đó khiến việc phân tích mức độ nguy hiểm càng gặp nhiều khó khăn hơn, vì bộ phận chứa nhiên liệu rắn có thể đáp thẳng xuống mặt đất trong khi những tấm panel nhẹ hơn sẽ không rơi”.
Trạm vũ trụ Thiên cung-1 dài hơn 12m được phóng từ trong tháng 9/2011. Nó được coi là nguyên mẫu cho mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc – một trạm vũ trụ nặng 20 tấn dự kiến sẽ được phóng trong năm 2022.
Tháng 1/2018, người đứng đầu đội thiết kế trạm vũ trụ, ông Zhu Zongpeng trả lời nhật báo China Youth rằng Trung Quốc đang theo dõi Thiên cung-1. Ông phán đoán phần lớn các bộ phận của trạm vũ trụ này sẽ bị đốt cháy khi rơi xuống bầu khí quyển trái đất, và phần còn lại sẽ rơi xuống biển.
Theo báo cáo hàng ngày mới nhất của Chính phủ Trung Quốc, tính đến ngày 25/3, Thiên cung-1 thả trôi ở độ cao trung bình 216,2 km, thấp hơn 70 km so với độ cao đo được vào ngày 24/12/2017.
Các chuyên gia cũng nhận định rất khó để có thể xác định chính xác nơi mà các mảnh vỡ của trạm vũ trụ rơi xuống, tuy nhiên họ khoanh vùng đường đáp xuống mặt đất của các mảnh vỡ này nằm trong khoảng từ vĩ độ 43 độ Bắc và Nam so với đường Xích đạo.
Đây không phải là lần đầu tiên các mảnh vỡ từ trạm vũ trụ không gian rơi mất kiểm soát xuống Trái Đất. Sự cố mới nhất là trạm kiểm soát Mir nặng 135 tấn của Nga rơi năm 2001. Quy trình hạ cánh được kiểm soát, với phần lớn các bộ phận bị đốt cháy trong quá trình đi qua bầu khí quyển, phần còn lại thì rơi xuống biển.