Kỷ lục của ông Trump
Theo bình luận của Business Insider, câu nói yêu thích của ông Trump khi xuất hiện trên các chương trình truyền hình thực tế là “Bạn bị sa thải”. Và dường như ông đã mang theo xu hướng này vào Nhà Trắng.
Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Times |
Theo một báo cáo mới đây của Viện Brookings, tỷ lệ thay nhân viên cấp cao của Tổng thống Trump trong năm đầu nhiệm kỳ cao gấp ba lần so với Tổng thống Barack Obama và Bill Clinton, gấp 5 lần so với Tổng thống George W. Bush.
Tờ báo kết luận tỷ lệ thay thế nội các của ông Trump cao hơn bất kỳ chính quyền Mỹ nào trong vòng 100 năm qua.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã bị sa thải qua Twitter. Cựu Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Con người Tom Price bị sa thải sau khi truyền thông đưa tin về việc ông này tiêu xài hoang phí tiền thuế của dân. Ông John Kelly đang là Bộ trưởng An ninh Nội địa thì được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Nhà Trắng.
Tất cả đều nắm giữ vị trí của mình trong một thời gian ngắn kỷ lục trong lịch sử gần đây rồi bị sa thải hoặc bổ nhiệm vào vị trí khác.
Ông Rex Tillerson làm ngoại trưởng đúng 424 ngày, ngắn nhất trong lịch sử. Ông John Kelly giữ chức Bộ trưởng An ninh Nội địa trong thời gian ngắn nhất từ khi bộ này thành lập năm 2002…
Cứ theo đà này, tỷ lệ thay thế nhân viên sẽ còn tăng nữa trong năm thứ hai nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Nhân vật mới nhất rời Nhà Trắng là Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster ngày 22/3.
Ngoại trưởng Rex Tillerson vừa bị sa thải. Ảnh: Business Insider |
Từ tháng 1, tháng đánh dấu mốc 1 năm làm tổng thống của ông Trump, tỷ lệ thay thế các nhân viên cấp cao đã tăng 48% (tính tới 15/3), tức 31 trong 65 quan chức mà báo cáo của Viện Brookings theo dõi.
Như vậy trong 14 tháng đầu tiên làm tổng thống, ông Trump đã sa thải và tái bổ nhiệm số người nhiều hơn số người bị sa thải trong cả 2 năm đầu nhiệm kỳ thứ nhất của 14 đời tổng thống gần đây nhất.
Về số thành viên nội các, ông Trump “hòa” Tổng thống Ford và Harding khi có ba nhân vật nội các ra đi. Tổng thống Ronald Reagan sa thải 4 thành viên nội các trong năm thứ hai nhiệm kỳ.
Ông McMaster giờ là cựu Cố vấn An ninh Quốc gia. Ảnh: Business Insider |
Bà Kathryn Dunn Tenpas, thành viên cấp cao Viện Brookings và là tác giả báo cáo trên, nói rằng tỷ lệ thay nhân viên đặc biệt cao này đã khiến chính quyền bị gián đoạn, hoạt động thiếu hiệu quả, mất đi mạng lưới quan hệ cá nhân và mối quan hệ chính trị của quan chức. Hơn nữa, điều này còn có thể gây ra hiệu ứng domino vì các phụ tá hàng đầu của các quan chức phải sa thải cũng sẽ ra đi theo.
Về lý do ra đi, một số người là do lạm dụng quỹ công (như ông Tom Price), một số người được cho là mẫu thuẫn quan điểm với Tổng thống Trump.
“Đội ngũ trong mơ”
Thông thường trong 2 năm đầu nhiệm kỳ, tổng thống thường có nội các “trong mơ” và họ làm việc chăm chỉ để hiện thực hóa tầm nhìn của tổng thống. Sau đó, khi bầu cử giữa kỳ diễn ra, người ta mệt mỏi và quá trình chấn chỉnh nội các bắt đầu.
Ông James Pfiffner, Giáo sư chính sách công tại Đại học George Mason, nhận định: “Các tổng thống khác muốn giữ thể diện cho họ và thể hiện rằng nội các của mình không lộn xộn”.
Theo ông, đó chính là một trong những lý do mà giai đoạn đầu của nhiệm kỳ tổng thống, nội các thường rất ổn định.
Ngoài ra, đa số tổng thống đều có nền tảng chính trị tốt và thường chọn các thành viên nội các mà họ biết và phù hợp với lịch sử truyền thống lâu đời của Washington DC. Trong khi đó, nội các ban đầu của Tổng thống Trump có một số nhân vật "ngoại đạo", mà trường hợp nổi bật nhất là Ngoại trưởng Rex Tillerson – người tới từ tập đoàn dầu Exxon Mobil và ông Trump không nắm rõ trước khi bổ nhiệm.
Ông Pfiffner nói: “Tổng thống Trump không chú ý nhiều tới truyền thống hoặc quy ước thông thường hay thông lệ tổng thống”. Ông thường làm theo ý thích cá nhân.