Ông Putin vừa giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 18/3. Ảnh: Interfax
|
Sau 3 nhiệm kỳ, Tổng thống Putin đã đưa nước Nga trở lại ngôi vị cường quốc thế giới một cách đầy ngoạn mục, đưa niềm tự hào trở lại với người dân xứ sở bạch dương và nuôi dưỡng niềm tin của họ. Ông đã sáp nhập Crimea vào năm 2014; chèo lái nước Nga vượt qua muôn vàn khó khăn kinh tế, ngoại giao trước những đòn trừng phạt của phương Tây; thực hiện chiến dịch chống khủng bố tại Syria, qua đó nâng vị thế quân sự, sức mạnh quân sự của Nga, khôi phục ảnh hưởng mạnh mẽ tại những khu vực có vị trí địa lý chiến lược như Trung Đông, Trung Á...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, nước Nga vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề gai góc về kinh tế và xã hội, những thách thức trong xử lý các mối quan hệ quốc tế, vốn đã trở nên căng thẳng sau sự kiện sáp nhập Crimea, xung đột tại Ukraine và chiến dịch quân sự tại Syria.
Thách thức kinh tế Dưới thời Tổng thống Putin, kinh tế Nga đã có những cú bật nhảy tương đối tốt, nhưng nhìn chung vẫn đang trong tình trạng trì trệ hậu suy thoái. Nền kinh tế tăng trưởng 1,5% vào năm 2017 sau khi giảm 0,2% vào năm 2016. Tuy vậy, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 3%.
Tỉ lệ nghèo tại Nga cũng đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong hai thập kỷ qua, trong khi lương tối thiểu thì dưới mức đủ sống. Trung bình người Nga chi một nửa thu nhập cho thực phẩm. Kinh tế trở thành mối quan tâm hàng đầu và mạnh mẽ nhất của người dân. Trong số hơn 1.100 cuộc biểu tình năm 2017, thì 2/3 có liên quan tới kinh tế.
Tham nhũng cũng là một "căn bệnh" đòi hỏi chính phủ của Tổng thống Putin phải có những liều thuốc "đặc trị" khi Nga bị Tổ chức Minh bạch Quốc tế liệt vào danh sách 45 quốc gia có chỉ số tham nhũng lớn nhất.
Tâm lý bất mãn cũng đang tăng lên trong "tầng lớp elite Nga". Tầng lớp này ủng hộ Tổng thống Putin chừng nào mà “lãnh địa” của họ còn được bảo vệ và phát triển. Nhưng nay cơ hội kinh doanh, tài chính của họ đang đi xuống do nền kinh tế trì trệ, áp lực từ lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nước Nga trong khi đó vẫn chưa có một môi trường đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Mô hình kinh tế lệ thuộc vào giá năng lượng cao từng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong hai nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Putin. Nhưng khi giá năng lượng lao dốc, nền kinh tế Nga cũng chao đảo theo. Đa dạng hóa nền kinh tế, đầu tư cho một nền kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ, đặc biệt là các "công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo" là hướng đi cũng đã được Tổng thống Putin vạch ra trong bản Thông điệp Liên bang 2018 vào ngày 1/3 vừa qua.
Cũng trong bản Thông điệp Liên bang lần này, Tổng thống Putin khẳng định ưu tiên hàng đầu của chính phủ là bảo vệ người dân, giúp người dân no ấm, thịnh vượng hơn và phát huy được tiềm năng của mình. Ông cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết đảm bảo đà phát triển nhanh chóng của nền kinh tế trong những năm tới, đồng thời kêu gọi tạo ra môi trường sáng tạo trong mọi lĩnh vực cho người dân, nếu không Nga sẽ "vuột mất tương lai". "Tăng trưởng kinh tế của Nga phải cao hơn trung bình của thế giới. Đó không phải là mơ ước mà là mục tiêu mà chính phủ của chúng ta cần phấn đấu để đạt được".
Thiếu nguồn lực lao độngNước Nga hiện có dân số 146,9 triệu người, tức là đã giảm hơn 5 triệu người so với thời điểm năm 1991, đây là hậu quả của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết. Thế hệ đầu tiên sinh ra trong thời kỳ hậu Xô viết, giai đoạn tỉ lệ sinh giảm mạnh, nay đã bước vào thị trường lao động, đồng nghĩa với việc thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ cho tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Căng thẳng quan hệ quốc tếNhiệm kỳ thứ 4 của Tổng thống Putin được mở ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và các nước châu Âu liên tục vướng vào căng thẳng. Căng thẳng thậm chí đã leo thang ngay trước thềm cuộc bầu cử liên quan đến việc cựu điệp viên người Nga bị đầu độc tại Anh và cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Máy bay chiến đấu Su-25 của Nga tham gia chiến dịch chống khủng bố tại Syria. Ảnh: Reuters
|
Theo nhận định của ông Alexei Mukhin- Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin Chính trị có trụ sở tại Moskva - các nước phương Tây có thể muốn kích động những cuộc biểu tình chống Chính phủ Nga sau cuộc bầu cử nhằm làm thiệt hại “uy tín của giới lãnh đạo mới tại Nga và đặt câu hỏi về tính hợp pháp của kết quả bầu cử. Tuy nhiên, họ dường như không có khả năng giành được sự ủng hộ từ quần chúng”.
Trước đó, trong nhiệm kỳ 3, Tổng thống Putin đã phải chèo lái nước Nga vượt qua liên tiếp các đòn trừng phạt quốc tế nhằm trả đũa Nga sáp nhập bán đảo Crimea, cũng như việc Moskva hậu thuẫn phe ly khai trong cuộc xung đột tại Donbass, Ukraine. Việc Nga can dự quân sự vào cuộc xung đột ở Syria theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã vấp phải nhiều phản ứng từ phương Tây, thậm chí đã dẫn đến một cuộc chiến tranh ủy nhiệm Nga - Mỹ trên chiến trường Syria.
Bên cạnh đó, nghi vấn Nga cấu kết với đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump, can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cũng khiến mối quan hệ giữa Washington và Moskva rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Có hay không cải tổ hiến pháp
Nếu không cải tổ hiến pháp, nhà lãnh đạo Putin sẽ không thể tranh cử tổng thống sau nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2024 bởi hiến pháp Nga cấm việc nắm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp. Theo AFP, ông Putin có thể quyết định rời Điện Kremlin sau 24 năm lãnh đạo đất nước và mở đường cho một người kế nhiệm. Nhưng viễn cảnh này chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc tranh giành ảnh hưởng trong nội bộ chính quyền 6 năm tới.
Theo giới phân tích, có một cách để ông Putin duy trì tiếng nói của mình trong chính quyền sau năm 2024 là thay đổi chức vụ - nước cờ ông từng đi vào năm 2008 khi lùi về làm thủ tướng Nga, để ông Dmitry Medvedev lên nắm quyền tổng thống.
Nhưng nếu theo lựa chọn này thì tuổi tác cũng sẽ là một vấn đề lớn. Tới năm 2030, khi được phép tiếp tục tranh cử tổng thống, ông Putin đã bước sang tuổi 78.
Sửa đổi hiến pháp để bỏ qui định giới hạn nhiệm kỳ như cách Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa làm cũng là một lựa chọn. Song đến nay, Tổng thống Putin vẫn loại trừ khả năng này. Trả lời phóng viên hôm 18/3, ông nói "Cho đến lúc này, tôi không dự định bất cứ cải cách hiến pháp nào". Khi được hỏi liệu ông có tranh cử vào năm 2030, nhà lãnh đạo Nga nói: "Dường như với tôi, điều anh đang nói hơi buồn cười đấy. Hãy đếm xem. Cái gì, tôi sẽ ngồi đây cho đến năm tôi 100 tuổi à?".