Vụ phóng tên lửa Vega-C của châu Âu thất bại do lỗi động cơ

Ngày 3/3, các quan chức Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho biết vụ phóng tên lửa Vega-C ở vùng lãnh thổ hải ngoại Guiana của Pháp vào tháng 12 năm ngoái thất bại là do một bộ phận động cơ chính xuống cấp dẫn đến mất khả năng tăng tốc.

Chú thích ảnh
Tên lửa Vega-C trong lần phóng đầu tiên tại vùng lãnh thổ hải ngoại Guiana thuộc Pháp ngày 13/7/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Vụ phóng từ Trung tâm Vũ trụ Guiana ở Kourou nếu thành công sẽ là chuyến bay thương mại đầu tiên của tên lửa Vega-C sau lần phóng đầu tiên thành công vào ngày 13/7/2022. Tuy nhiên, ngay sau khi rời bệ phóng vào ngày 21/12 năm ngoái, tên lửa đã đi chệch khỏi lộ trình ban đầu và mất liên lạc, buộc ESA phải phá hủy tên lửa trên Đại Tây Dương.

Phát biểu với báo giới, quan chức cấp cao của ESA, ông Pierre-Yves Tissier, cho biết ủy ban điều tra của cơ quan này đã phát hiện rằng áp suất trong động cơ Zefiro 40, do công ty Avio của Italy sản xuất, đã bắt đầu giảm trong giai đoạn 2 của vụ phóng. Ông nêu rõ 3 phút 27 giây sau khi phóng, "gia tốc của tên lửa gần như bằng 0". Theo các nhà điều tra, một bộ phận chịu trách nhiệm đảm bảo áp suất đốt cháy liên tục trong động cơ đã không thể chống lại áp suất cao và nhiệt độ lên tới 3.000 độ C. Bộ phận làm bằng carbon tổng hợp này do công ty Youjnoye của Ukraine sản xuất.

Tên lửa Vega-C được phóng lên vũ trụ để đưa 2 vệ tinh quan sát Trái Đất, do Tập đoàn Airbus chế tạo, vào quỹ đạo nhằm cung cấp những hình ảnh chất lượng cao về tất cả các địa điểm trên Trái Đất với tần suất vài lần mỗi ngày.

Theo ESA, tên lửa Vega-C là một phiên bản vượt trội so với tên lửa Vega thế hệ trước. Tầng đầu tiên P120C của Vega-C dựa trên phiên bản P80 của tên lửa Vega. Module tầng trên Attitude Vernier (AVUM+) của tên lửa Vega-C đã được tăng khả năng chứa nhiên liệu lỏng để có thể đưa hàng hóa, con người, vũ khí, hoặc các tàu vũ trụ lên nhiều quỹ đạo tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, cũng như cho phép tên lửa hoạt động lâu hơn trong không gian và có thể thực hiện thêm các nhiệm vụ.

Dự kiến, ESA sẽ thực hiện lại vụ phóng tên lửa Vega-C vào cuối năm nay. Phiên bản tên lửa mới, mang tên Vega-E, sẽ ra mắt năm 2026.

Phan An (TTXVN)
Tên lửa Vega-C của châu Âu mất liên lạc ngay sau khi rời bệ phóng
Tên lửa Vega-C của châu Âu mất liên lạc ngay sau khi rời bệ phóng

Sáng 21/12 (theo giờ Việt Nam), tên lửa Vega-C, do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phát triển, đã bị mất liên lạc ngay sau khi rời bệ phóng từ vùng lãnh thổ hải ngoại Guiana thuộc Pháp trong nhiệm vụ đưa 2 vệ tinh của Airbus lên quỹ đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN