Ngân hàng tranh thủ “tận thu” phí ATM dịp Tết

Mặc dù từ ngày 1/3 các ngân hàng mới được thu phí ATM nội mạng, thế nhưng những ngày cận Tết, khi nhu cầu rút tiền mặt của người dân tăng, nhiều ngân hàng đã tranh thủ lúc này thu phí dịch vụ ATM. Thậm chí, có ngân hàng còn hạ mức rút tiền tối đa xuống, khiến nhiều người rút tiền vừa “xót” do mất phí nhiều lần, vừa sốt ruột chờ đợi đến lượt.

 

“Tận thu” tối đa


Đầu tháng 2, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã hạ mức giao dịch tối đa tại ATM từ 3 triệu đồng/lần xuống còn 1 triệu đồng/lần, gây khó chịu cho khách hàng. Chị Ngọc Mỹ - cán bộ tại một cơ quan nhà nước ở quận 3 (TP.HCM) vừa rút tiền tại máy ATM trên đường Nguyễn Thị Minh Khai bức xúc cho biết: “Sáng 1/2, đi rút tiền, tôi thật sự bất ngờ khi máy chỉ cho phép rút tối đa 1 triệu đồng/lần giao dịch thay vì 3 triệu đồng/lần như trước đây. Đáng nói, mỗi lần rút tiền, tôi lại bị trừ mất 1.100 đồng trong tài khoản. Tôi rút 5 triệu đồng mà mất 5.500 đồng tiền phí. Không chỉ mất nhiều phí, tôi lại phải thao tác nhiều lần, gây mất thời gian cho tôi và nhiều người khác khi phải xếp hàng chờ đợi…”. Cũng theo chị Mỹ, trước đó, vì cây ATM gần Vietinbank hết tiền, chị vào thẳng chi nhánh giao dịch. Thế nhưng, nhân viên ngân hàng bảo chị nếu rút tiền trong TK thì chị nên ra ATM mà rút, nếu rút tại phòng giao dịch chị sẽ mất nhiều phí hơn. Vì không muốn mất thời gian đi lại, chị Mỹ đồng ý rút tiền tại chi nhánh của ngân hàng này. Kết quả, rút 6 triệu đồng, chị phải mất 22.000 đồng tiền phí.


 

Các cây rút tiền ATM tại một khu chế xuất ở TP Hồ Chí Minh thường rơi vào tình trạng quá tải dịp Tết.

 

Cũng dở khóc dở cười là trường hợp của chị Phương - ngụ tại quận 1, khi rút tiền khác hệ thống ngân hàng. Chị Phương cho hay: “Thấy máy ATM của Vietinbank tại trụ sở cơ quan đông người xếp hàng, tôi đến máy ATM của ngân hàng Agribank gần đó rút cho tiện. Rút 2 lần đều suôn sẻ, lần thứ 3 thì tiền và thẻ ATM đều không ra. Bị nuốt thẻ, tôi đến chi nhánh Vietinbank làm thủ tục để xin lấy lại thẻ. Nhưng do khác hệ thống ngân hàng, nhân viên bảo sẽ mất nhiều thời gian. Gần Tết, lại cần tiền mua sắm, tôi đành phải làm lại thẻ mới cho nhanh để có tiền mà xài”.


Không chỉ Vietinbank mà nhiều ngân hàng lớn khác như Vietcombank, Techcombank, Agribank… cũng tranh thủ thu phí ATM của khách hàng những ngày cận Tết. Bởi thời điểm này, nhu cầu rút tiền mặt của người dân càng cao. Theo đó, nhiều máy ATM bị “nghẽn” vì quá tải. Để rút tiền nhanh, nhiều người dân phải sang các máy ATM khác hệ thống để giao dịch. Chính vì vậy, phí giao dịch ngoại mạng cũng được các ngân hàng tranh thủ nâng lên, dù theo Thông tư số 35/2012/TT-NHNN, phí ngoại mạng thu không quá 3.300 đồng/lần. Thực tế, vẫn có ngân hàng thu phí trên 5.000 đồng/lần giao dịch.


Điều đáng nói ở đây, dù các ngân hàng tận thu phí dịch vụ, nhưng chất lượng hệ thống ATM vẫn chưa được cải thiện. Tình trạng hết tiền, nuốt thẻ, thậm chí là hạ mức rút tiền tối đa xuống đã gây khó chịu cho người dân khi sử dụng dịch vụ này.

 

Thiệt thòi vẫn thuộc về người dân


Theo số liệu từ Vụ Thanh toán (NHNN), tính đến hết tháng 11/2012, cả nước có trên 14.000 máy ATM và trên 51 triệu thẻ ATM. Như vậy, bình quân mỗi máy ATM đang phục vụ khoảng hơn 3.600 thẻ. Hiện tại, mỗi chủ thẻ đang phải chịu khá nhiều khoản phí như: phí phát hành lần đầu khoảng 100.000 đồng (gồm chi phí và tiền giữ thẻ); phí phát hành thay thế thẻ hết hạn từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng; phí dịch vụ phát hành nhanh (nếu khách hàng yêu cầu) 200.000 đồng/lần; phí thường niên (thu theo năm, căn cứ thời hạn hiệu lực thẻ) 50.000 đồng/năm; phí cấp lại PIN 30.000 đồng; phí tra soát khiếu nại (nếu chủ thẻ khiếu nại không đúng) 80.000 đồng; phí rút tiền tại ATM của ngân hàng khác 5.400 đồng/giao dịch; phí giao dịch “khác” (không bao gồm giao dịch hỏi PIN) tại ATM của ngân hàng khác là 3.000 đồng/giao dịch; phí cấp bản sao hóa đơn giao dịch là 80.000 đồng/hóa đơn… Tất cả các mức phí trên đều chưa… cộng thuế GTGT 10%.


Còn theo tính toán của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, giá máy ATM hiện nay xê dịch từ 10.000 - 15.000 USD/máy. Lấy giá bình quân mức cao 15.000 USD (tương đương khoảng 300 triệu đồng) thì với 14.000 cây hiện có, các ngân hàng phải bỏ ra hơn 4.200 tỉ đồng. Nếu phí rút tiền nội mạng là 3.300 đồng/lần, thì với 51 triệu tài khoản, mỗi tài khoản rút 3 lần trong một tháng thì số tiền mà ngân hàng thu được lên tới gần 505 tỉ đồng. Nếu tính cả chi phí lắp đặt, thuê mặt bằng, nhân công, bảo dưỡng… (cứ cho là bằng khoản tiền bỏ ra mua máy) thì cũng chỉ hai năm sau với khoản thu phí này, các ngân hàng đã hoàn vốn đầu tư ban đầu.


Nhiều ý kiến phân tích, tiền đầu tư ATM phần lớn là từ tiền của dân gửi, thu phí chẳng khác nào lại bắt dân đóng thêm tiền cho ngân hàng. Hơn nữa, trong 10 năm kể từ khi có máy ATM, các ngân hàng đã phải tính toán trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi thẻ ATM rồi, chứ không phải là họ làm không công. Trong khi đó, việc buộc các doanh nghiệp, cơ quan chi trả lương cho nhân viên qua thẻ ATM khiến người chịu thiệt vẫn là người dân. Theo đó, từ 1/3/2013, các ngân hàng được phép thu phí nội mạng. Người dân không chỉ rút tiền 1 lần trong tháng mà thường rút nhiều lần. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng cần cân đối phí dịch vụ hợp lý, nới hạn mức rút tiền tối đa, nâng cao chất lượng hệ thống ATM để người sử dụng thẻ ATM không thấy sử dụng ATM như một gánh nặng.


Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, cho rằng các ngân hàng cần tăng cường đầu tư công nghệ, đặc biệt là các thiết bị thẻ và mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ; đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, an toàn cũng như tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm thẻ và các dịch vụ gia tăng cho khách hàng.


Bài và ảnh: Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN