Tiếp viên hàng không của Aloha Airlines, Clarabelle Lansing, phục vụ ở khoang hạng nhất của Chuyến bay 243, đang trên đường bay đến đảo Honolulu, Hawaii. William Flanigan, một kỹ sư hàng không vũ trụ 54 tuổi, sống ở St. Davids, Penssylvania (Mỹ), đang trong chuyến đi kỷ niệm 21 năm ngày cưới đến Hawaii, kể lại: “Cô ấy vừa đưa cho vợ tôi một ly đồ uống. Cô dừng lại và nói với rằng chúng tôi đang hạ độ cao. Và sau đó, vù vù! Cô ấy đã biến mất. Tay họ chỉ vừa chạm vào nhau thì sự việc xảy ra".
Một lỗ thủng đã làm bung cả mảng nóc của chiếc máy bay phản lực Boeing 737-200 kèm theo một tiếng nổ lớn. Không khí có áp suất trong cabin bục vào bầu khí quyển dường như đã kéo tuột Lansing ra ngoài không trung và khiến chiếc máy bay cùng 94 người khác rơi vào một cơn lốc xoáy.
Joy Flanigan, vợ của William, ngồi ở ghế 2-C ngay bên cạnh cửa sổ, ngã dúi vào khay để đồ uống, đầu và mặt cô bị kim loại bay liệng xé rách."Đầu của cô ấy đang tì trên chiếc khay với đầy máu" - người chồng William nói - "Tôi có thể nhìn thấy bầu trời, nhìn thấy cả đại dương. Tôi sợ hãi đến chết vì gió sẽ xé toạc cô ấy. Tôi chộp chặt lấy hai cánh tay của Joy và nói rằng tôi yêu cô ấy. Tôi sợ máy bay sẽ rơi”.
Nhưng phi công Robert Schornstheimer, 42 tuổi, một cựu chiến binh đã 12 năm làm việc cho hãng hàng không Aloha, không thể quan tâm đến bất cứ điều gì ngoại trừ việc áp suất cabin bị mất rất lớn, máy bay đang rơi xuống độ cao 1.800 mét. Anh nỗ lực chiến đấu để giữ cho chiếc Boeing tiếp tục bay trong khi chuẩn bị hạ cánh khẩn cấp, một nỗ lực phi thường mà sau đó Robert đã thực hiện thành công tại sân bay Kahului trên đảo Maui.
Đó chuyện xảy ra hơn 33 năm trước, ngày xảy ra sự cố phơi bày thực trạng máy bay dân dụng lão hóa của thế giới hàng không, khi nóc một chiếc Boeing 727-200 thuộc hãng hàng không Aloha Airlines (Mỹ) đã bật tung khỏi thân máy bay ngay giữa lưng chừng trời.
Chuyến bay 243 khởi hành từ Hilo, trên quần đảo Hawaii, vào đầu giờ chiều ngày 28/4/1988, chở 6 thành viên đoàn bay và 89 hành khách nhằm hướng Honolulu. Khi máy bay cất cánh được 23 phút — ở độ cao 7.300 mét - một phần nhỏ của nóc phi cơ bị nứt vỡ. Kết quả là lực nén đã xé toạc một mảng lớn của nóc, cuốn một tiếp viên hàng không khỏi máy bay và khiến hành khách ngồi ở 5 hàng ghế đầu tiên không có gì che chắn ngoài bầu trời xanh phía trên họ.
Xem video minh họa sự cố phi cơ Boeing737-200 bung nóc khi đang bay:
Mức độ hư hỏng cấu trúc của chiếc Boeing 737-200 có thể nhìn thấy rõ từ vị trí mũi: nó rủ xuống khoảng một mét! Tuy nhiên, thật đáng kinh ngạc, chiếc phi cơ vẫn bay và có thể điều khiển được. Khi giảm tốc độ, tổ bay nhận thấy họ có thể giao tiếp với nhau bằng cách hét to lên, và họ đã phối hợp nhịp nhàng để hạ cánh máy bay.
“Sự bình tĩnh và chuyên nghiệp của phi hành đoàn khi đối mặt với tình huống ngàn cân treo sợi tóc như vậy đã nói lên rất rõ về kỹ năng bay của họ”, tạp chí Flight Safety Australia (An toàn bay Australia) viết.
Nhờ sự chuyên nghiệp và bình tĩnh của phi hành đoàn, chiếc máy bay đã được hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Kahului trên đảo Maui của Hawaii.
Tại đó, đội cứu hộ tiếp ứng 65 hành khách và thành viên đoàn bay trong tình trạng bị thương, riêng tiếp viên hàng không Clarabelle Lansing mất tích. Thi thể của cô không bao giờ được tìm thấy.
Chiếc Boeing 737-200 nói trên được chế tạo vào năm 1969 và được giao hàng mới nguyên cho Aloha Airlines. Nó đã tích lũy được 35.496 giờ bay, không quá nhiều tính đến thời điểm xảy ra tai nạn. Tuy nhiên số giờ bay đó lại được thực hiện trong hơn 89.000 chuyến bay, trung bình khoảng 20 phút/chuyến, chủ yếu là từ hòn đảo này sang hòn đảo khác thuộc quần đảo Hawaii.
Ấn bản tháng 4/2008 của tạp chí Flight Safety Australia đã trình bày chi tiết về việc làm thế nào kết cấu thân máy bay của chiếc Boeing 737, vốn được thiết kế để chịu được vết nứt dài tới 110cm, đã đổ sụp khi các vết nứt nhỏ hơn kết hợp lại, khiến phần nóc của khoang hành khách bị bung ra hoàn toàn.
Trước khi vụ tai nạn xảy ra, Chương trình Đánh giá Lão hóa Đội bay của Boeing đã đưa ra khuyến nghị cho các nhà khai thác về hoạt động kiểm soát ăn mòn và kiểm tra cấu trúc hoàn chỉnh trên ít nhất bốn máy bay đã hoạt động nhiều thời gian, trong đó nhấn mạnh việc kiểm tra chi tiết các khớp nối quan trọng trên tất cả các máy bay đã trải qua hơn 40.000 chu kỳ bay.
Trước sự cố với Aloha Airlines, thế giới từng chứng kiến một vụ tai nạn gần giống như vậy. Chiếc máy bay Boeing 737-200 của Đài Loan/Trung Quốc, giống chiếc của Aloha, đã bị bục tung giữa không trung và rơi xuống đất vào ngày 22/8/1981. Toàn bộ 110 người trên chuyến bay Số 103 của hãng Far Eastern Air đều thiệt mạng. Giống như máy bay của Aloha Airlines, phi cơ xấu sổ này cũng trải qua phần lớn thời gian hoạt động thực hiện các chuyến bay ngắn quanh đảo Đài Loan.
Trước thảm kịch, chiếc Boeing của Far Eastern Air đã bị mất áp suất khoang vào ngày 5/8, và vào ngày gặp nạn, nó được lên kế hoạch khởi hành từ sân bay Tùng Sơn, nhưng phi hành đoàn đã hủy chuyến bay vì lý do tương tự. Sau khi sửa chữa xong, máy bay cất cánh khỏi Tùng Sơn để đến Cao Hùng, nhưng chỉ 14 phút sau, một vụ nổ xảy ra đã làm thân máy bay tách rời.