Chính quyền cách đây hơn hai thế kỷ của Tổng thống George Washington có những nét tương đồng một cách đáng ngạc nhiên với nền chính trị ngày nay - không chỉ vì tư tưởng mang tính thời đại của ông đối với rất nhiều tệ nạn chính trị hiện tại của nước Mỹ, mà còn vì, giống như cựu Tổng thống Trump và Tổng thống Biden, vị tổng thống lập quốc cũng từng phải chiến đấu với một đại dịch.
Nhà sinh vật học Joshua S. Loomis giải thích trong cuốn sách "Dịch tễ học: Tác động của vi trùng và sức mạnh của chúng đối với nhân loại": Washington và những nhà lãnh đạo lập quốc khác như John Adams lo ngại rằng vì hầu hết binh lính trong Lục quân Lục địa (quân đội thời 13 thuộc địa Bắc Mỹ) đã không nhiễm bệnh đậu mùa khi còn nhỏ, dịch sẽ dễ bùng phát khi họ sống tập trung gần nhau. John Adams cho rằng "bệnh đậu mùa khủng khiếp hơn gấp 10 lần so với cả người Anh, người Canada và người Ấn Độ hợp lại”. Trong khi đó, đậu mùa là một bệnh đặc hữu ở Anh, đồng nghĩa một tỉ lệ cao binh sĩ Anh đã từng mắc bệnh và được miễn dịch trọn đời.
Những lo sợ của các nhà lập quốc đã được xác nhận khi một trận dịch đậu mùa tấn công Boston (khi đó còn do người Anh kiểm soát) và người tị nạn bắt đầu đổ về phía sau chiến tuyến của người Mỹ. Tổng thống Washington phản ứng bằng cách áp đặt biện pháp cách ly nghiêm ngặt đối với bất kỳ binh sĩ nào có dấu hiệu mắc bệnh này hoặc những người mới được chủng đậu - một hình thức tiêm chủng sơ khai, nhiều rủi ro, trong đó người ta được tiêm các chất từ mụn mủ của bệnh nhân bị đậu mùa nhẹ, nhằm kích thích cơ thể tạo phản ứng miễn dịch.
Tuy nhiên, trong khi biện pháp cách ly có hiệu quả với người Mỹ ở Boston, thì lại kém thành công hơn ở Canada, khi gần một nửa quân số đã bị xoá sổ bởi bệnh đậu mùa. Quân Anh đã tận dụng lợi thế này, nhanh chóng đập tan giấc mơ chinh phục một phần lãnh thổ Canada của người Mỹ.
Cũng giống như Tổng thống Biden đã làm với quân đội ngày nay, George Washington cuối cùng quyết định rằng ông cần yêu cầu tất cả các binh sĩ phải tiêm chủng (dù chỉ là qua chủng đậu), một chính sách mà ông đã âm thầm thực hiện trong mùa Đông năm 1777 và 1778. Và kế hoạch của Washington đã thành công. Ngày nay, nhiều nhà sử học cho rằng đó là quyết định cần thiết cho sự thành công của Mỹ trong cuộc Chiến tranh Cách mạng (cuộc chiến giành độc lập của 13 thuộc địa Bắc Mỹ), vì nếu không, Washington đã phải lãng phí nhiều thời gian để xoay xở với những đợt bùng phát dịch và có thể thiệt hại quá nhiều quân số trong những trận “càn quét” của virus đậu mùa.
Sự tương đồng trong cách xử lý đại dịch liên bang ở Mỹ hiện nay với những gì xảy ra 243 năm trước quả là đáng kinh ngạc. Và mặc dù văn hoá hai thời kỳ là khác biệt, Washington, giống như nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác, đã hành động dựa trên nguyên tắc ủng hộ khoa học, ủng hộ phúc lợi công cộng. Khi Tổng thống Washington có đủ năng lực để làm điều đó một cách mạnh mẽ, ông luôn ưu tiên bảo vệ mạng sống và sử dụng những kiến thức khoa học tốt nhất.
Trong trường hợp thiếu đi sức mạnh đó, ông vẫn cố gắng cư xử có trách nhiệm, vừa để bảo vệ tính mạng của chính mình vừa trở thành là một tấm gương cho dân chúng. Ông đã trải qua một thời kỳ sóng gió, nhưng vẫn xoay sở để xử lý đại dịch một cách nhất quán với sự hiểu biết và kỹ năng đáng nể.
Theo Tiến sĩ Lindsay M. Chervinsky, tác giả cuốn "Nội các: George Washington và sự thành lập của một thể chế Hoa Kỳ", không có khái niệm sức khỏe cộng đồng quốc gia trong thời kỳ chính quyền Washington, kéo dài từ năm 1789 - 1797. Do sức khỏe cộng đồng được coi là vấn đề do chính quyền địa phương và tiểu bang quản lý, Tổng thống Washington đã không thể hành động khi một đợt bùng phát dịch sốt vàng nghiêm trọng quét qua thủ đô Philadelphia khi đó vào năm 1793.
Thay vào đó, Tổng thống, Quốc hội và các quan chức cao cấp khác đã phải sơ tán khỏi thành phố khi hiểu rằng thời tiết lạnh khiến họ có nhiều khả năng bị nhiễm bệnh hơn. Sau khi thời tiết lạnh giá đã giết chết số lượng muỗi đủ lớn để làm giảm mối đe dọa, chính quyền mới rời nơi sơ tán ở Germantown, bang Pennsylvania và Trenton, New Jersey để trở lại Philadelphia. Cuộc rút lui này không chỉ bảo vệ các thành viên chính phủ khỏi bị tổn hại, mà còn cho công chúng thấy họ nên hành xử như thế nào khi dịch bùng phát.
Mặc dù đại dịch cũng đã bị chính trị hóa trong nhiệm kỳ của Tổng thống Washington, nhưng không bên nào tỏ ra khinh thường khoa học. Khi đó nước Mỹ có hai đảng chính trị lớn là đảng Dân chủ Cộng hòa (do Thomas Jefferson và James Madison lãnh đạo) và đảng Liên bang (do Alexander Hamilton và John Adams lãnh đạo, ủng hộ Washington). Đảng Dân chủ Cộng hòa có xu hướng đổ lỗi đại dịch là do bầu không khí không lành mạnh ở các thành phố, một quan điểm phù hợp với triết lý chính trị ủng hộ nông thôn của họ. Những người theo chủ nghĩa liên bang, bài ngoại và bảo hộ, thì cho rằng người nhập cư và tàu buôn từ Caribe và châu Phi đã mang theo dịch bệnh đến các bờ biển của Mỹ.
Vì bệnh sốt vàng lây truyền qua vết muỗi đốt nên hai phe đều cho rằng: Muỗi đã chết hết ở Philadelphia vào mùa Đông, vì vậy bệnh sốt vàng phải được du nhập từ một nơi nào đó (trong trường hợp này là Haiti) , nhưng khi virus đến, điều kiện ẩm ướt ở Philadelphia đã cung cấp cho chúng một nơi sinh sản màu mỡ.
“Điều quan trọng cần ghi nhớ là vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, vẫn chưa ai hiểu dịch bệnh lây truyền như thế nào. Hầu hết mọi người vẫn tin rằng mùi độc hại (chướng khí), cơ thể mất cân bằng, thiên tai hoặc ma quỷ là nguyên nhân gây ra các bệnh dịch như sốt vàng da, dịch hạnh và đậu mùa”, tác giả Joshua Loomis cho biết.
Trong bối cảnh đó, chính quyền Tổng thống Washington đã ứng phó với dịch bệnh thông qua các biện pháp vệ sinh cơ bản và cách ly, sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm khi cần thiết. Vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ đã “chủ động và thực dụng hơn khi phòng chống dịch bệnh”, bởi đó là một yêu cầu cần thiết nhìn từ góc độ nhà binh.
Washington không phải đã phản ứng với đại dịch ở thời ông một cách hoàn hảo, nhưng ông và các nhà lãnh đạo chính trị khác đều hiểu rằng các bệnh truyền nhiễm là một vấn đề nghiêm trọng cần giải quyết. Họ cũng hiểu rằng các quan chức nhà nước có trách nhiệm sử dụng những kiến thức khoa học tốt nhất để ứng dụng vào phòng chống dịch.