Đằng sau cái chết và lựa chọn định mệnh của Steve Jobs – Kỳ 1

Ngày 5/10/2011, Steve Jobs, nhà đồng sáng lập - người giữ “linh hồn” của tập đoàn Apple, qua đời sau một cuộc chiến kéo dài với căn bệnh ung thư tuyến tụy ở tuổi 56. Nhưng ông có thể đã sống lâu hơn nếu tìm kiếm sự chăm sóc y tế phù hợp kịp thời.

Chú thích ảnh
Steve Jobs qua đời vào năm 2011, hơn một năm sau khi ông trình làng iPhone 4. Ảnh: Wikimedia Commons

9 THÁNG TRÌ HOÃN CHỮA UNG THƯ

Khi nhà đồng sáng lập Apple, Steve Jobs lần đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy vào năm 2003, các bác sĩ đã khuyên ông nên đi phẫu thuật càng sớm càng tốt. Nhưng thay vào đó, Jobs trì hoãn trong 9 tháng, và tìm cách tự điều trị bằng các phương pháp kỳ lạ. Lựa chọn định mệnh này có thể khiến Steve Jobs qua đời nhanh hơn.

Steve Jobs qua đời vì biến chứng ung thư tuyến tụy vào ngày 5/10/2011, tám năm sau chẩn đoán ban đầu. Khi đó ông mới 56 tuổi nhưng bệnh ung thư đã ảnh hưởng nặng nề đến cơ thể khiến ông trông gày gò, ốm yếu và già hơn nhiều so với tuổi thực. Hình ảnh đó khác xa với người đàn ông cường tráng, tràn đầy năng lượng, từng đi tiên phong trong kỷ nguyên của máy tính cá nhân.

Trong cuộc sống, Steve Jobs nổi tiếng là người có tư duy khác biệt. Tại Apple, ông là người sáng tạo các sản phẩm thay đổi thế giới như máy tính Macintosh, iPhone và iPad. Thiên tài của Jobs đến từ tư duy chính xác, đòi hỏi cao và khả năng sáng tạo kỳ lạ của ông. Nhưng bi kịch thay, ông đã dùng chính suy nghĩ đó để đối đầu với căn bệnh ung thư tuyến tụy của mình.

Dù cuối cùng Steve Jobs tìm đến cách điều trị thích hợp nhưng đã quá muộn. Tháng 8/2011, ông từ chức Giám đốc điều hành Apple. Khi nằm hấp hối vào ngày 5/10/2011 tại nhà riêng, Steve Jobs ngắm nhìn người thân trong gia đình mình lần cuối, và thì thầm những lời cuối cùng: “Ôi, tuyệt vời, tuyệt vời”.

Chú thích ảnh
Steve Jobs trông tiều tụy trong một sự kiện ra mắt sản phẩm của Apple. Ảnh: Getty Images

Sinh ngày 24/2/1955 tại San Francisco, California (Mỹ), Steve Jobs bị cha mẹ ruột bỏ rơi từ nhỏ. Jobs được gia đình Paul - Clara Jobs nhận nuôi. 

Khi Jobs lên sáu tuổi, một người hàng xóm nói với cậu rằng việc cậu được nhận nuôi có nghĩa là cha mẹ đẻ đã bỏ rơi và không muốn có cậu. Nhưng cha mẹ nuôi của Jobs đảm bảo với cậu bé rằng điều đó không đúng. Họ nói: “Con thật đặc biệt, chúng ta đã chọn con, và con đã được chọn” – người viết tiểu sử của Steve Jobs, Walter Isaacson cho biết - “Và điều đó đã giúp Jobs luôn thấy mình là người đặc biệt… Với Steve Jobs, trong suốt cuộc đời ông luôn cảm thấy mình đang ở trong một hành trình, và ông thường nói: ‘Cuộc hành trình là phần thưởng’”.

Hành trình của Jobs là một con đường chạy theo hình ziczac. Lớn lên ở Cupertino, California, Steve Jobs đăng ký vào trường Cao đẳng Reed nhưng sớm bỏ học. Ông còn từ bỏ một trong những công việc đầu tiên của mình với tư cách nhà thiết kế trò chơi điện tử, thử nghiệm những điều mới mẻ, thậm chí đi du lịch đến Ấn Độ để tìm kiếm sự giác ngộ về tâm linh. Nhưng trong suốt cuộc đời, ông chưa bao giờ từ bỏ niềm đam mê với công nghệ.

Ở trường trung học, Jobs kết bạn với Steve Wozniak, nhà đồng sáng lập tương lai của Apple, khi họ tham gia một lớp học nhập môn về điện tử. Wozniak và Jobs sau đó cùng nhau tham dự Câu lạc bộ Máy tính Homebrew và Wozniak thích thú với ý tưởng chế tạo một chiếc máy tính của riêng mình. 

Chú thích ảnh
Steve Jobs và Steve Wozniak với chiếc máy tính Apple đời đầu vào năm 1984.

Nhưng trong khi Wozniak chỉ thích chế tạo các món đồ, thì Jobs còn muốn hơn thế - xây dựng một công ty và bán các sản phẩm thương mại cho mọi người. Năm 1976, Jobs và Wozniak thành lập Apple trong ga-ra của gia đình Jobs.

Từ đó, công ty phát triển bùng nổ. Họ đã giới thiệu máy tính Apple II vào năm 1977 (máy tính đầu tiên của Wozniak là Apple I). Là chiếc máy tính cá nhân đầu tiên trên thị trường đại chúng, Apple II đã giúp công ty vươn tới thành công.

Tư duy đổi mới của Steve Jobs đã giúp “Nhà Táo” tạo nên những thành công vang dội vào đầu thế kỷ 21. Apple phát hành chiếc máy tính để bàn iMac thời thượng vào năm 1998, máy nghe nhạc sành điệu iPod vào năm 2001, điện thoại thông minh iPhone vào năm 2007 và máy tính bảng iPad vào năm 2010.

Chủ nghĩa hoàn hảo của Jobs đã giúp tạo ra các sản phẩm được yêu thích trên toàn cầu. Nhưng khi Apple củng cố vị thế là một trong những công ty công nghệ quan trọng nhất  của thế kỷ 21, thì bản thân Jobs lại xuống dốc về sức khỏe. Giữa thời điểm phát hành iPod và iPhone, ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Xem tiếp Kỳ cuối: LỰA CHỌN ĐỊNH MỆNH

Thu Hằng/Báo Tin tức
Đằng sau cái chết và lựa chọn định mệnh của Steve Jobs – Kỳ cuối
Đằng sau cái chết và lựa chọn định mệnh của Steve Jobs – Kỳ cuối

Chính xác, kiên trì và tự tin vào ý tưởng của riêng mình trong những sáng tạo làm nên Apple, nhưng khi liên quan đến sức khỏe của chính mình, Jobs lại dựa vào bản năng thay vì lời khuyên của các bác sĩ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN