'Công lực' của tàu ngầm tí hon Thụy Điển từng hạ cả nhóm tàu sân bay Mỹ

Năm 2005, tàu sân bay USS Ronald Reagan, hàng không mẫu hạm trị giá 6,2 tỷ USD, đã bị “đánh chìm” sau khi trúng ngư lôi từ một tàu ngầm nhỏ giá rẻ của Thụy Điển.

Chú thích ảnh
Tàu sân bay USS Ronald Reagan.  Ảnh: US Navy/AP

May mắn là thất bại này không xảy ra trong chiến đấu thực tế, mà là kết quả của một sự kiện mô phỏng chiến tranh, trong đó tàu sân bay USS Ronald Reagan, được nhiều hộ tàu hộ tống chống ngầm bảo vệ, chống lại "quân địch" là HSMS Gotland, một tàu ngầm nhỏ chạy bằng động cơ diesel của Thụy Điển.

Trong “trò chơi chiến tranh” đó, mặc dù đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, tàu ngầm Gotland vẫn không hề bị phát hiện.

Màn thua cuộc của đội tàu sân bay Mỹ đã lặp lại trong hai năm liên tiếp diễn ra “trò chơi chiến tranh” nói trên. Các tàu khu trục và tàu ngầm tấn công hạt nhân của Hải quân Mỹ đều phải khuất phục trước tàu ngầm tàng hình “tí hon” và rẻ tiền của Thụy Điển.

Nhà phân tích hải quân Norman Polmar cho biết tàu Gotland đã "chạy vòng vòng" xung quanh nhóm tàu ​​sân bay Mỹ. Một nguồn tin khác cho rằng các chuyên gia chống tàu ngầm của Mỹ đã "mất tinh thần" vì trải nghiệm đáng xấu hổ này.

Chú thích ảnh
Tàu HSMS Gotland của Thụy Điển và tàu sân bay USS Ronald Reagan ở phía sau. Ảnh: US Navy

Nhưng làm cách nào mà tàu ngầm diesel Gotland có thể né tránh được các đợt phòng thủ chống tàu ngầm phức tạp của nhóm tàu USS Ronald Reagan?

Và quan trọng hơn, làm thế nào mà một chiếc tàu ngầm giá rẻ chỉ khoảng 100 triệu USD - tương đương với chi phí của một máy bay chiến đấu tàng hình F-35 hiện nay - lại có thể thực hiện được điều đó?

Tàu ngầm "bé hạt tiêu"

Các tàu ngầm diesel thông thường bị hạn chế do động cơ vận hành ồn ào, cần không khí để đốt cháy nhiên liệu, nghĩa là chúng chỉ có thể ở dưới nước trong vài ngày rồi phải nổi lên để nạp khí. Đương nhiên vì thế tàu ngầm diesel dễ bị tổn thương và có thể dễ dàng bị theo dõi khi nổi lên, thậm chí cả khi sử dụng ống thở…

Hải quân Mỹ đã ngừng hoạt động toàn bộ đội tàu ngầm diesel từ thập niên 1990 để chuyển sang tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân nhằm duy trì ưu thế bất ngờ và an toàn. Các tàu ngầm chạy bằng lò phản ứng hạt nhân không cần nguồn cung cấp không khí lớn để hoạt động và có thể chạy ngầm yên tĩnh hơn, nhanh hơn suốt nhiều tháng.

Chú thích ảnh
Tàu ngầm Gotland ở cảng San Diego (Mỹ) vào năm 2005. Ảnh: US Navy

Tuy nhiên, các tàu ngầm diesel lớp Gotland dài 200 mét của Thụy Điển, được giới thiệu vào năm 1996, là loại đầu tiên sử dụng hệ thống Lực đẩy Không khí Độc lập (AIP) với động cơ Stirling. Một động cơ Stirling sẽ sạc pin 75 kilowatt của tàu ngầm bằng cách sử dụng oxy lỏng.

Với Stirling, một tàu ngầm lớp Gotland có thể ở dưới đáy biển trong hai tuần với tốc độ trung bình gần 10km/h - hoặc có thể sử dụng thêm năng lượng pin để tăng lên đến 36km/h. Động cơ diesel thông thường trên tàu được sử dụng khi tàu hoạt động lúc nổi hoặc trong khi sử dụng ống thở.

Điều ấn tượng là tàu Gotland trang bị động cơ Stirling chạy êm hơn cả một chiếc tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, vốn phải sử dụng các máy bơm làm mát tạo ra tiếng ồn trong lò phản ứng của chúng. 

Tàu lớp Gotland cũng sở hữu nhiều tính năng khác giúp nó thành thạo trong việc tránh bị phát hiện. Tàu ngầm của Thụy Điển có thể thực hiện một chiến dịch rất yên tĩnh, đã được chứng minh là đầy chết chóc với tàu sân bay, không chỉ một mà hai lần chỉ trong vòng 2 năm.

Chú thích ảnh
Tàu ngầm tấn công của Mỹ Asheville và chiến hạm Blue Ridge thuộc Hạm đội 7 trên biển Philippines. Ảnh: US Navy

Hỗ trợ cho thành công của tàu lớp Gotland còn là những cải tiến về thiết kế trên tàu ngầm, như lớp phủ chống sóng siêu âm sonar, vật liệu hấp thụ radar trên tháp tàu, chân vịt quay chậm, bộ đệm khử âm trên hệ máy móc bên trong tàu.

Gotland cũng có khả năng cơ động cực cao nhờ kết hợp 6 bề mặt cơ động trên bánh lái và đuôi lái hình chữ X, cho phép nó hoạt động gần với đáy biển và dễ bẻ lái gấp. 

Sau cuộc tập trận chiến tranh giả định nói trên, Hải quân Mỹ đã yêu cầu triển khai tàu ngầm Gotland cùng với lực lượng Mỹ để cải thiện khả năng tác chiến chống tàu ngầm. Sứ mạng hợp tác này sau đó được gia hạn lên tổng cộng 2 năm. Tuy vậy, cuối cùng Hải quân Mỹ vẫn trung thành với chính sách chỉ sử dụng tàu ngầm năng lượng hạt nhân.

Nhiều quốc gia theo đuổi tàu ngầm công nghệ AIP

Gotland chỉ là thiết kế đầu tiên trong số nhiều thiết kế tàu ngầm công nghệ AIP - một số có độ bền dưới nước gấp đôi. Và Thụy Điển hoàn toàn không phải là quốc gia duy nhất theo đuổi loại tàu ngầm này.

Trung Quốc có hai loại tàu ngầm diesel sử dụng động cơ Stirling. 15 chiếc tàu ngầm Type 039A lớp Nguyên đã được chế tạo thành bốn biến thể, với trên 20 chiếc nữa đã lên kế hoạch hoặc đang được chế tạo.

Chú thích ảnh
Tàu ngầm lớp Scorpene thứ ba của Hải quân Ấn Độ, có tên Karanj, được hạ thủy ở Mumbai ngày 31/1/2018. Ảnh: AFP/Getty Images

Bắc Kinh cũng sở hữu một tàu lớp Thanh Type 032 duy nhất có thể ở dưới nước trong 30 ngày. Đây được cho là tàu ngầm diesel đang hoạt động lớn nhất trên thế giới, trang bị 7 Hệ thống Phóng thẳng đứng có khả năng bắn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Nga cũng đã ra mắt tàu Sankt Peterburg lớp Lada thử nghiệm, sử dụng pin nhiên liệu hydro để cung cấp năng lượng. Đây là dự án phát triển của tàu ngầm lớp Kilo vốn được sản xuất rộng rãi. Tuy nhiên, các thử nghiệm trên biển cho thấy pin hydro chỉ cung cấp một nửa sản lượng dự kiến ​​và loại này không được chấp thuận để đưa vào sản xuất.

Nhưng vào năm 2013, Hải quân Nga tuyên bố sẽ chế tạo hai chiếc tàu ngầm Lada được thiết kế lại rất nhiều - Kronstadt và Velikiye Luki - dự kiến ​​vào cuối thập kỷ này.

Các nhà sản xuất tàu ngầm diesel AIP khác bao gồm Tây Ban Nha, Pháp, Nhật Bản và Đức. Các nước này đã lần lượt bán tàu cho hải quân trên khắp thế giới, bao gồm cả Ấn Độ, Israel, Pakistan và Hàn Quốc.

Các tàu ngầm sử dụng hệ thống AIP đã được phát triển thành các loại lớn hơn, vũ trang mạnh hơn và đắt tiền hơn, bao gồm cả tàu ngầm lớp Dolphin của Đức và tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Insider, I.E)
Triều Tiên xác nhận phóng thử thành công mẫu mới tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm
Triều Tiên xác nhận phóng thử thành công mẫu mới tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 20/10 đưa tin Viện hàn lâm Khoa học quốc phòng nước này đã thử nghiệm thành công một mẫu mới tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN