Năm 1961, Mandela “đạo diễn” một cuộc đình công của công nhân toàn quốc trong 3 ngày. Ông đã bị bắt ngay năm sau đó vì đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc đình công và bị kết án 5 năm tù. Năm 1963, ông lại bị đưa ra xét xử. Lần này, ông và 10 thủ lĩnh ANC bị kết án tù chung thân vì các tội danh liên quan đến chính trị.
Mandela khâu áo trong sân nhà tù năm 1966. |
Trong suốt 27 năm bị tù đày, Mandela bị giam trên đảo Robben tới 18 năm. Những năm tháng này là khoảng thời gian đen tối trong cuộc đời của Mandela. Ông từng viết: “Trong tù, bạn phải đối mặt với thời gian. Không có gì khủng khiếp hơn điều này”.
Bị giam trong phòng nhỏ hẹp, lấy sàn nhà là giường, phải lao động khổ sai, chỉ được tiếp một khách mỗi năm trong 30 phút, chỉ được viết và nhận một bức thư trong 6 tháng, nhưng cuộc sống tù đày trên đảo Robben đã trở thành môi trường tôi luyện Mandela. Bằng sự thông minh, tinh thần quyết chiến, Mandela đã đóng vai trò lãnh đạo bạn tù, trở thành ông chủ trong chính nhà tù của mình.
Phòng giam của Mandela trên đảo Robben. |
Một ngày tù của ông diễn ra như thế này: Ông và các tù nhân khác bị cai ngục đánh thức lúc 5 giờ 30 sáng nhưng mãi đến 6 giờ 45 mới được ra khỏi phòng giam sau khi đã lau phòng, gấp thảm và chăn. Tù nhân không có nước máy, không có nhà vệ sinh trong phòng giam. Thay vào đó là một cái xô vệ sinh bằng sắt đường kính khoảng 25 cm, có nắp đậy bằng sứ và lõm ở giữa để đựng nước dùng khi cạo râu, rửa mặt, rửa tay.
Khi được ra khỏi phòng giam, việc đầu tiên họ làm là đổ và rửa xô. Điều thú vị nhất trong khi làm việc này là có cơ hội để trao đổi với bạn tù vài tiếng, tất nhiên là phải khẽ khàng và nhanh chóng vì cai ngục không thích tù nhân lề mề.
Sau đó đến giờ ăn sáng. Trong vài tháng đầu tiên ở tù, Mandela và các tù nhân được các tù nhân thường mang bữa sáng đến tận phòng giam. Bữa sáng gồm cháo ngô đặc, ngũ cốc được đổ vào bát và đẩy qua chấn song phòng giam. Cũng giống như mọi thứ khác trong tù, khẩu phần ăn cũng có sự phân biệt đối xử. Nói chung, người da màu và người da đỏ được ăn ngon hơn một chút so với người châu Phi. Gọi là ngon hơn nhưng thực ra không có gì khác nhau đáng kể giữa một loại thức ăn có mùi vị khó chịu và một loại không thể ăn được.
Người dân mừng sự kiện Mandela được trả tự do. |
Sau vài tháng đầu, tù nhân sẽ ăn ở khu vực sân. Trong bữa sáng, mỗi người được uống một cốc đựng một thứ dung dịch gọi là cà phê, nhưng thực tế đó là ngô nghiền rang cháy đen và pha với nước nóng.
Giữa bữa sáng, Mandela và các bạn tù có thể bị cai ngục bắt ngừng ăn, ra ngoài phòng giam để kiểm tra. Nếu ba khuy áo khoác kaki không được cài ngay ngắn, nếu không bỏ mũ xuống khi cai ngục đi qua, nếu không dọn phòng giam sạch sẽ, họ sẽ bị coi là vi phạm luật lệ nhà tù và bị phạt dưới hình thức giam biệt lập hoặc cắt bữa ăn.
Sau bữa ăn, tù nhân phải lao động khổ sai, phần lớn là đập đá trong sân nhà tù đến tận trưa mà không được nghỉ. Ăn trưa xong, họ phải làm việc đến tận 4 giờ chiều, rồi điểm danh, dọn dẹp, tắm táp bằng nước lạnh bất kể thời tiết.
Chính xác lúc 4 giờ 30 chiều, sẽ có một tiếng gõ lớn trên cánh cửa gỗ cuối hành lang báo hiệu bữa ăn tối sắp được đưa vào. Bữa tối là cháo ngô đặc, đôi khi được thả cà rốt hoặc bắp cải hay củ cải đường nhưng tù nhân thường phải tìm kỹ mới thấy. Tù nhân phải ăn cùng một loại đến hàng tuần, đến khi cà rốt và bắp cải đã héo mốc và họ chán đến tận cổ. Đôi khi họ được một mẩu thịt nhỏ trong bát cháo, nhưng phần lớn là sụn.
Những thứ mà Mandela và các tù nhân khác phải nếm thậm chí còn không đạt tiêu chuẩn của nhà tù. Nguyên do là các tù nhân làm nhiệm vụ nấu ăn thường giữ lại những thức ăn ngon nhất cho họ và bạn bè họ. Họ cũng nhặt riêng những thứ ngon để đút lót cai ngục.
Đúng 8 giờ tối, cai ngục đêm sẽ vào trong hành lang, khóa trái cửa lại và đưa chìa khóa qua một cái lỗ nhỏ cho cai ngục khác ở bên ngoài. Cai ngục này sẽ đi đi lại lại dọc hành lang ra lệnh cho tù nhân ngủ. Những ai đang dở học hành sẽ được đọc đến tận 10 hoặc 11 giờ. Một ngày tù tội đã kết thúc. Với Mandela, ông phải trải qua 18 năm đằng đẵng như thế.
Chế độ nhà tù Apartheid khắc nghiệt đến mức Mandela thậm chí không được phép dự đám tang khi mẹ đẻ và con trai cả qua đời. Trong thời gian đen tối trong tù, Mandela bị bệnh lao và do là một tù nhân chính trị da đen, ông chỉ được chữa trị ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, trước khi ra tù, Mandela đã học xong bằng cử nhân luật trường Đại học Luân Đôn theo chương trình học từ xa.
Trong một cuốn hồi ký năm 1981, điệp viên tình báo Nam Phi Gordon Winter tiết lộ rằng chính phủ Nam Phi âm mưu sắp xếp cho Mandela vượt ngục để định bắn chết ông trong lúc ông bị bắt lại. Tuy nhiên, âm mưu này đã bị tình báo Anh phá tan.
Năm 1982, Mandela và các thủ lĩnh ANC bị đưa tới nhà tù Pollsmoor để tiện liên lạc với chính phủ Nam Phi. Năm 1985, Tổng thống P.W. Botha đã đề xuất thả tự do cho Mandela với điều kiện ông từ bỏ cuộc đấu tranh vũ trang. Tuy nhiên, người tù da đen thẳng thừng bác bỏ đề nghị.
Trong khi Mandela và các thủ lĩnh khác của ANC bị tù đày hoặc phải sống lưu vong, thanh niên da đen Nam Phi đã làm mọi cách để chống lại nhà cầm quyền da trắng thiểu số. Họ coi Mandela là một biểu tượng không khuất phục trong cuộc phản kháng của người da đen.
Năm 1980, dưới sự lãnh đạo của ông Tambo, người từng chung văn phòng luật với Mandela và đang sống lưu vong, ANC đã phát động một chiến dịch quốc tế chống chế độ Apartheid và khéo léo hướng chiến dịch tới một mục tiêu duy nhất là đòi thả ông Mandela. Chiến dịch lên tới đỉnh điểm năm 1988 tại sân vận động Wembley ở Luân Đôn (Anh) khi khoảng 72.000 người và hàng triệu người xem TV trên toàn thế giới đã cùng hô vang “Hãy thả Nelson Mandela”.
Phong trào có sức mạnh lớn đến mức các lãnh đạo thế giới đã siết chặt lệnh trừng phạt chính quyền Nam Phi. Áp lực trong nước và quốc tế ngày càng lớn và đã có kết quả. Ngày 11/2/1990, Tổng thống Frederik Willem de Klerk đã ra lệnh thả Mandela, đồng thời tuyên bố bỏ lệnh cấm ANC, dỡ bỏ hạn chế đối với các nhóm chính trị và hủy hành quyết.
Thùy Dương
Đón đọc kỳ cuối: Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi