Hãy tưởng tượng bạn lớn lên ở một đất nước mà uống nước nhầm vòi cũng có thể bị tống giam; nơi mà bạn làm việc như hàng xóm nhưng chỉ vì màu da nên lương cả năm không bằng lương một tuần của anh ta; một đất nước mà chính phủ coi thường tổ tiên và lối sống của bạn. Đó chính là đất nước của Nelson Mandela, vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi. Lớn lên dưới chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid hà khắc, thay vì cúi đầu trước sự bất công, Mandela đã trở thành một chiến binh quả cảm trong cuộc chiến giải phóng đất nước khỏi ách phân biệt chủng tộc. Trong cả quãng đời hoạt động của mình, ông đã trở thành một nhà lãnh đạo được cả thế giới tôn vinh là “Người anh hùng vì tự do”.
Làng Mvezo - nơi Mandela chào đời. |
Cậu bé Rolihlahla Mandela sinh ngày 18/7/1918 trong ngôi làng Mvezo bé nhỏ trên bờ sông Mbashe ở Transkei, Nam Phi. Rolihlahla trong ngôn ngữ của người Bantu da đen ở Nam Phi có nghĩa đen là “kéo cành cây”, nhưng thông thường được hiểu là “người gây rắc rối”.
Cha của cậu bé Mandela là người đứng đầu bộ lạc ở Mvezo đồng thời là cố vấn của các trưởng tộc, nhưng mất cả hai chức tước và tài sản do không được lòng chính quyền thuộc địa. Lúc đó, Mandela mới vừa lọt lòng và đã buộc phải theo cả nhà đến ở làng Qunu, một ngôi làng còn nhỏ hơn nằm ở phía bắc Mvezo. Qunu chỉ có mấy trăm người, co cụm trong một thung lũng hẹp đầy cỏ cây, không có đường đi lại, chỉ có những con đường nhỏ nối các đồng cỏ với nhau.
Cả nhà Mandela phải sống trong ba cái lều vách trát bằng bùn, nhìn từ xa như những cái tổ ong. Trong ba cái lều, một dùng để nấu ăn, một để ngủ và một để làm nhà kho. Lối vào duy nhất là cái cửa thấp đến mức ra vào phải cúi khom người. Như những người cùng làng, gia đình Mandela phải lấy nước từ sông suối, ăn những thứ rẻ tiền như ngô, kê, bí ngô, đậu được nấu ngoài trời. Những gia đình giàu hơn còn mua được trà, cà phê và đường - những thứ xa xỉ ngoại lai với phần lớn người Qunu. Phụ nữ và trẻ con trong làng đều khoác trên mình những cái chăn nhuộm màu đất, chỉ vài người Thiên chúa giáo trong làng mặc những thứ quần áo “tây” hơn.
Cha nuôi của Mandela, Tù trưởng Jongintaba Dalindyebo. |
Ngay từ khi còn bé, phần lớn thời gian cậu bé Mandela dành để lang thang trên thảo nguyên, đánh lộn với lũ trẻ con cùng làng rồi tối đến lại ăn chung ngủ chung với những đứa trẻ đó. Mới lên 5 nhưng Mandela đã phải đi chăn cừu, chăn bê trên cánh đồng và cậu bé lấy đó làm thú vui. Trong lúc cừu và bê mải miết gặm cỏ, Mandela biết cách bắn chim bằng súng cao su, lấy mật ong và quả rừng, đào các loại rễ cây ăn được, uống dòng sữa ấm ngọt trực tiếp từ bò cái, bơi lội thỏa thích trong dòng suối trong mát lạnh. Sau những ngày chơi đùa mệt lả, Mandela về với túp lều nơi mẹ đang nấu ăn tối.
Cuộc sống của cậu bé Mandela được nhào nặn, vây quanh bởi phong tục, nghi lễ và những điều cấm kỵ. Con trai theo con đường mà cha đã dọn sẵn, con gái theo dấu chân của mẹ.
Mandela trở thành người đầu tiên trong gia đình được đến trường học. Ngày đầu tiên đi học, theo phong tục thời bấy giờ, cô giáo Mandela đã đặt cho cậu cái tên mới Nelson, theo người châu Âu - những người đã đặt chân đến Nam Phi từ thế kỷ 18 và chiếm mảnh đất này làm thuộc địa. Thay vì khoác một cái chăn như hàng ngày, Mandela lần đầu được mặc quần, một cái quần của cha được sửa lại.
Khi Mandela 9 tuổi, cha cậu chết vì bệnh phổi. Từ đó, cuộc đời cậu bé đột ngột thay đổi. Mandela được tù trưởng Jongintaba Dalindyebo nhận nuôi để tỏ lòng biết ơn người cha quá cố của cậu, người đã từng tiến cử ông làm tù trưởng.
Mandela nhanh chóng phải rời bỏ cuộc sống vô tư lự ở làng Qunu, thậm chí còn sợ rằng cậu sẽ không bao giờ được nhìn thấy ngôi làng của mình. Cậu được đưa đến Mqhekezweni, thủ phủ tỉnh Thembuland - nơi có dinh thự của tù trưởng. Dù trong lòng vẫn vấn vương làng cũ nhưng Mandela nhanh chóng thích nghi với môi trường mới và phức tạp hơn ở Mqhekezweni. Ở đây, Mandela có địa vị và được đối xử như hai người con của tù trưởng Jongintaba là Justice và Nomafu.
Hàng ngày, Mandela đến trường học bên cạnh dinh thự, học tiếng Anh, lịch sử và địa lý. Trong chính khoảng thời gian này, Mandela đã tỏ ra quan tâm đến lịch sử châu Phi, những câu chuyện được các tù trưởng mang đến mỗi khi bàn việc tại dinh thự của cha nuôi. Cậu biết rằng người châu Phi đã sống khá yên bình cho đến khi người da trắng xuất hiện.
Theo lời các tù trưởng, trẻ con Nam Phi từng sống như anh em một nhà nhưng chính người da trắng đã phá vỡ mối quan hệ đó. Trong khi người da đen chia sẻ đất đai, không khí, nước uống với người da trắng thì người da trắng lại vơ hết về cho mình.
Khi 16 tuổi, Mandela tham gia nghi lễ truyền thống cắt bao quy đầu của người châu Phi cùng 25 cậu bé khác để đánh dấu thời điểm cậu chính thức trở thành một người lớn, một người đàn ông thực thụ. Nghi lễ này không chỉ là một ca phẫu thuật mà còn là một nghi lễ rất tỉ mỉ. Theo truyền thống châu Phi, một người đàn ông chưa trải qua nghi lễ này không thể thừa kế tài sản của cha, kết hôn hay tham gia các nghi lễ của bộ tộc.
Tâm trạng háo hức, vui mừng xen lẫn hồi hộp của Mandelan chợt chùng xuống khi tù trưởng Meligqili lên phát biểu trước “những người đàn ông mới lớn” rằng họ bị bắt làm nô lệ trong chính quê hương của mình, rằng mảnh đất của họ bị người da trắng xâm chiến, rằng họ sẽ không bao giờ có quyền làm chủ chính bản thân mình. Vị tù trưởng than vãn rằng những thanh niên trẻ chỉ lãng phí thời gian nếu họ chỉ sống và làm những nhiệm vụ vô hồn cho người da trắng. Về sau, Mandela thừa nhận rằng cậu không hoàn toàn hiểu những lời của tù trưởng, nhưng chính những lời đó lại hình thành trong cậu lòng quyết tâm mang về độc lập cho Nam Phi.
Mandela theo học trường nội trú Clarkebury của Hội giám lý và tìm thấy niềm đam mê học hành và tiến bộ rất nhanh. Năm 1939, Mandela vào học trường Đại học College of Fort Hare, trường đại học duy nhất dành cho người da đen ở Nam Phi bấy giờ. Fort Hare được coi như trường Oxford hay Harvard của Nam Phi, thu hút rất nhiều học giả từ mọi nơi ở vùng tiểu Sahara.
Ngay từ năm đầu đại học, Mandela đã tập trung học để trở thành một phiên dịch viên hoặc một thư ký - những nghề được coi là tốt nhất đối với một người da đen thời bấy giờ. Năm thứ hai, Mandela được bầu vào Hội đồng đại diện sinh viên (SRC).
Từ lâu, sinh viên vốn không hài lòng với đồ ăn ở trường và việc SRC không có thực quyền gì. Phần lớn sinh viên đã tuyên bố tẩy chay SRC nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng. Cùng quan điểm với đa số sinh viên, Mandela đã từ bỏ vị trí trong SRC, bị hiệu trưởng coi là bất hợp tác và đã trục xuất khỏi trường trong cả năm còn lại. Ông chỉ cho Mandela quay lại nếu chịu vào SRC. Lúc về nhà, cha nuôi của Mandela đã nổi giận, buộc anh phải nhận lỗi và quay lại trường vào mùa thu.
Thùy Dương
Đón đọc kỳ tới: Chiến đấu không mệt mỏi