Huyền thoại Nelson Mandela - Kỳ 2: Chiến đấu không mệt mỏi

Vài tuần sau khi Nelson Mandela về nhà, tù trưởng Jongintaba (Regent) thông báo rằng ông đã sắp xếp một cuộc hôn nhân cho cậu con trai nuôi. Vị cha nuôi muốn đảm bảo rằng cuộc đời Mandela sẽ được lên kế hoạch đúng đắn và theo phong tục của bộ tộc, ông có quyền sắp đặt hôn nhân cho Mandela.


Mandela năm 1937.


Quá sốc trước thông tin này, với cảm giác bị mắc kẹt và cho rằng mình không còn lựa chọn nào khác, Mandela đã bỏ nhà trốn đến thành phố Johannesburg. Chàng thanh niên làm đủ mọi việc, từ bảo vệ cho đến thư ký trong khi vẫn hoàn thành nốt bằng cử nhân từ xa. Sau đó, anh đã ghi danh vào trường Đại học Witwatersrand ở Johannesburg để học luật.


Thời kỳ đó, Nam Phi chìm trong chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid hà khắc. Apartheid trong tiếng Hà Lan nghĩa là tách biệt, dùng để chỉ hệ thống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi giữa thiểu số người da trắng và phần đông người da đen trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Chế độ này trở thành chính sách phát triển chính thức của Nam Phi từ năm 1948 khi đảng Quốc gia lên nắm quyền.


Kể từ năm đó, hàng loạt đạo luật Apartheid đã ra đời. Theo những đạo luật này, người da đen đa số bị đối xử khác hẳn với người da trắng thiểu số. Người da đen không được kinh doanh hay hành nghề ở những khu vực dành riêng cho người da trắng trừ khi có phép. Các cơ sở giao thông và dân sự đều được phân chia rõ ràng. Xe buýt có loại dành cho người da trắng và người da đen. Điểm chờ xe buýt cũng riêng biệt. Tàu hỏa, bệnh viện, xe cứu hỏa dành cho người da trắng cũng tốt hơn dành cho người da đen. Hồ bơi công cộng, cầu đi bộ, chỗ đỗ xe, sân vườn, công viên, nhà vệ sinh công cộng, rạp chiếu phim… tất cả đều có biển chỉ dẫn “Dành cho người da đen” hoặc “Chỉ dành cho người da trắng”.


Không chỉ trong hoạt động xã hội, người da đen còn bị phân biệt đối xử và bị kỳ thị trong các hoạt động kinh tế, chính trị. Lương của người da trắng cao hơn rất nhiều người da đen. Người da đen bị ngăn cấm thành lập các liên đoàn thương mại và phải ở trong các khu nhà tập trung ổ chuột nghèo nàn, bị kiểm soát ngặt nghèo trong các ngành khai mỏ, nông trại, nhà máy…ở Nam Phi.


Chứng kiến cảnh bất công đó, Mandela sớm trở thành một người hoạt động tích cực trong phong trào chống chủ nghĩa Apartheid rồi gia nhập phong trào Đại hội Dân tộc Phi (ANC) năm 1942. Trong lòng ANC, một nhóm người châu Phi trẻ đã đoàn kết với nhau, gọi mình là Liên đoàn thanh niên của ANC (ANC Youth League) với mục tiêu biến ANC thành một phong trào quần chúng rộng rãi, tận dụng sức mạnh của hàng triệu nông dân và người lao động vốn không có tiếng nói dưới chế độ do người da trắng cầm quyền. Điều đặc biệt là, Liên đoàn thanh niên ANC cho rằng những biện pháp cũ của ANC là “kiến nghị lịch sự” không có hiệu quả.


Mandela tại Văn phòng luật Mandela & Tambo ở Johannesburg năm 1952.


Năm 1949, ANC chính thức áp dụng các phương pháp của Liên đoàn thanh niên gồm tẩy chay, đình công, bất hợp tác và bất phục tùng nhằm đạt được quyền công dân toàn diện, phân phối lại đất đai, quyền công đoàn, giáo dục bắt buộc và miễn phí cho mọi trẻ em.


Trong suốt 20 năm, Mandela đã chỉ đạo những hoạt động hòa bình, phi bạo lực chống lại chính phủ Nam Phi và chính sách phân biệt chủng tộc, nổi bật là hai chiến dịch năm 1952 và 1955.


Ông còn thành lập công ty luật Mandela & Tambo cùng với Oliver Tambo - một sinh viên ưu tú mà ông đã quen khi học ở trường Fort Hare. Công ty của ông cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí và giá rẻ cho những người da đen.


Năm 1956, Mandela và 150 người khác bị bắt và kết tội phản quốc vì các hoạt động chính trị của họ nhưng về sau được tuyên trắng án. Trong lúc đó, ANC gặp nhiều thách thức từ một nhóm gồm các nhà hoạt động người da đen - những người cho rằng biện pháp hòa bình của ANC là không có hiệu quả. Nhóm này tách ra khỏi ANC và điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến ANC, làm mất đi một lực lượng hỗ trợ đáng kể.


Khi chính phủ Nam Phi cấm ANC hoạt động, Mandela đành phải rút vào bí mật. Một cuộc sống bí mật đòi hỏi ông phải cực kỳ cảnh giác, mọi hành động đều phải có kế hoạch, kể cả những việc nhỏ. Mandela đã rút ra được một điều rằng không tin bất kỳ điều gì nếu bạn là một người da đen ở Nam Phi, đặc biệt là khi bạn có một cuộc sống bí mật.


Trong thời gian này, Mandela đã trở thành một sinh vật của bóng đêm. Ông ẩn mình ban ngày và chỉ làm việc khi trời tối. Mọi công việc của ông chủ yếu ở Johannesburg nhưng ông cũng phải đi ra ngoài nếu cần thiết. Dù là người thích giao du nhưng ông thậm chí thích ở một mình hơn để có thể suy nghĩ, lên kế hoạch hành động. Tuy nhiên, có những lúc Mandela cảm thấy cực kỳ cô đơn và nhớ gia đình.


Cuộc sống bí mật đã khiến Mandela học được cách “vô hình”. Ông biết cách bước vào một căn phòng mà không bị ai chú ý. Ông không cắt tóc hay cạo râu và phần lớn thường đóng giả làm lái xe, đầu bếp hay người làm vườn. Ông thường mặc một bộ quần áo màu xanh da trời, kèm một cái mũ của người lái xe. Đóng giả một lái xe rất thuận tiện vì ông có thể đi lại và giả vờ đang lái xe cho ông chủ.


Có lúc Mandela đi cùng người Hồi giáo ở Cape, có lúc đi cùng công nhân đồn điền mía ở Natal, khi lại đồng hành cùng công nhân nhà máy ở cảng Elizabeth. Mandela đến rất nhiều thành phố khác nhau ở Nam Phi để tham gia các cuộc họp bí mật ban đêm. Ông thoắt ẩn thoắt hiện khiến cảnh sát rất tức giận.


Bản thân Mandela chưa bao giờ là một người lính, chưa bao giờ ra trận, chưa bao giờ chĩa súng vào kẻ thù nhưng lại được giao nhiệm vụ xây dựng một đội quân. Đó chính là một nhóm vũ trang của ANC có tên Umkhonto we Sizwe hay còn gọi là MK. Mandela sáng lập nhóm này để chuyên dùng các chiến thuật du kích và phá hoại nhằm chấm dứt chủ nghĩa Apartheid. Mandela đã không còn tin vào các biện pháp đấu tranh hòa bình như trước. Giờ đây, ông cho rằng phải đấu tranh bằng bạo lực mới có thể làm nên chuyện.


Ngày 26/6/1961 là Ngày Tự do của Nam Phi. Mandela đã gửi một bức thư cho báo chí, kêu gọi tổ chức một hội nghị hiến pháp toàn quốc. Ông tuyên bố nếu chính phủ không tổ chức hội nghị này, sẽ có một chiến dịch bất hợp tác trên quy mô toàn quốc. Mandela kêu gọi người dân: “Tôi sẽ sát cánh cùng các bạn chiến đấu chống lại chính phủ từng bước, cho đến khi giành chiến thắng. Các bạn sẽ làm gì? Các bạn có đến với chúng tôi hay sẽ hợp tác với chính phủ để đàn áp nguyện vọng và đòi hỏi của chính người dân nước bạn? Các bạn sẽ yên lặng và thờ ơ trong một vấn đề sống còn với người dân của chúng ta? Về phần tôi, tôi đã có lựa chọn của mình. Tôi sẽ không rời Nam Phi cũng sẽ không đầu hàng. Chỉ trải qua gian khó, hi sinh và hành động quân sự chúng ta mới giành được tự do. Cuộc đấu tranh này là cuộc đời tôi. Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vì tự do cho đến ngày cuối cùng”.



Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ tới: Những thời khắc đen tối

Huyền thoại Nelson Mandela - Kỳ 1
Huyền thoại Nelson Mandela - Kỳ 1

Hãy tưởng tượng bạn lớn lên ở một đất nước mà uống nước nhầm vòi cũng có thể bị tống giam; nơi mà bạn làm việc như hàng xóm nhưng chỉ vì màu da nên lương cả năm không bằng lương một tuần của anh ta; một đất nước mà chính phủ coi thường tổ tiên và lối sống của bạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN