Trung Quốc có thể đã thử tên lửa ICBM ngay trước khi đón Tổng thống Trump

Trung Quốc dường như đã phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng tấn công bất cứ địa điểm nào ở Mỹ chỉ 2 ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại lễ đón ở Bắc Kinh ngày 9/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng những vụ thử như này nhằm gửi một thông điệp tới Mỹ bằng việc nhấn mạnh năng lực hạt nhân của Trung Quốc vào thời điểm cả Mỹ và Nga đang đẩy mạnh tiến hành các vụ thử nghiệm ICBM cũng như các khí tài siêu thanh khác của mình. Tuy nhiên, không rõ liệu việc chọn thời điểm cho vụ thử trùng với chuyến thăm của ông Trump có phải là cố tình hay không.

Ông Song Zhongping, một nhà bình luận các vấn đề quân sự ở Hong Kong cộng tác với kênh truyền hình Phoenix TV, cho hay có khả năng Lực lượng tên lửa của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành vụ thử ICBM nói trên tại vùng cấm bay ở sa mạc Gobi vào hôm 6/11 - một ngày sau khi tuyên bố đóng không phận này. Nơi đây từng được sử dụng cho các vụ thử nghiệm chống tên lửa ở tầm cao, mặt đất và những cuộc thử nghiệm ICBM khác.

Trong khi đó, một nhà bình luận các vấn đề quân sự ở Bắc Kinh, ông Zhou Chengming cho biết ông không loại bỏ khả năng Bắc Kinh muốn phô trương sức mạnh quân sự trước chuyến thăm của ông Trump như Trung Quốc từng làm những động tác tương tự trước thềm chuyến thăm của các quan chức cấp cao khác của Mỹ. Ông Zhou dẫn chứng về chuyến bay đầu tiên của chiến đấu cơ J-20 của PLA diễn ra vào tháng 1/2010, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời đó là ông Robert Gates thăm Bắc Kinh.

Theo ông Zhou, thông điệp quan trọng này là nêu bật khả năng răn đe hạt nhân của Bắc Kinh. Ông nhận định: "Trung Quốc, Mỹ và Nga đã bắt đầu một cuộc cạnh tranh ngầm về các công nghệ tấn công tầm xa trong những năm gần đây. Có nhiều ý kiến cho rằng 3 siêu cường quốc này cần nhất trí một hiệp định về các vũ khí hạt nhân ở cấp độ cao hơn ngay khi có thể. Với tư cách là 1 trong 3 siêu cường quốc của thế giới, Trung Quốc cũng cần làm điều gì đó để tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của mình".

Tên lửa DF-41 của Trung Quốc. globalsecurity.org

Hôm 5/11, Bắc Kinh thông báo đóng cửa không phận một khu vực tại sa mạc Gobi, nơi đã từng được sử dụng để thử nghiệm DF-41 - loại ICBM mới nhất của Trung Quốc. Theo thông báo, việc đóng cửa không phận sẽ kéo dài 53 phút đến khoảng 9 giờ ngày 6/11. Trước đó, truyền thông nhà nước cho biết loại tên lửa DF-41 đã được phiên chế vào Lực lượng tên lửa mới thành lập của PLA từ cuối năm 2016.

TTXVN/Báo Tin Tức
Trạm vũ trụ Trung Quốc sắp rơi xuống châu Âu, những nước nào bị ảnh hưởng?
Trạm vũ trụ Trung Quốc sắp rơi xuống châu Âu, những nước nào bị ảnh hưởng?

Trạm vũ trụ Thiên Cung-1 (Tiangong-1) của Trung Quốc nặng 8,5 tấn có thể rơi xuống châu Âu trong vài tháng tới theo như cảnh báo của các chuyên gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN