Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh, phải) ở thủ đô Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh, trái). Ảnh: AFP/TTXVN |
Những thỏa thuận mà hai bên đạt được trong hội đàm, như Washington và Bắc Kinh cam kết hướng tới một quan hệ thương mại công bằng cho cả 2 bên, hay cùng hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách giảm bớt những căng thẳng trong quan hệ giữa hai cường quốc và cũng là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Chặng dừng chân ở Bắc Kinh từng được dự báo là "sóng gió" nhất đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến công du châu Á-Thái Bình Dương lần này, bởi lâu nay Mỹ và Trung Quốc vẫn mâu thuẫn trong nhiều vấn đề, từ thương mại, tiền tệ, an ninh mạng, hoạt động quân sự tới quan điểm trong nhiều vấn đề quốc tế nóng bỏng, và luôn trong thế cạnh tranh và tranh giành ảnh hưởng tại nhiều khu vực chiến lược trên thế giới.
Riêng vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc được coi là mối quan ngại lớn nhất đối với ông Trump nói riêng và nền kinh tế Mỹ nói chung, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đắc cử 1 năm trước với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" và cam kết giành lại sự công bằng trong thương mại cho nước Mỹ.
Mức thâm hụt thương mại Mỹ-Trung năm ngoái lên tới 347 tỷ USD, dù giảm từ con số kỷ lục hơn 367 tỷ USD năm 2015, vẫn luôn là chủ đề chỉ trích của Washington bởi cho rằng Bắc Kinh cố tình kiềm giá đồng Nhân dân tệ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc, qua đó tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi đó, số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc công bố mới đây cho thấy thặng dư thương mại của nước này với Mỹ đã tăng từ 26,23 tỷ USD vào tháng 8/2017 lên 28,08 tỷ USD trong tháng 9 - chỉ số 1 tháng cao kỷ lục từ trước tới nay.
Cũng theo cơ quan trên, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay ở mức gần 196 tỷ USD. Đây thực sự là vấn đề gai góc trong quan hệ hai nước bởi sự mất cân bằng về thương mại trên có phần bắt nguồn sự trỗi dậy của Trung Quốc, khiến vị thế kinh tế quốc tế của Mỹ bị suy yếu.
Tuy nhiên, việc ông Trump là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc ngay sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội XIX cũng cho thấy cả Bắc Kinh và Washington đều coi trọng việc duy trì đối thoại giữa hai cường quốc, cũng như không muốn những mâu thuẫn hiện nay leo thang khiến quan hệ song phương thêm căng thẳng. Bởi vậy, cuộc gặp lần thứ 3 của hai nhà lãnh đạo trong năm 2017, cũng là kết quả của nhiều cuộc đối thoại song phương về một loạt vấn đề từ thương mại và an ninh đến văn hoá và thực thi pháp luật nhằm tìm kiếm "tiếng nói chung" được cả hai bên chấp nhận.
Tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc hội đàm, khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Washington trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, mang lại lợi ích chung và tập trung vào hợp tác và giải quyết các khác biệt, đồng thời nhấn mạnh hợp tác là “lựa chọn đúng đắn duy nhất” cho cả hai nước, cũng cho thấy thiện chí của hai bên nhằm duy trì mối quan hệ tốt đẹp.
Trong khi đó, Tổng thống Trump dường như cũng có động thái "xoa dịu" khi tuyên bố "không đổ lỗi" cho Bắc Kinh về tình trạng thương mại "một chiều và không công bằng" giữa Mỹ với Trung Quốc hiện nay, mà chỉ hối thúc Bắc Kinh hành động mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tiếp cận thị trường, chuyển giao công nghệ và ngăn chặn tình trạng đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.
Việc kinh tế hai nước đang chiếm tới 1/3 kinh tế toàn cầu, Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, còn Mỹ đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách đối tác thương mại của quốc gia đông dân nhất thế giới với kim ngạch thương mại dịch vụ đã vượt trên mức 110 tỷ USD hồi năm ngoái và đầu tư hai chiều đạt 170 tỷ USD, cũng buộc Bắc Kinh và Washington có trách nhiệm duy trì một mối quan hệ thương mại phát triển bền vững và mạnh mẽ nhằm bảo đảm sự ổn định của kinh tế thế giới.
Trong chuyến thăm này, Tổng thống Trump đến Trung Quốc cùng với lực lượng hùng hậu, trong đó nổi bật là đoàn doanh nghiệp đại diện cho 29 tập đoàn lớn của Mỹ, và kết quả là doanh nghiệp hai nước đã ký hàng chục thỏa thuận với tổng trị giá 250 tỷ USD, và con số này được hai bên tuyên bố mới chỉ là “sự khởi đầu”.