Iran đang chuẩn bị trả đũa cuộc tấn công trên, trong khi các quan chức Israel và chuyên gia phương Tây lo ngại phản ứng của Tehran có thể bao gồm việc sử dụng "tên lửa đạn đạo tầm xa, tên lửa hành trình hoặc máy bay không người lái" nhằm vào các lợi ích của Tel Aviv ở Trung Đông.
Vậy quân đội của nước nào được trang bị tốt hơn cho một cuộc giao tranh quy mô lớn? Mặc dù hai nước không có chung đường biên giới nhưng mỗi nước đều có các hệ thống tên lửa, không quân và hải quân để gây tổn hại nghiêm trọng cho nhau nếu căng thẳng trở nên gay gắt. Dưới đây là đánh giá khái quát về sức mạnh quân sự của họ:
Về quân số
Đầu năm 2023, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ước tính tổng quân số của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) là 169.500 binh sĩ, cộng thêm 465.000 quân dự bị (phần lớn được triệu tập sau ngày 7/10 năm ngoái). Lực lượng trên bộ của quân đội Israel có khoảng 126.000 binh sĩ và 400.000 quân dự bị; Không quân có 34.000 binh sĩ và 55.000 quân dự bị. Hải quân có 9.500 binh sĩ và 10.000 quân dự bị.
Trong khi đó, lực lượng vũ trang Iran có khoảng 420.000 quân, gồm: 350.000 người trong Lục quân, 37.000 người trong Không quân và 18.000 người trong Hải quân, 15.000 người trong lực lượng Phòng không.
Iran cũng có lực lượng gồm 230.000 quân thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) - 150.000 trong lực lượng trên bộ, 40.000 quân thuộc lực lượng bán quân sự, 20.000 trong Hải quân IRGC và 15.000 trong Lực lượng Phòng không và Không quâ IRGC. Iran cũng có ít nhất 350.000 nhân viên dự bị được huấn luyện để điều động trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Về ngân sách quốc phòng
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm đã tính toán ngân sách quốc phòng của Israel vào khoảng 23,4 tỷ USD (bao gồm gần 4 tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm của Mỹ) năm 2022.
Iran có ngân sách quốc phòng tương đương khoảng 6,8 tỷ USD trong cùng năm. Iran bù đắp cho ngân sách nhỏ hơn của mình bằng cách giảm chi phí vận hành và mua sắm vũ khí, cộng với chiến lược tập trung vào các giải pháp bất đối xứng - chẳng hạn như chuyển đổi các tàu chở dầu cũ thành căn cứ nổi tiền phương (trên biển).
Về vũ khí
Cả hai nước đều có ngành công nghiệp quốc phòng nội địa lớn cho phép sản xuất mọi thứ từ vũ khí nhỏ, xe tăng cho đến máy bay không người lái và tên lửa. Israel đã xây dựng lĩnh vực quốc phòng của mình với sự hợp tác của Mỹ, trong khi Iran - nước bị trừng phạt trong nhiều thập kỷ, đang hướng tới việc sản xuất càng nhiều nhu cầu quốc phòng càng tốt ở trong nước.
Israel có thể có một "con át chủ bài" quan trọng: vũ khí hạt nhân. Mặc dù không xác nhận cũng không phủ nhận việc sở hữu những vũ khí như vậy (trong một chính sách được gọi là "sự mơ hồ có chủ ý"), Israel bị nghi ngờ có tới 80 đầu đạn hạt nhân có thể phóng từ máy bay và tên lửa.
Về phần mình, Iran cũng phủ nhận sở hữu vũ khí hạt nhân và tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, trong khi phát triển kho vũ khí tên lửa thông thường khổng lồ - nhưng lại có một "con át chủ bài" khác: khả năng phong tỏa eo biển Hormuz, vốn về cơ bản mang lại cho nước này sức mạnh làm tê liệt các nền kinh tế phương Tây trong trường hợp bị tấn công bằng cách ngăn chặn 30% tổng lượng dầu thô được vận chuyển qua đường biển.
Về kinh nghiệm chiến đấu
Trải qua hơn chục cuộc chiến tranh và nổi dậy với các nước láng giềng và với Palestine từ năm 1948, Israel cho đến nay là quốc gia có quân đội thiện chiến nhất ở Trung Đông. Tuy nhiên, cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza đã chứng minh rằng năng lực chiến đấu không phải là thứ được truyền lại giữa các thế hệ, với việc IDF gặp phải những vấn đề đáng kể khi chiến đấu với Hamas và các lực lượng dân quân khác, khi tốc độ hoạt động chậm hơn nhiều so với dự kiến và thương vong là nặng nề nhất trong số các cuộc xung đột trong thế kỷ 21 liên quan đến Israel.
Iran cũng có kinh nghiệm chiến đấu đáng kể. Cách mạng Hồi giáo năm 1979 diễn ra trong cuộc xung đột tàn khốc với Iraq kéo dài gần hết thập niên 1980, trong đó có tới 600.000 binh sĩ Iran và 500.000 quân Iraq và hơn 100.000 dân thường chủ yếu là người Iran đã thiệt mạng.
Trong nhiều thập kỷ kể từ đó, quân đội Iran đã có được kinh nghiệm chiến đấu trong nhiều cuộc xung đột khác - từ các cuộc nổi dậy trong nước đến hỗ trợ tư vấn của IRGC cho Hezbollah chống lại Israel trong Chiến tranh Liban năm 2006, cũng như cho Chính phủ Syria và Iraq trong cuộc chiến chống lại một loạt lực lượng được nước ngoài hậu thuẫn và các chiến binh thánh chiến trong những năm 2010.
Về đồng minh
Nếu cuộc khủng hoảng giữa Iran và Israel trở nên nóng bỏng, các đồng minh của cả hai bên khó có thể ngồi bên lề.
Đồng minh và nhà tài trợ hàng đầu của Israel là Mỹ - nước có nhiều căn cứ quân sự lớn bao quanh Iran ở Vịnh Ba Tư và Arab, cùng các cơ sở bổ sung ở các nước như Iraq, Jordan, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự hiện diện của Mỹ trong khu vực bao gồm Hạm đội 5 với một nhóm tấn công tàu sân bay được triển khai ở tiền phương, các lực lượng viễn chinh, hậu cần, rà phá bom mìn, tàu ngầm và trinh sát. Mỹ đã sử dụng Hạm đội 5 một cách rộng rãi cho các cuộc chiến tranh ở Trung Đông và Afghanistan trong suốt hai thập kỷ qua.
Về phần mình, Iran có một loạt các đồng minh nhà nước và phi nhà nước trên khắp khu vực được gọi là "Trục kháng chiến", bao gồm Syria, lực lượng dân quân ở Iraq (chính thức là một phần của lực lượng an ninh Iraq), lực lượng Hezbollah ở Liban và, theo một số nguồn tin, lực lượng Houthi thiện chiến ở Yemen.
Iran cũng có đối tác là các cường quốc thế giới ví dụ như Nga và Trung Quốc - ngay cả khi họ không trực tiếp tham gia vào các cuộc chiến, nhưng có khả năng sẽ nỗ lực hỗ trợ tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, cũng như ở cấp khu vực và song phương trong khối BRICS + và trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, sẽ tìm cách giải quyết xung đột càng sớm càng tốt và có thể sử dụng công cụ trừng phạt bằng các biện pháp kinh tế, ngoại giao và các hình thức khác.